Thị trường Việt "màu mỡ", doanh nghiệp nội không khéo sẽ… tuột tay
Thị trường Việt Nam được đánh giá là “màu mỡ” cho ngành hàng tiêu dùng nhanh, nhưng doanh nghiệp Việt Nam trong ngành hàng này không giành ngôi 'vương'.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành hàng tiêu dùng nhanh (nước mắm, sữa, dầu thực vật, đường kính, bột ngọt, bia, dầu gội, kem đánh răng, bột giặt…) của Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, nguy cơ bị hàng ngoại lấn át chiếm thị phần và thống lĩnh thị trường được đánh giá là “màu mỡ”.
Thị trường màu mỡ…
Số liệu của Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho thấy, tính từ năm 2010 đến 2014, tăng trưởng trung bình hằng năm của các mặt hàng tiêu dùng nhanh do Việt Nam sản xuất đạt từ 3 đến 13%, tùy mặt hàng, và phong phú chất lượng và mẫu mã, giá cả tương đối ổn định. Điều đó chứng tỏ năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước có sự bứt phá đáng kể, đáp ứng nhu cầu hầu hết tiêu dùng trong nước.
Hàng tiêu dùng nhanh ở VN chủ yếu được phân phối qua cửa hàng bán lẻ truyền thống (ảnh minh họa: KT) |
Tuy nhiên, Vụ Thị trường trong nước nhận định, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành hàng này đang đối mặt nhiều thách thức. Chẳng hạn, các hiệp định thương mại tự do FTA, TPP có thuế suất giảm về gần 0% đối với hầu hết các hàng hóa, dịch vụ làm cho hàng hóa từ các nước trong khu vực và thế giới có cơ hội nhiều hơn thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Cùng với đó, khi AEC ra đời, 90% dòng thuế quan giữa các nước thành viên sẽ giảm về 0% và 10% số thuế còn lại sẽ về 0% trong năm 2018. Khi cạnh tranh ngày càng gay gắt, điều này sẽ khiến doanh nghiệp Việt càng thêm khó khi các doanh nghiệp nước ngoài tràn vào Việt Nam mang theo thế mạnh về vốn, công nghệ và kinh nghiệm phát triển thị trường.
Theo Báo cáo của Nielsen, ngành hàng tiêu dùng nhanh tại 6 thành phố lớn của Việt Nam (Hà Nội, Tp. HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang và Đà Nẵng) đã tăng mạnh mẽ trong quý 2 năm 2016 với mức tăng trưởng 6,3%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong suốt 3 năm vừa qua. Dân số khu vực nông thôn ở Việt Nam vào khoảng 68%, nhưng hiện nay chỉ có 54% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh đến từ nông thôn. Điều này cho thấy tiềm năng của khu vực nông thôn còn rất nhiều. |
Thị trường Việt Nam đang ngày càng trở nên màu mỡ với các nhà sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng nhanh nước ngoài. Bởi vì, theo thống kê mới nhất của Bộ Công Thương, trong số các mặt hàng nhập khẩu tiêu thụ tại Việt Nam (tính về số lượng), hàng xuất xứ từ Thái Lan đang đứng thứ hai, sau hàng Trung Quốc. Hiện nay, sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại gần 8.600 chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với những sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác.
Nhiều chuyên gia đánh giá, lợi thế cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc và Thái Lan là đa dạng chủng loại, mẫu mã và giá cả cạnh tranh. Bên cạnh đó, rất nhiều sản phẩm tiêu dùng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức… như dầu gội, sữa tắm, hóa mỹ phẩm đang được rất nhiều người tiêu dùng ưa thích.
Đáng chú ý nữa là, qua truyền thông có thể thấy, gần đây, các quốc gia trong khu vực đang nhanh chóng tiếp cận thị trường Việt Nam với hàng loạt chuỗi cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…
Các phân tích gần đây về ngành hàng tiêu dùng Việt Nam cho thấy, tiềm năng tăng trưởng doanh thu của ngành này còn lớn. Tổng doanh thu thực của các lĩnh vực có liên quan đến hàng tiêu dùng ở Việt Nam dự tính sẽ tăng lên tới 140 tỷ USD vào năm 2016. Trong đó, tốc độ tăng trưởng chi tiêu thực của người tiêu dùng giai đoạn 2011-2016 trong bán lẻ là 3%, hàng tiêu dùng 6%, ngành thực phẩm và đồ uống 3%.
