Thương hiệu Quốc gia mờ nhạt khi doanh nghiệp chưa tỏa sáng

Thứ Năm, 14/07/2016, 14:25 [GMT+7]

Rất nhiều sản phẩm của Việt Nam đang xuất khẩu ra nước ngoài nhưng gần như không được mang thương hiệu của bất kỳ doanh nghiệp nào.
 
Chương trình Thương hiệu Quốc gia (THQG) của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2003 nhằm tạo dựng hình ảnh, xây dựng thương hiệu cho Quốc gia Việt Nam - một quốc gia năng động sáng tạo, có những sản phẩm uy tín, chất lượng cạnh tranh được với các sản phẩm trên thị trường thế giới.
 

1
Có rất ít sản phẩm của Việt Nam tại thị trường nước ngoài được người tiêu dùng nhận biết. (Ảnh minh họa: KT)

 

Sau 13 năm triển khai, Chương trình mới chỉ đạt đến mục đích tìm cho được những thương hiệu của các doanh nghiệp đạt các tiêu chí do Chương trình đề ra, từ đó cấp cho doanh nghiệp quyền được sử dụng lô-gô của chương trình. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc cần nâng cấp Chương trình THQG để đạt được hiệu quả hơn.

Theo PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh, Đại học Thương mại, trên thế giới hiện có khoảng hơn 80 quốc gia đang triển khai xây dựng THQG. Các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đã tiến hành xây dựng THQG ngoại trừ Lào và Campuchia. Do đó, Việt Nam triển khai chương trình THQG là việc làm đúng và phù hợp với xu hướng.

Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh cũng cho rằng, thực tế hiện nay khi đề cập đến THQG nhiều người đang có sự nhầm lẫn giữa cái gọi là THQG với Chương trình THQG.

“Để tạo dựng THQG không đơn giản. Tuy nhiên do chúng ta là nước đi sau có nhiều hạn chế nên Chương trình THQG trong giai đoạn đầu mới chỉ lựa chọn sản phẩm đại điện để triển khai. Điều này không có nghĩa Chương trình THQG chỉ tập trung cho xây dựng thương hiệu của các sản phẩm mang đi xuất khẩu”, ông Thịnh nói.

Bộ Công Thương nhận định, quá trình hội nhập và phát triển của đất nước đã minh chứng rằng, một trong những yếu tố để hội nhập thành công, tranh thủ được cơ hội hợp tác, liên kết mang lại, vượt qua thách thức của sự cạnh tranh gay gắt là phải xây dựng và phát triển sức mạnh tổng thể của Quốc gia, trong đó thương hiệu của các vùng miền có tiềm năng, thế mạnh.

Nhưng một số chuyên gia kinh tế lại cho rằng, rất nhiều sản phẩm của Việt Nam đang xuất khẩu ra nước ngoài nhưng gần như không được mang thương hiệu của bất kỳ doanh nghiệp nào, từ gạo đến con cá tra, từ quả vải thiều cho đến quả Thanh Long…

Do đó, việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp là rất quan trọng. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp cần liên kết với nhau, tìm cách đưa sản phẩm của Việt Nam đến với người tiêu dùng quốc tế.

PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh cho rằng, trong giai đoạn đầu có thể sản phẩm của Việt Nam phải chấp nhận chịu sự thua thiệt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải khẳng định chất lượng, để dù xuất hiện ở bất kì thị trường nào, mang bất kỳ thương hiệu Quốc tế nào nhưng người tiêu dùng nhìn thấy có thể biết ngay đấy là sản phẩm của Việt Nam.

Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh,  việc làm thiết thực nhất hiện để xây dựng được hình ảnh, thương hiệu cho Việt Nam thực sự thân thiện đầu tiên là phải gắn kết Chương trình THQG với việc xây dựng thương hiệu cho các điểm đến du lịch. Điều này đặc biệt quan trọng vì các điểm đến du lịch làm gia tăng mức độ biết đến THQG của Việt Nam rất nhanh.

“Khách du lịch đến với Việt Nam họ được trải nghiệm, được tiếp xúc với con người, danh lam thắng cảnh, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch và các sản phẩm của Việt Nam. Nhưng rất tiếc đến thời điểm này, trong 63 doanh nghiệp đạt thương hiệu THQG năm 2014 mới có 2 thương hiệu liên quan đến lĩnh vực du lịch. Điều này làm hạn chế rất nhiều đi ý nghĩa và hiệu quả của Chương trình THQG”, PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh bày tỏ.

Còn theo ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), Tổng thư ký Ban thứ ký Chương trình THQG thì cần phải nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Cụ thể là khuyến khích xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng xuất khẩu nguyên liệu thô, tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, góp phần khuyến khích du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong những năm qua, Bộ Công Thương cũng đã nỗ lực xây dựng thương hiệu cho các vùng miền, tạo ra bước phát triển ấn tượng ở tầm quốc gia và sức mạnh để quốc gia vươn ra thế giới, tạo vị thế cao ở trong nước và trên thị trường xuất khẩu quốc tế.

Tuy vậy, lãnh đạo ngành Công Thương cũng cho rằng, vẫn còn những mục tiêu lớn phải hướng tới nhằm hoàn thiện và không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên toàn cầu. Dó đó, vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền vừa cấp thiết trước mắt và là chiến lược lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực về nhiều mặt và của các ngành của cá địa phương./.

 

Theo VOV
 

.