Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV

Thủ tướng: Tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt 6,3 - 6,5%

Thứ Năm, 20/10/2016, 15:51 [GMT+7]

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành linh hoạt các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng.
 
Sáng nay (20/10), tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017.
 

1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 trước Quốc hội sáng nay (20/10)

 

Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng tăng 3,14%, cả năm ước tăng khoảng 4%. Việc điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường đối với dịch vụ giáo dục, y tế được chuẩn bị kỹ và điều hành phù hợp, không gây ảnh hưởng lớn đến mặt bằng giá.

Nợ xấu tiếp tục được xử lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống. Tín dụng đối với nền kinh tế đến nay tăng 11,24%. Một số tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất huy động và cho vay khoảng 0,5 - 1,5%. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ, thị trường vàng ổn định; dự trữ ngoại hối đạt trên 40 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay.

Quản lý chặt chẽ, chống thất thu ngân sách, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế và tăng cường kiểm soát, tiết kiệm chi NSNN. Tổng thu NSNN 9 tháng đạt 70,8% dự toán; ước cả năm tăng 2,4%; bội chi giữ bằng mức Quốc hội thông qua (theo giá trị tuyệt đối).

Huy động vốn cho đầu tư phát triển được đẩy mạnh. Trong 9 tháng, vốn FDI thực hiện tăng 12,4%; vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân đạt khoảng 2,7 tỷ USD. Mức vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 63% GDP, cao nhất từ trước đến nay; vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tăng mạnh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm đạt 32,5% GDP (kế hoạch là 31,5%).

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh tăng trưởng thương mại toàn cầu và khu vực giảm mạnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng 6,7%, trong đó xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản tăng 7,4% (cùng kỳ giảm hơn 10%); xuất siêu 2,8 tỷ USD. Ước cả năm xuất khẩu tăng 6 - 7%. Công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường; bảo đảm tốt cung cầu các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá.

Ngoài ra, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Về xúc tiến đầu tư, thời gian làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp rút ngắn còn 1 - 3 ngày. Trong 9 tháng, có trên 81.000 doanh nghiệp thành lập mới và trên 20.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tạo được niềm tin và không khí phấn khởi của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, 9 tháng tăng 5,93%. Khu vực nông nghiệp đang phục hồi, 9 tháng tăng 0,65% (quý I giảm 1,23%, 6 tháng giảm 0,18%). Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,2%. Khu vực dịch vụ tăng 6,66%, cao hơn cùng kỳ. Khách quốc tế đạt 7,26 triệu lượt, tăng 25,7%, cả năm đạt khoảng 9,6 triệu. Tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt 6,3 - 6,5%.
 

Kết quả bước đầu trong tái cơ cấu kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, Chính phủ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu kinh tế, tập trung vào các trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém.

Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn và thực hiện đấu giá, niêm yết trên thị trường chứng khoán, bảo đảm công khai minh bạch, không để thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước.

Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh. Từng bước tổ chức lại sản xuất, mở rộng quy mô; tăng cường hợp tác, liên kết, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ thích ứng với biến đổi khí hậu. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả. Đến nay đã có 27 đơn vị cấp huyện và 2.061 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 23%. Đến hết năm 2016, dự kiến có 30 đơn vị cấp huyện và khoảng 2.200 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 25%).

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, tái cơ cấu các ngành công nghiệp, dịch vụ được thực hiện theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh. Thực hiện các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Cơ cấu nội ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực. Tập trung phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế như du lịch, viễn thông, công nghệ thông tin...

Thách thức cần vượt qua

Bên cạnh những thuận lợi, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu thấp hơn so với dự báo; giá nhiều hàng hóa cơ bản và giá dầu thô ở mức thấp.

Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ (5,93% so với 6,5%). Khu vực nông nghiệp chỉ tăng 0,65% (cùng kỳ 2,08%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,4% (cùng kỳ 9,9%); trong đó công nghiệp khai khoáng giảm 4,1% (cùng kỳ tăng 8,6%). Dự báo tăng trưởng GDP cả năm thấp hơn kế hoạch đề ra (6,7%).

Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn; trong 9 tháng có khoảng 45 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và trên 8,3 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu khác, trong đó tỷ lệ bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ so với GDP có thể cao hơn dự kiến.

Xuất khẩu 9 tháng chỉ tăng 6,7% (cùng kỳ tăng 9,1%), dự báo cả năm xấp xỉ đạt kế hoạch; trong đó xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng thấp, chỉ đạt 8,5% (cùng kỳ 18,6%); xuất khẩu vào khu vực ASEAN giảm 9,1%. Quản lý thị trường trong nước và thương mại biên giới có mặt còn bất cập. Buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp; mới giải quyết được bước đầu tình trạng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng; diễn ra nhiều vụ lừa đảo bán hàng đa cấp, tín dụng đen, gây bức xúc xã hội.

Thu ngân sách khó khăn, 9 tháng đạt thấp hơn cùng kỳ (70,8% so với 74,9%), trong đó thu ngân sách trung ương chỉ đạt 61%; nợ đọng thuế còn lớn. Triển khai kế hoạch vốn đầu tư công chậm. Một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp; nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Quản lý sử dụng tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí. Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn.

Thủ tướng nhấn mạnh, tái cơ cấu nhiều ngành, lĩnh vực còn chậm. Xử lý nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém gặp nhiều khó khăn, kết quả thấp. Các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển chưa bền vững. Tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt kế hoạch. Số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa lớn nhưng tỷ lệ vốn bán ra đạt thấp. Một số DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, chưa công khai minh bạch kết quả sản xuất kinh doanh; nhiều dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty chậm tiến độ, thua lỗ, lãng phí, phải dừng đầu tư, dừng hoạt động…/.

 

Theo VOV

.