Formosa xả thải: Hà Tĩnh cấp phép 70 năm là sai thẩm quyền

Thứ Tư, 03/08/2016, 18:29 [GMT+7]

Việc cấp phép đầu tư và cho thuê đất trên 50 năm thuộc thẩm quyền của Chính phủ căn cứ vào nguồn vốn đầu tư, các điều kiện khó khăn.
 
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kì ngày 2/8, trả lời những câu hỏi của báo chí liên quan đến kết quả đánh giá môi trường biển miền Trung, hoạt động đánh bắt thuỷ hải sản cũng như các phương án sớm khôi phục hệ sinh thái biển, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, công tác khảo sát, đánh giá môi trường biển trải dài hàng trăm km từ tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế là nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi có thời gian và nguồn lực.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) hiện đang cùng với các Bộ, ngành chức năng khác như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Y tế,... tiến hành nhiệm vụ này một cách khoa học, cẩn trọng và khẩn trương với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước. Kết quả sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
 

1
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, công tác khảo sát, đánh giá môi trường biển đang được tiến hành một cách khoa học, cẩn trọng và khẩn trương.

 

Người phát ngôn của Chính phủ cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành khác, nhất là Bộ TNMT xây dựng đề án khôi phục lại hệ sinh thái biển khu vực bị ảnh hưởng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bảo vệ môi trường không tạo kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng

Cho biết quan điểm của Chính phủ về việc liên tiếp phát hiện các hành vi chôn chất thải rắn của công ty Formosa không đúng quy định cũng như một số doanh nghiệp để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, quan điểm của Chính phủ về vấn đề môi trường rất rõ ràng, không vì mục tiêu kinh tế mà đánh đổi môi trường. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành. Mọi vi phạm pháp luật về môi trường đều phải được xử lý nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật.

Trước nhiều sự việc ảnh hưởng xấu đến môi trường được phát hiện, ngày 20/7, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát, có báo cáo tổng thể với Thủ tướng về tình trạng ô nhiễm môi trường, việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông và tại các đô thị; công tác quản lý, giám sát bảo vệ môi trường của các cơ quan nhà nước…, đề xuất các giải pháp cần tập trung chỉ đạo trong thời gian tới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng vừa phê duyệt Kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại các dự án có xả thải trên phạm vi cả nước.

Cũng theo Người phát ngôn của Chính phủ, vấn đề quản lý nước thải là một nội dung quan trọng của pháp luật về bảo vệ môi trường. Luật bảo vệ môi trường hiện hành cũng như các Nghị định của Chính phủ đã quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cũng như các yêu cầu, quy trình thủ tục trong quản lý, thu gom, xử lý và quy chuẩn kỹ thuật đối với nước thải, trách nhiệm giám sát việc xử lý... Tuy nhiên, khâu tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát thực thi còn nhiều hạn chế, thậm chí có biểu hiện buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT và các địa phương tăng cường quản lý nhà nước, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, bảo đảm đầy đủ, chặt chẽ, không tạo kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng "lách luật".

Quan điểm của Chính phủ là thu hút đầu tư phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Các dự án đầu tư, dù ở bất kỳ ngành, lĩnh vực nào, dù thuộc danh mục khuyến khích đầu tư cũng phải chấp hành nghiêm các quy định về đầu tư, về bảo vệ môi trường, kiên quyết không cấp phép các dự án không đáp ứng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường

Hà Tĩnh cấp phép 70 năm là sai thẩm quyền

Cũng tại cuộc họp báo Chính phủ, liên quan đến việc cho Formosa thuê đất đến 70 năm sẽ được xử lý như thế nào, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu cho biết, theo các luật hiện hành, nhất là Luật Đất đai, việc cho thuê đất có thể kéo dài đến 70 năm.

Tuy nhiên, việc cho phép thời gian hoạt động của dự án vẫn theo Luật Đầu tư hiện hành năm 2014. Tại Điều 47 đã quy định về việc ngừng, tạm ngừng hoạt động của các dự án đầu tư, có 5 trường hợp sẽ bị các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư tạm ngừng hoạt động của dự án, trong đó có 1 trường hợp là để khắc phục vi phạm về môi trường theo đề nghị của cơ quan nhà nước về quản lý môi trường.

Thứ trưởng Đào Quang Thu cũng cho biết, theo Điều 48, Luật Đầu tư có quy định về việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư nếu nhà đầu tư không thể khắc phục điều kiện ngừng hoạt động thì cơ quan quản lý đầu tư có thẩm quyền có thể quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.

“Đầu tiên nhà đầu tư phải tạm ngừng hoạt động và khắc phục vi phạm môi trường. Nếu không thể khắc phục được thì theo quy định của pháp luật  sẽ bị ngừng hoạt động”, Thứ trưởng Đào Quang Thu cho biết.

Thông tin chi tiết hơn về việc này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, theo Luật Đất đai năm 2003 và 2013 có quy định việc cho thuê đất đối với các nhà đầu tư theo các tiêu chí dành cho khu vực khó khăn nên tỉnh Hà Tĩnh được coi là khu vực thuộc tiêu chí được xem xét ưu tiên.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phân tích, theo Luật Đất đai năm 2003 và năm 2013, UBND tỉnh, thành phố có thẩm quyền được phép cho thuê đất 70 năm. Nhưng theo Luật Đầu tư quy định việc cấp giấy phép đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài, UBND tỉnh được cho phép nhà đầu tư thuê đất 50 năm, nếu trên 50 năm thuộc thẩm quyền của Chính phủ căn cứ trên các góc độ về nguồn vốn đầu tư, điều kiện khó khăn… Sau đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và người có thẩm quyền cho phép.

“Việc này thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra, kiểm tra. Đối với Hà Tĩnh thì việc cấp giấy phép đầu tư với thời hạn 70 năm cùng với việc cho thuê đất 70 năm là sai thẩm quyền, vì UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã cho doanh nghiệp thuê với thời hạn trên 50 năm, lẽ ra việc này phải do Chính phủ quyết định”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ rõ./.

 

Theo VOV
 

.