Hiệu quả mô hình nuôi gà an toàn sinh học ở Núa Ngam
Điên Biên TV - Nhằm khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hiệu quả vươn lên thoát nghèo bền vững, huyện Điện Biên đã triển khai dự án mô hình nuôi gà an toàn sinh học cho hộ dân tại bản Pá Ngam và Tân Ngam xã Núa Ngam.
Từ nguồn vốn khuyến nông của tỉnh, tháng 6 năm 2016, Trạm khuyến nông khuyến ngư huyện Điện Biên đã cung cấp gần 1.400 con gà giống cho 27 hộ nghèo ở xã Núa Ngam nuôi. Mỗi hộ 50 con giống 1 tuần tuổi và hỗ trợ 275 kg thức ăn, cùng với hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng trại, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh theo chuẩn quy định, nên sau gần 4 tháng nuôi trung bình mỗi con có trọng lượng từ 3 đến 3,5 kg, cao hơn so với kế hoạch dự án đề ra. Với giá bán ngoài thị trường 75.000 đồng/kg, mỗi hộ nuôi thu được trên 10 triệu đồng sau gần 4 tháng chăn nuôi.
Gà chăn nuôi phát triển tốt nên sau gần 4 tháng nuôi trung bình mỗi con có trọng lượng từ 3 đến 3,5 kg |
Được cấp 50 con giống, anh Quàng Văn Thân, bản Pá Ngam 2 đã đầu tư tu sửa chuồng trại để nuôi gà. Ngoài 275 kg thức ăn dự án hỗ trợ, anh còn mua thêm cám ở ngoài, cho ăn thêm ngô, kết hợp với tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh theo sự hướng dẫn của cán bộ thú y, đến nay đàn gà của anh phát triển tốt, đang trong quá trình vỗ béo, trung bình mỗi con nặng 3 kg, con trống 3,5 kg. Anh Thân cho biết sau lứa gà này, anh sẽ tiếp tục mua con giống nuôi tái đàn để phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo cho gia đình.
Theo các hộ tham gia dự án nuôi gà an toàn sinh học ở Núa Ngam, nuôi bằng cách truyền thống gà rất dễ bị bệnh về đường hô hấp và đường ruột, tỷ lệ hao hụt cao, gà tăng trọng thấp. Nhưng khi thực hiện mô hình đệm lót sinh học, tình trạng này được cải thiện đáng kể, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp giảm hẳn, gà tăng trọng nhanh. Mô hình này rất phù hợp với những hộ gia đình ít vốn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, đồng thời góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Từ mô hình nuôi gà an toàn sinh học ở Núa Ngam, nhiều gia đình tục mua con giống nuôi tái đàn để phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo cho gia đình. |
Mô hình nuôi gà an toàn sinh học ở Núa Ngam không chỉ đem lại giá trị kinh tế và cải thiện đời sống cho các hộ tham gia dự án, mà còn làm thay đổi tập quán phương thức chăn nuôi cũ của người dân sang phương thức chăn nuôi mới hiệu quả hơn, người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi như sử dụng thức ăn hỗn hợp qua từng giai đoạn phát triển và tiêm vắc xin phòng bệnh cho gà theo định kỳ. Được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học này bước đầu đã đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn mong đợi, giúp các hộ dân tham gia dự án xóa đói giảm nghèo. /.
Duy Sinh – Văn Hùng