Trong khi đó, nhìn lại miếng bánh thị trường Việt Nam, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), thách thức hiện rõ trong hoạt động phân phối sản phẩm, các doanh nghiệp Việt còn quá chú trọng phát triển thị trường khu vực thành thị, chưa chú trọng phát triển thị trường nông thôn, trong khi đây là khu vực được nhiều khảo sát cho thấy có nhiều tiềm năng, quy mô dân số lớn (khoảng 70% dân số cả nước).
Không những thế, Việt Nam đang có cơ cấu dân số nằm trong nhóm trẻ nhất thế giới, với 56% dân số dưới 30 tuổi, tổng mức chi tiêu của người tiêu dùng tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi và đạt xấp xỉ 173 tỷ USD vào năm 2020. Điều đó sẽ kéo theo tốc độ tăng trưởng của thị trường các sản phẩm tiêu dùng nhanh tại Việt Nam trung bình khoảng 20%, vượt qua những thị trường lớn như Ấn Độ, Trung Quốc…
Nâng chất lượng hàng hóa, coi trọng xây dựng thương hiệu
Trong bối cảnh đó, hệ thống phân phối các mặt hàng tiêu dùng nhanh của Việt Nam được giới chuyên gia kinh tế đánh giá là còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, báo cáo của Nielsen tại Việt Nam năm 2015 cho thấy, hơn 80% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam đến từ kênh thương mại truyền thống, trong đó gồm khoảng 1,3 triệu cửa hàng bán lẻ. Ngoài sự phức tạp của kênh thương mại truyền thống, các chuyên gia cho rằng, thành công hay thất bại của một thương hiệu hay sản phẩm cũng đang nằm trong tay các cửa hàng bán lẻ truyền thống này.
“Nhà nước cần coi đầu tư vào hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống phân phối là yêu cầu của sự phát triển, là một chính sách kích cầu để có cơ chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, cần hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp sản xuất hàng Việt có chất lượng cao và uy tín để mở rộng hệ thống phân phối, xúc tiến thương mại…”- Ông Nguyễn Việt Đức, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giấy Việt Nam. |
Bên cạnh đó, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đánh giá, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn phổ biến. Đặc biệt, tâm lý của một nhóm người tiêu dùng vẫn còn chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam do tâm lý sính ngoại vẫn tồn tại. Chính vì thế, nhiều mặt hàng thương hiệu của Việt Nam chất lượng và giá cả bằng hoặc cao hơn hàng ngoại nhưng do kém quảng bá hình ảnh và thương hiệu nên vẫn không được người tiêu dùng lựa chọn.
Do đó, để hàng tiêu dùng nhanh của Việt Nam sản xuất có thể phát huy lợi thế sân nhà, mở rộng thị phần và phát triển bền vững, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, khuyến nghị các doanh nghiệp Việt cần chú ý phát triển mở rộng phân phối cả đến thị trường nông thôn trên cơ sở phải có kế hoạch tập trung đầu tư thích hợp vào các vùng nông thôn.
Muốn thế, Nhà nước cần có chính sách phát triển phù hợp, tập trung vào hỗ trợ quảng bá, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, bảo hộ sở hữu công nghiệp, xúc tiến thương mại, đào tạo, cung cấp thông tin về thị trường, luật pháp quốc tế… Đồng thời phải có chế tài và hình thức xử lý mạnh mẽ hơn với các hình thức cạnh tranh không lành mạnh, buôn lậu, gian lận thương mại…
Đối với bản thân doanh nghiệp, cần chủ động nâng cao chất lượng, năng lực chế biến đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng năng lực sản xuất và tài chính, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm…./.
Theo VOV