Mùa nhãn chín ở Pom Lót
Điện Biên TV - Thời điểm này, tại một số vườn nhãn trên địa bàn xã Pom Lót (huyện Điện Biên) nhộn nhịp hẳn lên bởi tiếng nói cười vui vẻ của những người dân đang tất bật thu hoạch nhãn.
Đến thăm vườn nhãn của gia đình anh Vũ Văn Châu, bản Na Vai, xã Pom Lót, khi mọi người trong gia đình đang tập trung thu hoạch những chùm nhãn mọng nước đang chín rộ. Với nét mặt thất vọng, anh Châu cho biết: Nhãn là cây ăn quả được trồng khá phổ biến trên địa bàn xã Pom Lót và cũng là loại cây đã góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, vườn nhãn gần 50 cây của gia đình anh được trồng cách đây hơn 20 năm nên hầu hết là nhãn cổ thụ. Do những năm trước đây, gia đình trồng ồ ạt trong vườn nhà mà không quan tâm nhiều đến giống cũng như chăm sóc cải tạo. Sau vài năm thu hoạch, vườn nhãn thoái hóa dần nên năng suất, chất lượng quả thấp, giá bán chẳng được bao nhiêu. Năm 2014, thời tiết thuận lợi, nhãn đậu quả sai trĩu cành, trong khi giá nhãn có 3 – 4 nghìn đồng/kg mà gia đình vẫn thu nhập hơn 30 triệu đồng từ việc bán nhãn non cho thương lái. Còn mùa nhãn năm nay, giá nhãn đầu mùa khá cao. Nhãn quả to, mã đẹp và ngọt thì bán cho các thương lái thu mua hoa quả với giá trên 13 nghìn đồng/kg; còn bán cho các cơ sở chế biến long nhãn có giá giao động từ 7 – 9 nghìn đồng/kg nhưng vườn nhãn gia đình năm nay lại mất mùa, thu hoạch chỉ được vài tạ, chắc là thu nhập chỉ được 1 – 2 triệu đồng mà thôi. Trước đó, năm 2015, xã Pom Lót triển khai mô hình ghép cải tạo giống nhãn chín muộn từ vườn nhãn chất lượng quả thấp nên gia đình tôi cũng đăng ký và ghép gần chục cây nhãn cổ, hy vọng vụ nhãn sau sẽ cho thu hoạch với chất lượng, năng suất cao hơn.
Người dân xã Pom Lót, huyện Điện Biên thu hoạch nhãn |
Bên cạnh những vườn thất thu thì cũng có vườn nhãn được mùa như vườn nhãn 30 cây của gia đình ông Phạm Văn Chung, thôn 6, xã Pom Lót. Cây nào cũng sai trĩu cành, quả to đều. Theo ông Chung, các cây nhãn có tuổi thọ cũng trên 10 năm nhưng vụ nhãn năm nay lại cho năng suất cao. Nhiều năm, do thời tiết khắc nghiệt, bọ xít và giống nhãn chất lượng thấp nên tỷ lệ đậu quả của vườn nhãn rất thấp. Để cải tạo, nâng cao chất lượng, năng suất của vườn nhãn, gia đình đã tiến hành ghép thử nghiệm 5 cây nhãn chín muộn. Nhưng gia đình ông Chung tiếc vì vụ nhãn năm nay, giá nhãn cao hơn thế nhưng gia đình lại bán nhãn non cho thương lái từ sớm, với giá thấp hơn nhiều. Chỉ tay ra góc vườn với vẻ tiếc nuối, ông Chung cho biết: “Cây nhãn kia quả to, đều và ngọt, thương lái đã thu hoạch và bán với giá 18 nghìn đồng/kg. Theo ước tính thì cây nhãn đó thu hoạch không dưới 1 tạ, thương lái sẽ thu nhập khoảng 2 triệu đồng. Trong khi cả vườn từng ấy cây nhãn nhưng gia đình tôi chỉ bán có 4 triệu đồng. So với gia đình khác thì vườn nhãn của gia đình tôi năm nay là được mùa”.
Ông Nguyễn Quang Bắc, Chủ tịch UBND xã Pom Lót cho biết: Địa phận xã Pom Lót có 2 nhánh sông: Nậm Núa và Nậm Rốm chảy qua nên được bồi đắp nhiều phù sa ở triền đất ven sông. Ngoài việc phát triển thế mạnh về trồng rau màu thì cây nhãn là giống cây trồng thích hợp với thổ nhưỡng của địa phương và được nhiều người dân ưa trồng. Hiện nay, trên địa bàn xã có gần 10 vườn nhãn trồng với số lượng lớn, còn lại là nhỏ lẻ, song cũng góp phần rất lớn vào việc phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, sản lượng nhãn năm nay đạt thấp hơn so với mọi năm do thời kỳ nhãn đang độ trổ hoa thì bị bọ xít phá hoại. Ngoài ra, nhiều cây nhãn của bà con trồng lâu năm, không quan tâm, chăm sóc cải tạo dẫn đến thoái hóa nên chất lượng, năng suất thấp. Để khắc phục tình trạng nhãn bị thoái hoá do trồng lâu năm, năng suất thấp, xã đã khuyến khích nông dân cải tạo những vườn nhãn già cỗi bằng cách ghép mắt, đồng thời đốn bỏ để trồng mới bằng những giống chất lượng cao. Ghép cải tạo vườn nhãn tạo ra cây nhãn chín muộn từ một cây mẹ giống tốt với những ưu điểm của gốc ghép có bộ rễ khỏe, hạn chế sâu bệnh, đặc biệt là bọ xít. Với ưu điểm, cây nhãn ghép giống nhãn chín muộn sẽ cho thu hoạch muộn hơn so với chính vụ là một lợi thế để người trồng nhãn và bà con nông dân lựa chọn. Năm 2015, xã đã tiến hành ghép trên 2.500 mắt ghép nhãn chín muộn trên 244 cây nhãn cho 38 hộ dân thuộc thôn 6, bản Na Vai, Na Hai 1, 2… Hy vọng rằng giống nhãn chín muộn sẽ cho năng suất, chất lượng cao; góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng nhãn và cung cấp nguồn hoa quả, nguyên liệu dồi dào phục vụ các cửa hàng, cơ sở chế biến long nhãn trên địa bàn xã./.
Quang Hưng