Chạy đua xây hạ tầng nông thôn mới: Đừng tự biến mình thành con nợ

Thứ Năm, 13/10/2016, 14:18 [GMT+7]

Cần rà soát nợ đọng xây dựng cơ bản để có hướng giải quyết dứt điểm, không để tái diễn tình trạng huy động vốn đầu tư vượt quá khả năng thanh toán.
 
5 năm qua, cả nước đã huy động hơn 850.000 tỷ đồng đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhưng hiện có đến 53 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố nợ đọng vốn với khoảng 15.000 tỷ đồng.

Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn với mục tiêu cao nhất là nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân nông thôn. Song, làm thế nào để các xã nông thôn mới không trở thành “con nợ” là vấn đề đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ và các địa phương cần có giải pháp cấp bách.
 

1
40% số xã đạt nông thôn mới nợ đọng vốn vay xây dựng hạ tầng để đạt tiêu chí nông thôn mới. (Ảnh minh họa: KT)

 

Theo báo cáo của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015”, hiện có tới 3.637 xã nợ đọng vốn vay xây dựng hạ tầng để đạt tiêu chí nông thôn mới, chiếm hơn 40% số xã đạt nông thôn mới của cả nước.

Đáng chú ý, các địa phương có số nợ đọng lớn lại là nơi có phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu cả nước như khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Hiện hai khu vực này có số nợ chiếm tới hơn 75% số nợ đọng của cả nước.

Một số địa phương có nợ đọng lớn như Bắc Ninh 1.631 tỉ đồng, Thanh Hóa 1.547 tỉ, Thái Bình 1.232 tỉ đồng… Cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán là huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) với số nợ 397 tỉ đồng. Số nợ đọng của các địa phương tập trung chủ yếu trong các dự án về giao thông, thủy lợi, trường học… Nợ đọng này xuất phát từ bệnh thành tích của những địa phương muốn đạt tiêu chí nông thôn mới bằng mọi giá.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, nhìn chung phong trào xây dựng nông thôn mới còn nóng vội và chạy theo thành tích. Nhiều nơi tư tưởng rất nóng vội vì để đảm bảo cho đủ 19 tiêu chí để công nhận là xã nông thôn mới nên làm cho qua, cho được.

Báo cáo giám sát đề cập nhiều yếu tố dẫn tới tình trạng này, trong đó có nhiều địa phương chưa chấp hành nghiêm quy định của Chính phủ trong kiểm soát vốn đầu tư công và xử lý nợ đọng. Bên cạnh đó là tình trạng phê duyệt các dự án, vận động doanh nghiệp ứng trước vốn để thi công khi chưa xác định được nguồn vốn để thanh toán.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dường như các địa phương mới chú trọng xây dựng hạ tầng chứ chưa đầu tư nhiều cho sản xuất để tăng nguồn thu. Vậy lấy tiền đâu để trả nợ?

“Mình đang nợ xây dựng cơ bản các địa phương chưa xử lý xong, bây giờ do việc cố gắng xây dựng nông thôn mới nên lại nợ tiếp. Tức là nợ để đạt được thì xử lý như thế nào. Nếu kiến nghị ngân sách sau này có nguồn trái phiếu hay nguồn gì cho đầu tư công sắp tới để ưu tiên trả nợ thì không công bằng, hợp lý, bất công với những xã khác. Nếu như thế theo phong trào cứ đầu tư, cứ vay nợ đi rồi sẽ được ưu tiên giải quyết nợ sẽ là không hợp lý. Còn nếu tự phải nỗ lực tìm nguồn trả nợ, đoàn giám sát chưa đưa ra được kiến nghị này”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ.
 
Để trả nợ, một số địa phương đã chọn cách làm là đấu giá quỹ đất của địa phương, nhưng không biết khi nào mới bán được trong điều kiện thị trường bất động sản không mấy sáng sủa như hiện nay.

Nhắc đến 1 huyện của ĐBSCL nợ đến 390 tỉ đồng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn giàu cho biết, doanh nghiệp hứa góp tiền nhưng đến khi làm thật, sau 2 năm vẫn chẳng thấy tiền hỗ trợ của doanh nghiệp đâu cả, cấp trên cũng hứa sẽ cho nhưng ngân sách do Quốc hội quyết định thì làm sao xin được.

Ông Nguyễn Văn Giàu đề nghị, tới đây cần kiên quyết yêu cầu dừng ngay việc tạm ứng vốn xây dựng cơ bản mà không có nguồn cân đối để thanh toán. Đồng thời cần thay đổi quan điểm xây dựng nông thôn mới, không nên giao chỉ tiêu xây dựng toàn huyện là nông thôn mới. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng lãng phí, dẫn đến hệ quả là tình trạng nợ nần không biết lấy gì mà trả.

“Bộ NN&PTNT nên đề xuất với Bộ Tài chính sớm xử lý tránh việc không trả nợ được là vỡ nợ. Dứt khoát là không nên giao chỉ tiêu toàn huyện là nông thôn mới. Đề nghị các bộ làm tham mưu cần tham gia góp ý, tìm quá trình nào phù hợp nhất, còn không sẽ vẫn lãng phí, làm đi làm lại”, ông Nguyễn Văn Giàu quả quyết.

Giải pháp cấp bách được đoàn giám sát đưa ra là rà soát nợ đọng xây dựng cơ bản, có hướng giải quyết dứt điểm số nợ này trong năm tới, không để tái diễn tình trạng huy động vốn đầu tư vượt quá khả năng thanh toán.

Đối với các địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản, không cho phép triển khai công trình xây dựng mới cho đến khi xử lý xong nợ đọng; chỉ phê duyệt dự án khi đã xác định được nguồn vốn. Cùng với đó là thực hiện nghiêm các quy định về đầu tư công, đấu thầu, không cho phép doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư, thi công khi chưa được bố trí vốn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Bộ sẽ có trách nhiệm yêu cầu các địa phương tập trung giải quyết những nợ nần, không để xảy ra tình trạng nợ đọng kéo dài.

“Cần rút kinh nghiệm 5 năm vừa qua phải xác định quá trình xây dựng nông thôn mới là lâu dài, từng bước phù hợp với đặc thù kinh tế xã hội, không thể nôn nóng, thực hiện đúng mục tiêu cốt lõi của chương trình xây dựng nông thôn mới là tái cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập cho nông thôn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ.

Mục tiêu cao nhất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập và đời sống của người dân nông thôn. Do vậy, kiểm soát quá trình xây dựng nông thôn mới, không để tình trạng chạy đua xây dựng hạ tầng dẫn đến nợ đọng như hiện nay, cùng với đó là tập trung đầu tư cho sản xuất, tái chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn là các giải pháp cần được các địa phương tập trung thực hiện trong thời gian tới./.

 

Theo VOV
 

.