"BOT là vấn đề mà lâu nay các Đại biểu Quốc hội rất nghi ngờ"
Việc đầu tư, khai thác các dự án giao thông BOT đang có vấn đề nên ĐBQH yêu cầu cần phải tiến hành điều tra làm rõ để quy trách nhiệm và xử lý.
Từ ngày 10 - 20/7, Đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiến hành kiểm tra, giám sát công tác thu phí tại Trạm thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ. Kết quả kiểm tra cho thấy, doanh thu thực tế trong 10 ngày tại trạm thu phí này đạt hơn 17,5 tỷ đồng, có ngày doanh thu lên tới gần 2 triệu đồng, cao hơn nhiều so với báo cáo trước đó.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Phương, ĐBQH tỉnh Quảng Bình nhận định, việc đầu tư, khai thác các dự án giao thông BOT đang có vấn đề, Chính phủ cần phải điều tra làm rõ để quy trách nhiệm, xử lý trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Ngọc Phương, ĐBQH tỉnh Quảng Bình. |
PV: Thưa ông, doanh thu thực tế của trạm Pháp Vân – Cầu Giẽ cao hơn nhiều so với báo cáo. Ông có đánh giá như thế nào về công tác thu và quản lý thu phí BOT hiện nay?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Có thể nói, BOT là vấn đề mà lâu nay các đại biểu rất nghi ngờ nhưng chưa có cơ sở để làm rõ tính minh bạch của các công trình BOT.
Từ thực tế doanh thu của Trạm thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ, Bộ Tài chính đã vào kiểm tra, giám sát và một số báo chí đã vào thực nghiệm kiểm tra cũng đã thấy kinh phí BOT đang có vấn đề mà Chính phủ cần phải điều tra, làm rõ và phải quy trách nhiệm, xử lý trong thời gian tới.
Trong đó, cần phải làm rõ những đơn vị có liên quan đến xét duyệt dự án, vì việc xét duyệt dự án này là không minh bạch. Hơn nữa, tôi cho rằng có điểm gì đó chưa rõ ràng đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư BOT luồn lách, từ đó làm thất thoát tiền của Nhà nước, đặc biệt là làm tăng thêm lệ phí đối với người dân khi tham gia giao thông trên các tuyến đường BOT.
PV: Dự án BOT được đưa vào trong chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017. Như vậy Quốc hội sẽ tiến hành giám sát như thế nào, thưa ông?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Như thường vụ Quốc hội đã báo cáo, một trong những nội dung giám sát được rất nhiều đại biểu đồng tình đó là giám sát vấn đề đầu tư và thu phí BOT hiện nay.
Thông qua ý kiến cử tri, giám sát thực tế và thu thập thông tin báo chí, các ĐBQH sẽ có những ý kiến tại Nghị trường, phản ánh trên các thông tin đại chúng…buộc các nhà đầu tư BOT phải làm rõ, công khai minh bạch những gian lận của mình. Đồng thời, Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phải vào cuộc, làm rõ, trả lời cho các ĐBQH trong vấn đề thực hiện đầu tư và thu phí BOT.
PV: Với số thu thực tế cao hơn báo cáo có nghĩa là thời gian thu hồi vốn đầu tư lẽ ra phải ngắn hơn nhiều so với yêu cầu của nhà đầu tư. Quốc hội có giám sát được vấn đề này?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Quốc hội không trực tiếp giám sát bằng những hành động cụ thể mà bằng cách đề ra chủ trương, Nghị quyết của Quốc hội để tiến hành giám sát. Sau đó, Quốc hội có yêu cầu các cơ quan chức năng như kiểm toán, tài chính, các cơ quan của Chính phủ, của Quốc hội sẽ làm rõ vấn đề này.
Chắc chắn rằng, khi các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin, Quốc hội đã quan tâm đến vấn đề đó, đã có nội dung đưa vào chương trình giám sát thì suất đầu tư, mức thu và thời gian hoàn vốn sẽ được làm rõ, minh bạch, tạo được niềm tin trong nhân dân.
PV: Có vị ĐBQH trước đây đã từng nói rằng, đầu tư BOT thu lợi rất thấp. Ông có bình luận gì về câu nói trên?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Phát biểu của vị đại biểu đó hoàn toàn mang tính cá nhân. Không loại trừ trong đó có ý che giấu những vấn đề thiếu minh bạch của đầu tư BOT hiện nay.
Tôi cho rằng, trong vấn đề BOT, ngoài việc báo cáo không trung thực về số thu phí, còn một điểm mà cử tri cũng như ĐBQH rất quan tâm đó là gian lận trong quá trình lập dự án. Có thể, mức đầu tư dự án đó đã được nâng khống lên, suất đầu tư cao nên nhà đầu tư đã yêu cầu phải kéo dài thời gian thu phí.
PV: Đầu tư BOT sẽ còn phát triển nhưng nếu cứ thiếu minh bạch sẽ làm giảm vai trò của xã hội hóa trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Chúng ta sẽ cần phải có những biện pháp gì cho vấn đề này thưa ông?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Phải khẳng định rằng, BOT là một chương trình xã hội hóa rất tốt, đặc biệt là trong phát triển cơ sở hạ tầng.
5 năm trước đây, dưới thời Bộ trưởng Đinh La Thăng đã cho thấy, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đã có những bước tiến rất vượt bậc, lấy được niềm tin của người dân đối với Quốc hội, với Chính phủ và thể hiện bước tiến của quốc gia trong bước đường phát triển kinh tế.
Tất nhiên, qua quá trình thực hiện, BOT đã bộc lộ những vấn đề như một số công trình có chất lượng xây dựng rất hạn chế. Trong quá trình thẩm tra, thẩm định dự án, các cơ quan chức năng và một số tổ chức, cá nhân thiếu minh bạch, làm chưa rõ.
Chính vì thế, hạn chế của BOT ở chỗ là làm thất thoát của Nhà nước hoặc đội vốn lên, kéo dài thời gian thu phí để thu về lợi nhuận cho nhóm lợi ích hoặc lợi ích cá nhân.
Trong thời gian sắp tới, việc phát triển BOT trong đầu tư xây dựng cơ bản và xã hội hóa ở các lĩnh vực khác là rất cần thiết. Tất nhiên để chống thất thoát trong BOT, yếu tố rất quan trọng là khâu lập dự án, thẩm định các dự toán và triển khai giám sát quá trình tổ chức thực hiện các dự án BOT.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Theo VOV