Kinh tế 6 tháng cuối năm còn dư địa để đạt mục tiêu tăng trưởng
Đại biểu Quốc hội nhìn nhận, cần kiên định với các giải pháp Chính phủ đã đề ra để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,7%.
Theo báo cáo của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2016 đạt 5,52%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là 6,32% và thấp hơn mục tiêu cả năm 6,7%. Tốc độ tăng GDP đạt thấp, nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm tăng trưởng của khu vực nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng. Tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm -0,18%.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng trước mắt vẫn còn có dư địa để cố gắng đạt được tốc độ tăng trưởng. |
Tuy nhiên, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 5,52% cũng là nhờ những nỗ lực trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; nhưng trong ngắn hạn, tăng trưởng GDP tạm thời bị giảm sút do các nguyên nhân bất khả kháng.
Đánh giá về tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng qua, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, Chính phủ mới kiện toàn bộ máy được 3 tháng nên thời gian chưa đủ dài, đồng thời đầu năm 2016 nước ta có nhiều công việc lớn như tổ chức Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp và một số vấn đề liên quan đến môi trường tại các tỉnh miền Trung, tình hình Biển Đông…
Theo ông Phúc, mặc dù nền kinh tế trong nước vừa qua cũng chịu những tác động nhiều mặt nên có ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, chậm hơn so với mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, Chính phủ đã có một sự quyết tâm rất cao vào cuộc với một tinh thần mạnh mẽ với một tuyên bố của một Chính phủ hành động, liêm chính vào cuộc rất quyết liệt nên rất được nhân dân ủng hộ.
Còn theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm nếu so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn trong bối cảnh đột biến trong nước và nước ngoài. Với tình hình trong nước, mặc dù giá dầu trong mấy tháng quý II có chuyển động tăng lên nhưng xu hướng và mặt bằng chung vẫn chỉ xoay quanh 50 USD/thùng, do đó nền kinh tế khó khăn.
Thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam chiếm 1,8% GDP cũng bị ảnh hưởng khi hầu hết các DN FDI sau 4 năm đạt tốc độ tăng trưởng cao của năm 2012 - 2015 đến nay tốc độ tăng trưởng sẽ dần chậm lại vì công suất đã đạt mức thiết kế.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm còn chịu tác đồng từ nền nhiệt độ trong nước đang tăng lên cao nhất trong 30 năm trở lại đây, ảnh hưởng đến khu vực ĐBSCL. Chỉ tính riêng trong vụ Đông Xuân 2015 – 2016, nước ta đã mất 1,3 triệu tấn lúa, tác động rất lớn đến nền kinh tế.
6 tháng cuối năm tăng trưởng GDP phải đạt 7,6%
Theo dự báo của Chính phủ, tăng trưởng của nền kinh tế nước ta năm nay khó đạt được mục tiêu đề ra 6,7% do tình hình kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều yếu tố bất lợi không lường trước được. Sự giảm sút tốc độ tăng trưởng không chỉ trong nông nghiệp, là ngành bị thiệt hại nặng do thiên tai mà cả trong công nghiệp, nhất là công nghiệp khai khoáng (giảm 2,2%). Tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh, cũng chỉ đạt mức tăng tương đương cùng kỳ năm 2015.
Tăng trưởng kinh tế suy giảm sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu về bội chi NSNN trên GDP sẽ cao hơn mức Quốc hội đề ra; nợ công và nợ Chính phủ dự báo đến cuối năm 2016 cũng có thể vượt trần cho phép. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội đề ra là 6,7%, thì 6 tháng cuối năm tăng trưởng GDP phải đạt 7,6%, cao hơn trên 2 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm.
Theo Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, từ nay đến cuối năm, Chính phủ vẫn quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng để phấn đấu. Do đó, Quốc hội đánh giá rất cao quyết tâm của Chính phủ. Đồng thời, Quốc hội thấy rằng Chính phủ cần phải có những giải pháp rất cụ thể. Ví dụ, 6 tháng đầu năm kinh tế suy giảm chủ yếu tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp do tác động của các yếu tố liên quan về thời tiết, xâm nhập mặn ở các tỉnh phía Nam… ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp.
“Từ nay đến cuối năm, Chính phủ cần kịp thời đưa ra các giải pháp để tập trung đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng về nông nghiệp, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và chế biến thực phẩm để đưa tốc độ tăng trưởng nông nghiệp trở lại bình thường”, ông Phúc nói.
Tuy nhiên TS. Nguyễn Đức Kiên nhận định, Chính phủ đã đưa ra 12 giải pháp để điều hành nền kinh tế 5 tháng còn lại năm của 2016, do đó trước mắt vẫn còn có dư địa để cố gắng cao nhất, đạt được tốc độ tăng trưởng.
Hơn nữa, mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2016 Quốc hội đặt ra là 6,7% còn phải phụ thuộc vào thị trường thế giới và trong nước. Mức tăng trưởng 6,7% được đặt ra để đạt được với điều kiện nền kinh tế thế giới tăng trưởng từ 3,2 – 3,7%. Nhưng hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới giảm xuống dưới 3% nên mục tiêu tăng trưởng kinh tế cũng khó đạt được.
“Khi đặt vấn đề mục tiêu cần phải hài hòa. Nước ta đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường và nhìn tăng trưởng theo kinh tế thị trường chứ không phải kế hoạch hóa để bắt buộc phải đạt được, mục tiêu tăng trưởng chỉ là căn cứ để điều hành”, TS.Kiên chỉ rõ./.
Theo VOV