Nói không với thảm nạn… "bôi trơn"

Thứ Sáu, 15/07/2016, 07:34 [GMT+7]

Chưa hoặc “bôi trơn” chưa đủ khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng bị nhũng nhiễu, gây khó dễ trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mặt khác, việc “bôi trơn” khiến đạo đức công vụ của một số cán bộ công chức, viên chức xuống cấp trầm trọng.

10% doanh thu dùng để “bôi trơn”

Trong buổi đối thoại giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và cộng đồng doanh nghiệp (DN), bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) thẳng thắn: Hãy coi DN là đối tượng phục vụ chứ không phải là đối tượng quản lý. Lời phát biểu của người phụ nữ 4 lần được Forbes (tạp chí hàng đầu thế giới của Mỹ) vinh danh người phụ nữ quyền lực nhất châu Á, ngay lập tức nhận được tràng vỗ tay hưởng ứng của các DN.

Tại kỳ họp thường kỳ tháng 4/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát đi thông điệp: Chính phủ mới kiện toàn, chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ.

Ngẫm lại, không phải ngẫu nhiên người đứng đầu Chính phủ và một người đứng đầu DN lại cùng dùng chung cụm từ “phục vụ”, bởi mong muốn của họ là có một môi trường kinh doanh bình đẳng, không còn tình trạng nhũng nhiễu, chèn ép, vòi vĩnh DN.

Quyết tâm, chỉ đạo của Chính phủ là đúng đắn, bởi thực tế không ít DN, hiệp hội DN phàn nàn về môi trường kinh doanh, lối hành xử theo kiểu “trả đũa” của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức trong khi thi hành công vụ. Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 đã chỉ ra một thực trạng buồn khi hơn 66% DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bị cán bộ dùng các quy định để nhũng nhiễu, tăng 6% so với năm trước. Còn tỷ lệ DN trả lời câu "công việc được giải quyết sau khi chi tiền bôi trơn" là 59%, tăng nhẹ so với một năm trước.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi phí không chính thức chưa có dấu hiệu giảm bớt. Tỷ lệ DN cho biết chi trả chi phí này tăng qua các năm, từ 50% năm 2013, lên tới 66% (năm 2015). Nhiều DN nói các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ. Đặc biệt vẫn có tới 65% DN cho biết “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là phổ biến”. Việc vòi vĩnh, “bôi trơn” làm xói mòn lòng tin của DN về môi trường kinh doanh.

Doanh nghiệp như “cá nằm trên thớt”

Mới đây, buổi hội thảo về dự luật hỗ trợ DN vừa và nhỏ do Bộ KH&ĐT phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức đã “nóng lên” khi ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa nêu: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Thanh Hóa như “cá nằm trên thớt”, có thể bị cơ quan chức năng “đánh” bất kỳ lúc nào”. Đem câu chuyện của Công ty Huy Lâm tại Thanh Hóa ra làm ví dụ, ông Nguyễn Văn Đệ cho biết, tháng 3/2016, công ty này đầu tư dự án khu bể bơi thể thao dưới nước và vui chơi giải trí cho thiếu nhi tại thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành. Đây là dự án thuộc diện ưu tiên và theo Luật Xây dựng thì hồ sơ sẽ được thẩm định chỉ trong 20 ngày. Thế nhưng, từ tháng 3 - 6/2016, công ty này đã bị bộ phận một cửa của Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa trả đi, trả lại hồ sơ 3 lần.

Bị bộ phận một cửa của Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa trả đi, trả lại hồ sơ 3 lần, doanh nghiệp Huy Lâm cực chẳng đã tính trả lại dự án cho tỉnh Thanh Hóa, nguy cơ mất trắng hàng tỷ đồng.
Chờ đợi mãi không được, Huy Lâm đã tiến hành xây dựng một số hạng mục như bờ rào, nền, móng…, thế là bị Thanh tra Sở Xây dựng thanh tra, cảnh báo sẽ cưỡng chế phá dỡ phần đã xây dựng.

