Câu chuyện được giá, mất mùa cà phê
Điện Biên TV - Mường Ảng là huyện có diện tích trồng cà phê lớn của tỉnh. Từ cây chủ lực này mà hàng trăm hộ nông dân đã nâng cao được thu nhập, từng bước vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, cứ đến mùa cà phê thì ở Mường Ảng lại rộ lên không phải câu chuyện được mùa mất giá thì lại là chuyện được giá nhưng mất mùa. Hàng trăm cử tri ở Mường Ảng, những người tham gia trồng cà phê ở đây cũng chẳng lúc nào không khỏi phấp phỏng lo âu bởi giả cả bấp bênh.
Năng suất Cà phê năm nay giảm đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân trồng Cà phê |
Đến thăm bãi cà phê của gia đình bà Nguyễn Thị Hồng tại bản Củ xã Ẳng Nưa huyện Mường Ảng. Nhà bà Hồng có 8 ha cà phê, trong đó có khoảng 6ha đang trong giai đoạn cho thu hoạch. Mặc dù vẫn chưa hết vụ thu hoạch, gia đình chỉ thu hái được vài đợt song bà Hồng đã cảm nhận rõ được sự thất bát trong mùa cà phê năm nay.
Nếu như năm ngoái, mỗi ha, gia đình bà Hồng thu hoạch khoảng 3 tấn quả tươi thì năm nay năng suất ước chừng chỉ được khoảng 1/3 năng suất năm ngoái. Lý giải về việc cà phê của gia đình mình mất mùa, bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng chủ yếu là do thời tiết khắc nghiệt. Phần thì cũng là do năm ngoái, giá cà phê đạt thấp nên gia đình bà cũng gặp khó khăn trong việc xoay xở tiền nong để đầu tư cho vụ cà phê năm nay.
Mường Ảng là địa phương có diện tích cây cà phê lớn nhất của tỉnh. Những năm gần đây, chính từ cây trồng chủ lực này đã giúp nâng cao đời sống và thu nhập cho nhiều người dân trên địa bàn huyện. Những năm gần đây, vai trò của loại cây trồng này trong định hướng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của Mường Ảng đã nhìn thấy rõ. Không ai phủ nhận rằng đây không phải là cây mũi nhọn của huyện cũng như của tỉnh.
Năm 2007 khi mới chia tách và thành lập mới, huyện Mường Ảng chỉ có vẻn vẹn chưa đầy 350 ha cà phê. Diện tích cà phê tăng nhanh từ năm 2008 trở lại đây. Bình quân mỗi năm huyện Mường Ảng trồng mới đạt từ 250 đến 500 ha. Theo đánh giá thì việc phát triển diện tích cây cà phê ở Mường Ảng như nêu trên đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp nông dân xóa đói giảm nghèo. Và đây cũng là những nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền huyện Mường Ảng.
Con số thống kê cho thấy, đến cuối năm 2015, huyện Mường Ảng có hơn 3.500 ha cà phê. Diện tích cây Cà phê Mường Ảng được trồng ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện; tập trung chủ yếu ở thị trấn Mường Ảng, xã Ẳng Cang, Ẳng Tở, Ẳng Nưa.
Hiện nay huyện Mường Ảng có hơn 3.500 ha cà phê |
Chất lượng cà phê Mường Ảng đã được một số chuyên gia đánh giá cao, có hương vị đặc trưng riêng, có thể xây dựng được thương hiệu sản phẩm Cà phê Mường Ảng. Tuy nhiên, vì sao mà người nông dân vẫn chưa thực sự mặn mà với cây trồng thế mạnh này? Suốt bao năm qua, câu trả lời vẫn là vấn đề về giá cả.
Theo như thông tin ghi nhận được từ phía cử tri trong huyện thì từ khi trên địa bàn huyện có 3 đơn vị thu mua cà phê cũng giúp người dân giải quyết nhiều khó khăn trong quá trình tìm kiếm nơi tiêu thụ. Tuy nhiên, cũng chính từ cơ chế độc quyền thu mua đã khiến người dân không khỏi lo âu về nguy cơ ép giá.
Để tìm hiểu thực hư câu chuyện mà cử tri phản ánh về việc nghi là bị ép giá trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã tìm đến ông Tạ Mạnh Cường- Trưởng phòng Kinh tế, hạ tầng huyện Mường Ảng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Cà phê Mường Ảng. Theo ông Cường thì trong thời gian cuối tháng 10 và đầu tháng 11, giá cà phê đột ngột giảm từ 10.500 đ/1kg quả tươi xuống chỉ còn 9.000 đ – 9.500 đ như cử tri phản ánh là hoàn toàn phù hợp với ngưỡng cho phép. Ông Tạ Mạnh Cường cũng khẳng định rằng trên thực tế không có chuyện doanh nghiệp cùng nhau thống nhất để ép giá thu mua cà phê của người nông dân.
Những năm qua, cây cà phê luôn được cấp ủy, chính quyền huyện ưu tiên hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp. Huyện Mường Ảng xác định cà phê là cây mũi nhọn xóa đói, giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện; tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự, môi trường sinh thái và góp phần giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động nông thôn địa phương. Cũng chính vì vậy mà huyện Mường Ảng đã ưu tiên, dành các chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích nông dân phát triển diện tích cây mũi nhọn này.
Chất lượng cà phê Mường Ảng đã được một số chuyên gia đánh giá cao, có hương vị đặc trưng riêng để xây dựng thương hiệu Cà phê Mường Ảng |
Thực tế thì việc được mùa hay mất mùa; thắng lợi hay thua lỗ thì chỉ chính những người dân trồng cà phê mới biết. Hơn ai hết, không ai thấu hiểu điều đó như chính họ.
Làm kinh tế, phải đối mặt với quy luật cung - cầu và sự bấp bênh về giá ở từng thời điểm là chuyện đương nhiên. Điều này với mỗi ai làm cà phê đều biết. Cà phê là cây trồng có suất đầu tư cao, tốn kém. Để cây cà phê cho năng suất và có thu nhập thì người nông dân phải mất rất nhiều công đoạn ngặt nghèo từ khâu trồng đến chăm sóc, thu hái và bảo quản. Người trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt từng yêu cầu kỹ thuật chăm sóc ở mỗi giai đoạn sinh trưởng.
Do suất đầu tư cao, trong khi phần lớn người dân ở Mường Ảng không chủ động được nguồn vốn để đầu tư cho cây nên đa số người dân phải vay vốn của ngân hàng để đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí làm cỏ, chi phí thu hái…vv. Đầu tư cho cây cà phê đang được người ta ví như đầu tư vào chứng khoán.
Giá cà phê thì phụ thuộc vào thị trường chung của Thế giới. Do đó, không ai có thể biết trước được tương lai sẽ ra sao và số phận của cây cà phê trong những năm tiếp theo sẽ đi đến đâu. Và đương nhiên cũng không ai mong muốn những cơn sốc giá sẽ tiếp tục diễn ra như những năm vừa qua.
Còn nhớ, mấy năm trước đây, trong dân, đã có hộ phải tính đến chuyện bán tháo diện tích cà phê hiện có để thanh toán nợ nần. Những ai còn kiên định lập trường, muốn bám trụ để hy vọng một ngày giá cả sẽ lên cao và ổn định. Hơn lúc nào hết, họ đang rất cần những cơ chế bao tiêu đặc thù về giá cả để yên tâm bám trụ với loại cây trồng mũi nhọn này./.
Minh Thịnh - Huy Long.