Cắt giảm chi ngân sách: Tránh khiến địa phương quá "sốc"
Đại biểu Quốc hội của các thành phố lớn băn khoăn khi nguồn lực đầu tư cho địa phương bị cắt giảm mạnh: TP HCM giảm 5%, Đà Nẵng giảm 17%...
Cắt giảm ngân sách hàng loạt
Tại phiên thảo luận về dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách trung ương năm 2017, đại biểu Quốc hội của các thành phố lớn chia sẻ nhiều băn khoăn khi nguồn lực đầu tư cho địa phương bị cắt giảm mạnh, trong đó TP HCM giảm 5%, Hà Nội giảm 7%, Đà Nẵng giảm 17%...
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP HCM) cho biết, trong tình hình ngân sách khó khăn, thành phố đồng ý cắt giảm nhưng nên giảm có mức độ.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm |
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, với tinh thần chia sẻ cùng cả nước, thành phố đồng ý giảm tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại, nhưng không nên điều tiết đột ngột từ 23% xuống 18% (giai đoạn 2017 – 2020). Số tiền này tương đương hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
“Bây giờ giảm đột ngột một lúc 5%, trong 1% của TP.HCM thì con số tuyệt đối là rất lớn, sẽ khiến thành phố rất khó trong chính sách điều hành”, bà Tâm băn khoăn.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Thanh Quang (đoàn Đà Nẵng) cũng lên tiếng: Mức giao dự toán thu ngân sách 2017 với Đà Nẵng cao hơn gấp đôi bình quân cả nước. Năm 2017, Chính phủ trình Quốc hội xem xét tỷ lệ điều tiết phần ngân sách Đà Nẵng được giữ lại chỉ còn 68%, giảm mạnh so với tỷ lệ 85% giai đoạn 2011-2016. Trong số 16 tỉnh, thành tự cân đối ngân sách giai đoạn 2017-2020, Đà Nẵng là địa phương được huy động tăng cao đột biến với tỷ lệ 17%.
“Tôi cho rằng, việc tăng tỉ lệ điều tiết quá cao, đột ngột và bất ngờ…", ông Quang nói, đồng thời kiến nghị Quốc hội, Chính phủ điều tiết lại, tránh địa phương quá sốc, đặc biệt khi thành phố đang rất cần nguồn lực để thực hiện các chương trình như xây dựng ký túc xá cho sinh viên; chung cư, chỗ ở cho công nhân; triển khai hệ thống xe buýt trợ giá…
Công bằng tuyệt đối là khó
Trước ý kiến của các địa phương, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng mong mỏi 16 địa phương có điều tiết hết sức chia sẻ với Trung ương và 47 địa phương còn lại.
“Các địa phương có thu ngân sách điều tiết về Trung ương như là 'gà đẻ trứng vàng', cần được đầu tư phát triển để đẻ trứng tiếp, nhưng cũng phải chia sẻ với địa phương khó khăn, không để khoảng cách phát triển giãn ra”, ông Dũng nói.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng |
Bộ trưởng Tài chính trần tình, tỉ lệ điều tiết ngân sách năm 2017 cho các địa phương được tính lại sau khi trừ đi hỗ trợ từ trung ương. Ông Dũng cho rằng, 63 địa phương có địa điểm hạ tầng, dân số, quy mô kinh tế khác nhau nên thu ngân sách cũng khác.
Phân tích kĩ các lợi thế của TP HCM, ông Dũng cho biết, dự toán thu nội địa 2017 của thành phố này (không kể tiền sử dụng đất, thu sổ xố kiến thiết …) tăng khoảng 20% so với ước thực hiện 2016.
Bộ trưởng cho biết thêm, để TP HCM có thêm nguồn lực, trung ương tiếp tục phân bổ thêm cho thành phố hơn 1.800 đồng cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Chưa kể 5 dự án ODA với số vốn gần 100.000 tỉ đồng, cộng với 10.000 tỉ cho dự án chống ngập, gần 9.000 tỉ đồng xây dựng 2 bệnh viện lớn...
“Nếu tính cả khoản đầu tư trên, cả khoản bổ sung có mục tiêu vốn ngoài nước thì tỉ lệ điều tiết dành cho TP HCM gần 22%”, Bộ trưởng Tài chính phân tích và cho biết khi xây dựng định mức phân bổ, trung ương luôn ưu tiên định mức dành cho thành phố cao hơn.
Giải đáp băn khoăn của đại biểu Quốc hội Đà Nẵng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ vẫn rót thêm 14.500 tỉ đồng để hỗ trợ địa phương, tránh giảm sâu về tỉ lệ điều tiết.
“Trong điều kiện hiện nay sự công bằng tuyệt đối không làm được. Phải có sự hỗ trợ giữa các địa phương trong điều kiện ngân sách trung ương trong thời gian qua và thời gian tới rất khó khăn”, Bộ trưởng Tài chính giãi bày.
Mối quan hệ gắn bó máu thịt
"TP HCM sẵn lòng ủng hộ, vì cả nước, nhưng Chính phủ và Quốc hội xem xét để TP HCM làm ra của cải nhiều hơn, đóng góp cho đất nước nhiều hơn. Chúng tôi không xin tiền để chi tiêu cho bộ máy, mà để giải quyết các điểm nghẽn về kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường...", đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Ông Nguyễn Thanh Quang cũng bày tỏ quan điểm, Đà Nẵng được định hướng trở thành một đô thị lớn, là trung tâm phát triển ở miền Trung và Tây Nguyên, nhưng với mức điều tiết ngân sách về Trung ương quá cao thì rất khó cho Đà Nẵng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Quang |
Bộ trưởng Tài chính kêu gọi các địa phương chia sẻ với Trung ương. "Chúng tôi tin tưởng rằng đất nước ta cho dù địa phương điều tiết ngân sách về Trung ương hay địa phương nhận hỗ trợ từ Trung ương cũng có mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhau cả về mặt tình cảm, trách nhiệm, kinh tế cũng như quy định pháp lý. Kinh tế của các địa phương trọng điểm thu sẽ mạnh hơn, tăng trưởng bền vững hơn khi 47 địa phương khác cũng có đủ nguồn lực để phát triển ổn định và ngược lại. Chúng tôi hy vọng rằng cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, sẽ ngày càng có thêm nhiều địa phương có điều tiết về ngân sách Trung ương, từ đó giảm bớt trách nhiệm điều tiết cho các địa phương trọng điểm thu hiện nay," Bộ trưởng Dũng chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định: Quan điểm của lãnh đạo và nhân dân của Thành phố Hồ Chí Minh không bao giờ bàn lùi, một khi Quốc hội đã quyết và Chính phủ đã quyết thì TP HCM quyết tâm để tìm giải pháp thực hiện./.
Theo VOV