Điều đáng nói, khi Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thanh Hóa có đơn đề nghị bảo vệ DN yếu thế thì ngay hôm sau, chính DN của ông Đệ nhận “trát” kiểm tra và bị xử lý vi phạm. Nản chí, đầu tháng 7/2016, Huy Lâm quyết định trả đất cho UBND tỉnh Thanh Hóa và đứng trước nguy cơ phá sản vì đã đầu tư nhiều tỷ đồng vào công trình.

 “DN hoang mang vì giám đốc sở ở địa phương có quyền lực ghê gớm. Vì vậy, Trung ương cần có đoàn công tác đặc biệt vào Thanh Hóa kiểm tra có phải cán bộ vất vả quá nên tận thu? Tôi cho rằng công chức hiện nay đã đủ ăn đủ tiêu rồi, phải vì dân, đừng vì lợi ích nhóm nữa. Vì vậy, rất cần quy định điều khoản về đạo đức cán bộ. Chính sách tốt nhưng không ngấm xuống được địa phương…” - ông Đệ gay gắt.

1
Ông Nguyễn Văn Đệ phát biểu tại buổi hội thảo về dự luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 

Cũng trong thời gian qua, hàng loạt vụ việc bê bối, sai phạm, lối hành xử liên quan tới Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa được báo chí phản ánh như: Công trình ký túc xá cho sinh viên bị bỏ hoang; Công trình đường vào nhà tang lễ xuống cấp trầm trọng; Dự án Khu dân cư Nhà hát nhân dân đang gặp sự phản ứng của hàng trăm hộ dân… nhưng chưa thấy đơn vị này cầu thị, lắng nghe giải quyết triệt để. Gần đây ông Đào Vũ Việt, Giám đốc Sở Xây dựng còn bị “tố” khi có cách hành xử lạ lùng với phóng viên ANTT, đến mức cán bộ văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cũng phải ngán ngẩm, lắc đầu. Dư luận không khỏi nghi ngại và đặt dấu hỏi về năng lực, cái tâm của lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa khi mới nhậm chức chưa đầy 1 năm nhưng lại quá nhiều điều tiếng liên quan tới lĩnh vực mình phụ trách, quản lý.

Trở lại câu chuyện của DN Huy Lâm, nhiều người hiểu rằng đó là cú “trả đũa” của Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa đối với doanh nghiệp của ông Đệ vì “dám” ký công văn đề nghị bảo vệ doanh nghiệp yếu thế.

Phải cải cách quy trình, thủ tục

Liên quan đến vấn đề đạo đức công vụ, ông Ngô Văn Điểm, Chủ tịch Hiệp hội DN tư nhân Việt Nam, đề nghị phải có cơ chế cho báo chí cùng giám sát thực hiện luật và có điều khoản về thanh tra công vụ. Vì giữa thể chế và thực thi chính sách có khoảng cách rất lớn, không ít công chức thường bắt lỗi DN, làm sai lệch chính sách. Đồng thời, phải có quy định bảo đảm quyền bình đẳng trong kinh doanh để không tập trung nguồn lực cho DN lớn, chèn ép DN nhỏ và vừa.

Đáp lại mong mỏi của cộng đồng DN, mới đây Chính phủ có Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Theo đó, đòi hỏi các bộ, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước phải đổi mới và cải cách triệt để mọi quy trình, thủ tục nhằm hỗ trợ tối đa và tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Hành động quyết đoán và thông điệp của Thủ tướng đã thắp lên những hy vọng, củng cố niềm tin của DN về sự minh bạch trong môi trường kinh doanh, trấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ công chức trong khi thi hành công vụ.

Chủ trương đúng đắn của Chính phủ chỉ đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích cho cộng đồng DN khi những người đứng đầu địa phương, đơn vị phát huy trách nhiệm của mình, và khi cán bộ công chức, viên chức nâng cao ý thức phục vụ DN. Đồng thời, sự thiếu ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ và hành vi vòi vĩnh, hạnh họe… DN phải bị xử lý nghiêm minh

 

Theo VOV

.