Có nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp?
Ngoài việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính cần xây dựng chính sách thuế minh bạch để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ các giải pháp về thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từ 20% như hiện nay xuống còn 17% trong vòng 4 năm.
Chính sách thuế mới có nhiều điểm thay đổi tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp (Ảnh minh họa: Báo Lao động) |
Với cộng đồng doanh nghiệp, đây là một tín hiệu tốt góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Mặc dù vậy vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn về tác động từ việc giảm thuế này.
Theo phương án được Bộ Tài chính đưa ra, các doanh nghiệp có tổng doanh thu một năm không quá 20 tỷ đồng và các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được hưởng mức thuế suất 17% thay vì 20% như hiện nay kể từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 31/12/2020.
Ông Tống Quang Huy, Giám đốc Công ty Cổ phần Giấy vở Hải Tiến cho rằng, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa…việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ có những tác động tích cực. Theo ông Huy, với số tiền được giảm, doanh nghiệp có thêm nguồn lực để đầu tư mới, mua sắm, mở rộng sản xuất.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đóng góp GDP hơn 40%, hơn 20% kim ngạch xuất khẩu và khoảng 29% các khoản thu ngân sách nhà nước. Vốn đầu tư của khối doanh nghiệp này chiếm hơn 30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của khu vực doanh nghiệp và tạo việc làm cho 5,12 triệu lao động. Bởi vậy, việc giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là cần thiết để giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng về thuế, tạo thêm động lực phát triển cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế chỉ có lợi cho doanh nghiệp hoạt động có lãi. Ngoài ra, con số được giảm thuế 3% thì tác động chưa thực sự lớn. Bởi theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2014 và số thu thuế Thu nhập doanh nghiệp năm 2015 cho thấy, nếu xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tiêu chí doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng thì số lượng doanh nghiệp này mặc dù chiếm đến 86,2% nhưng số thu về thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 2.746 tỷ đồng. Nếu doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 17% thì mức giảm thu ngân sách chỉ khoảng 470 tỷ đồng/năm.
Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty luật Basico cho rằng, so với số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay thì số giảm này chưa phải là lớn. Chưa kể là việc quy định chỉ hỗ trợ doanh nghiệp có doanh thu dưới 20 tỉ đồng/năm rất có thể sẽ dẫn tới tình trạng doanh nghiệp lách luật để được hưởng ưu đãi.
Theo Bộ Tài chính, thời gian qua thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp giảm mạnh từ mức 32% (năm 1999) giảm dần xuống mức 28% (2004), 25% (2009), 22% (2014). Từ ngày 1/1/2016, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp giảm xuống mức 20%. Mức thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay khá thấp so với các nước như Philippines là 30% và Trung Quốc là 25%.
Bộ Tài chính cho biết, đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 17% đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp này phát triển, nhưng việc hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải đúng và trúng đối tượng, đồng thời không tác động lớn đến số thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.
TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính cho rằng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là xu hướng phổ biến để giảm bớt khó khăn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc giảm thuế cần có lộ trình và không nên điều chỉnh quá mạnh, làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.
Theo các chuyên gia, mặc dù giảm thuế thu nhập có lợi cho doanh nghiệp nhưng chỉ như vậy thì chưa đủ. Ngoài việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính cần xây dựng chính sách thuế minh bạch để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đồng thời cần có những cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như đào tạo tư vấn, nâng cao năng lực quản trị điều hành, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng ổn định, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, gia tăng quy mô. Đây mới thực sự là những gì doanh nghiệp cần để phát triển bền vững./.
Theo VOV