Kiến nghị xử lý hình sự đối với kinh doanh phân bón giả
Ông Trần Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM kiến nghị cần xử lý hình sự đối với hàng gian, hàng giả, nhất là đối với phân bón giả.
Thành phố Hồ Chí Minh có 300 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón. Trước tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây thiệt hại cho người sản xuất, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389 quốc gia) đã chỉ đạo Thành phố Hồ Chí Minh chọn huyện Bình Chánh là địa bàn trọng điểm kiểm tra thực hiện công tác này. Tuy nhiên, theo ghi nhận của ngành chức năng, công tác quản lý phân bón ở Thành phố còn nhiều bất cập.
Nạn phân bón giả đang gây hại ngành nông nghiệp (Ảnh minh họa: KT) |
Chồng chéo trong quản lý
Đầu tháng 10 vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố và Đội Quản lý thị trường huyện Bình Chánh đã kiểm tra hơn 20 cơ sở, trong tổng số 34 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón tại đây. Kết quả có 7 cơ sở sản xuất phân bón không có giấy phép và 2 mẫu không đạt các tiêu chuẩn chất lượng đăng ký. Tính từ đầu năm đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra 47 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón. Qua đó phát hiện 10 cơ sở không có giấy phép sản xuất, 14 vụ vi phạm về phân bón nhập lậu, giả mạo nhãn hàng hóa và không ghi đầy đủ nội dung…
Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã buộc doanh nghiệp tái chế hơn 12.000 kg phân bón các loại và tịch thu, tiêu hủy gần 15.000 kg phân bón. Theo Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, tình hình sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn diễn biến phức tạp, nhiều trường hợp sản xuất không phép và các vi phạm khác.
Phân bón là mặt hàng ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Nếu nông dân sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng sẽ gây thiệt hại nặng. Ông Trần Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM kiến nghị: “Các cơ quan chức năng cần xử lý hình sự đối với hàng gian, hàng giả, nhất là đối với phân bón giả. Bởi vì, chúng ta không xử lý triệt để thì những cá nhân thực hiện hành vi này để họ không có điều kiện phát triển nữa thì sẽ giảm được bớt tình trạng phân bón giả.”)
Tình hình sản xuất, kinh doanh phân bón ngày càng diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, những quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón còn nhiều bất cập. Hiện nay, chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân bón nên việc quản lý, kiểm tra mặt hàng này đang gặp nhiều khó khăn. Một số sản phẩm phân bón chưa có trong danh mục quy định nên không có cơ sở xác nhận công bố hợp quy.
Phân bón là mặt hàng bảo quản có điều kiện, nhưng TPHCM cũng chưa có kho chứa chuyên dụng, nên khi tịch thu, tạm giữ tang vật vi phạm với số lượng lớn thì không có nơi chứa. Một khó khăn khác là đội ngũ quản lý thị trường của thành phố chưa có người nào được đào tạo và cấp giấy chứng nhận về lấy mẫu phân bón, do vậy khi đi kiểm tra phải đi thuê người...
Theo ông Phạm Công Thành, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường huyện Bình Chánh, “khi không có người của mình đi lấy mẫu phân bón, theo quy định pháp luật là sẽ thuê người ở bên ngoài. Nhưng những lúc gấp, rất khó vì bị động trong công việc”.
Cần sửa đổi quy định về quản lý phân bón
Bất hợp lý lớn nhất hiện nay là phân bón phục vụ cho ngành nông nghiệp, nhưng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố không được phép thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu, xử phạt các cửa hàng, đại lý, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón vô cơ, nên mặt hàng này trước nay gần như bỏ trống. Phân bón vô cơ thì do Bộ Công thương quản lý, nhưng Sở Công thương không có cán bộ chuyên trách công tác này, trong khi phân bón vô cơ đang chiếm 90% tổng sản lượng phân bón của thị trường.
Còn ngành nông nghiệp thì quản lý phân bón hữu cơ, chỉ chiếm khoảng 10% thị trường. Đáng nói là hiện nay không có doanh nghiệp nào chỉ sản xuất phân bón hữu cơ hay chỉ sản xuất phân bón vô cơ mà sản xuất cả 2 loại. Do vậy công tác quản lý rất khó cho cả cơ quan chức năng và người sản xuất. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa triển khai phối hợp giữa 2 bộ trong việc cấp giấy phép sản xuất, thanh, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất cả 2 loại phân bón này.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: “Có sự chồng chéo trong quản lý cho nên tôi đề nghị khẩn trương rà soát sửa đổi Nghị định 202 của Chính phủ về quản lý phân bón theo hướng giao cho một bộ quản lý và chịu trách nhiệm. Vì trong thực tế, thực hiện quản lý kiểm tra giữa các cơ quan đối với doanh nghiệp vừa sản xuất phân bón hữu cơ và vô cơ cần có sự phối hợp giữa các ngành quy chế đó chưa triển khai trong thực tế nên dẫn đến trạng thái gần như không có ai quản lý.".
Trước những khó khăn và bất cập vừa nêu, các ngành chức năng của thành phố đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Bộ Công thương vấn đề này. Trước mắt, để phòng chống phân bón giả, phân bón kém chất lượng Chi Cục Quản lý thị trường thành phố đang tập trung cao điểm cho công tác kiểm tra sản xuất, kinh doanh phân bón theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Bách, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Đoàn kiểm tra liên ngành có trách nhiệm kiểm tra tất cả các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón ở Bình Chánh. Các đối tượng vi phạm đến đâu xử lý đến đó. Còn trên địa bàn thành phố, Chi cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo đến 24 đội quản lý thị trường tập trung kiểm tra, kịp thời xử lý các đối tượng vi phạm”.
Muốn giải quyết tận gốc tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng, không chỉ lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát là đủ mà các bộ ngành, chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ và tích cực hơn trong việc sửa đổi những quy định chồng chéo, hạn chế trong công tác quản lý phân bón hiện nay, tránh tình trạng nhiều đơn vị quản lý, nhưng trách nhiệm thì không rõ ràng./.
Theo VOV