Khách hàng cần biết cách tự bảo vệ tài khoản ngân hàng của mình
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng,để hạn chế rủi ro, khách hàng cần phải biết cách tự bảo vệ mình, thường xuyên kiểm tra xem tài khoản của mình.
Thời gian vừa qua, nhiều chủ thẻ tín dụng, chủ thẻ ATM lo lắng về mức độ an toàn của tài sản của mình khi gửi trong ngân hàng. Các Ngân hàng khuyến cáo chủ thẻ cần tự bảo vệ mình, đề phòng các web, đường link ảo, không khai thác thông tin cá nhân về hoạt động tín dụng. Công ty An ninh mạng BKAV đưa ra cảnh báo tội phạm mạng sẽ có xu hướng tấn công mạnh vào lĩnh vực ngân hàng, tài chính nhiều hơn trong thời gian tới.
Tiền trong tài khoản “bỗng dưng biến mất”
Gần đây, các ngân hàng Vietcombank, VPBank, VIB, ANZ, DongABank… liên tục gặp sự cố do bị khách hàng khiếu nại khi tiền trong tài khoản của họ “bỗng dưng biến mất”. Một trong những sự việc điển hình là tháng 7 vừa qua, tài khoản của vợ chồng anh Nguyễn Sỹ Thanh tại Ngân hàng Đông Á đều bị rút mất gần 200 triệu đồng, điều này khiến vợ chồng anh hoang mang và lo lắng vì số tiền tích cóp được bấy lâu đã mất hết, trong khi chưa thực hiện bất cứ giao dịch nào suốt một thời gian dài.
Hay một trường hợp khác khiến dư luận quan tâm nhiều trong thời gian vừa qua là chị Hoàng Thị Na Hương, ở Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội mất 500 triệu đồng trong tài khoản thẻ của ngân hàng Vietcombank. Trước sự cố này, ngân hàng cho biết có cơ sở để xác định khách hàng đã truy cập vào một trang web giả mạo qua máy điện thoại cá nhân. Việc mất tiền trong tài khoản xảy ra vì khách hàng bị đánh cắp thông tin tài khoản do trước đó đã truy cập và khai báo thông tin trên đường link giả mạo website của ngân hàng….
Trước những sự cố của bản thân mình và nhiều người khác, chị Hoàng Thị Na Hương chia sẻ: “Với khía cạnh là một người tiêu dùng, tôi hiểu rằng khi tiền của mình ở trong ngân hàng thì đó là nơi an toàn nhất và mình được đảm bảo về quyền lợi cũng như sự an toàn của mình khi đã gửi gắm niềm tin đấy cho ngân hàng. Tôi mong muốn, mỗi một khách hàng của bất kỳ ngân hàng nào sẽ được ngân hàng ấy bảo vệ quyền lợi cho họ để họ có niềm tin để tìm một nơi gửi gắm tài sản của mình”.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình, thủ tục, hồ sơ và hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức mình đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, hiện tại không quá 30% ngân hàng ở Việt Nam có chứng chỉ PIC DSS - tiêu chuẩn bảo mật dành cho thanh toán thẻ. Điều này cho thấy tính bảo mật vẫn bị coi nhẹ tại một số ngân hàng. Vì đây là một trong những quy chuẩn rất quan trọng liên quan đến tổ chức thanh toán thẻ ngân hàng, trang thương mại điện tử.
Khách hàng cần phải biết cách tự bảo vệ mình
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay, tại Việt Nam, khách hàng chưa có thói quen nâng cao tính bảo mật tài khoản vì tin rằng ngân hàng có thể bảo vệ tài sản cho họ. Tuy nhiên, không có ngân hàng nào trên thế giới dám khẳng định hệ thống bảo mật của mình sẽ an toàn tuyệt đối. Để hạn chế những rủi ro, khách hàng cần phải biết cách tự bảo vệ mình, thường xuyên kiểm tra xem tài khoản của mình có giao dịch nào đáng ngờ hay không, thường xuyên thay đổi mật khẩu, điện thoại smart phone cài đặt phần mềm chống mã độc hại, thiết lập tính năng xác thực khi truy cập bằng mật mã hoặc vân tay…
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, vấn đề đầu tiên là các ngân hàng phải đầu tư thêm vào CNTT, đồng thời phải rà soát lại các quy trình về mở tài khoản, các giao dịch ở ngân hàng để bảo đảm những giao dịch đó không những tuân thủ luật pháp mà phải có tính an toàn. Chúng ta thấy những sự việc xảy ra trong thời gian vừa qua cho thấy những quy trình của ngân hàng có thể vẫn còn lỗ hổng, từ lỗ hổng đó phát sinh rủi ro cho khách hàng của mình dẫn đến những thiệt hại. Do đó các ngân hàng phải rà soát lại tất cả các quy trình của mình để bảo đảm quy trình của mình được thực hiện đúng và bảo đảm tài khoản của ngân hàng được đảm bảo một cách hữu hiệu nhất.
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng BKAV cho biết, hacker có thể thâm nhập vào tài khoản của khách hàng bằng cách đánh cắp thông tin tài khoản, mật khẩu, tạo nên những giao dịch giả mạo, sẽ khiến người sử dụng khó phòng tránh. Do đó, người sử dụng cần nâng cao cảnh giác, không bấm vào những đường link ảo nhận được qua chat trên mạng xã hội hoặc qua email.
Ông Ngô Tuấn Anh cảnh báo: “Tội phạm mạng thường tấn công mạng, hình thức đánh vào tài chính thu lợi, đây sẽ là xu hướng sắp tới không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng mà trong tất cả các lĩnh vực khác. Những sự vụ này cũng là những thông tin để từ đó các ngân hàng cần phải rà soát lại các quy trình cũng như cung cấp công nghệ để đảm bảo hơn cho phía khách hàng. Về phía người sử dụng thì cũng cần phải lưu ý việc thực hiện các giao dịch trực tuyến trên mạng, vì nếu công nghệ tốt đến đâu nhưng ý thức người sử dụng cũng như cảnh giác của người sử dụng không có thì tất cả các biện pháp công nghệ cũng không thể phát huy tác dụng bảo vệ khi thực hiện các giao dịch trên mạng”.
Với công nghệ thanh toán hiện nay, chủ yếu là qua mạng, chỉ cần kẻ gian với các chiêu thức tinh vi giả làm chủ thẻ đã có thể rút được tiền trên tài khoản như chính chủ thẻ. Một hệ thống thanh toán không thể được xem là an toàn khi vẫn có những tài khoản “biến mất” ngoài ý muốn của chủ tài khoản. Các chuyên gia cho rằng, ngân hàng cần đầu tư hơn nữa cho công nghệ thông tin, rà soát lại các quy trình thực hiện, đào tạo và giám sát nhân sự. Điều này đòi hỏi ngân hàng phải bỏ ra chi phí rất lớn có thể lên đến hàng triệu USD mỗi năm nhưng bù lại nó có thể bảo vệ được chính ngân hàng và khách hàng của mình./.
Theo VOV