Ai chịu trách nhiệm hàng loạt dự án đầu tư không hiệu quả?
Cần phải tách bạch trách nhiệm cá nhân với rủi ro do thị trường để tránh việc hàm oan cho những người làm quản trị doanh nghiệp.
Trong 5 năm từ 2011 – 2015, tốc độ tăng nợ công của Việt Nam đang tăng cao hơn 2 – 3 lần so với GDP đã làm cho mất cân đối khả năng trả nợ, đặc biệt là kỳ hạn về nợ công phải trả ngắn hơn tốc độ đạt được.
Mặc dù nợ công tăng cao, nhưng hàng loạt các dự án, công trình xây dựng với suất đầu tư hàng nghìn tỷ vẫn đang trong tình trạng “đắp chiếu” như sơ sợi Đình Vũ, Đạm Ninh Bình, Gang thép Thái Nguyên… khiến nhiều khoản đầu tư ra nhưng không có khả năng trả nợ.
Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên đang trong quá trình đầu tư nhưng dự toán đã tăng suất đầu tư lên gấp 2 lần. (Ảnh minh họa: KT) |
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội khóa XIV, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, hiện nay Nhà máy đạm Ninh Bình đã đi vào hoạt động nhưng 2 năm gần đây đã lỗ 1.500 tỷ. Đối với nhà máy sơ sợi Đình Vũ, quá trình đầu tư hoàn thiện nhưng sản xuât không có đầu ra. Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên đang trong quá trình đầu tư nhưng dự toán đã tăng suất đầu tư lên gấp 2 lần.
“Để khẳng định hiệu quả của dự án sau khi được nâng tổng mức đầu tư lên hơn 8.000 tỷ đồng có hiệu quả hay không và thời gian hoàn vốn, chỉ số IRR là 7 hay bao nhiêu vẫn chưa xác định được. Như kết luận của Thanh tra Chính phủ là phải tính toán lại các phương án để có quyết định đầu tư. Kể cả Gang thép Thái Nguyên, Chính phủ cũng nói nếu cần thì đóng cửa, còn hơn phải đầu tư mà vẫn gặp khó khăn”, ông Kiên cho biết.
Trách nhiệm phê duyệt đầu tư các dự án không hiệu quả như trên đã được quy định trong pháp luật, nhưng với các sự việc đã xảy ra, trách nhiệm thường thuộc về tập thể. Theo quan điểm của Kiên, những quy định hiện hành đều quy định rằng, tất cả các quyết định đều phải đưa lên trình duyệt tại cấp trên. Phân cấp như vậy nên ai là người phê duyệt sẽ phải chịu trách nhiệm.
Hơn nữa, vì không thể thể hình sự hóa những vấn đề dân sự. Trong vấn đề quan hệ kinh tế, đây là việc quyết đinh dự án đầu tư của DN mà không phải dự án an sinh xã hội được xây dựng theo kế hoạch. Cho nên cần phải tách bạch đâu là phần trách nhiệm cá nhân trong quản trị DN, đâu là rủi ro do thị trường để tránh việc hàm oan cho những người làm quản trị doanh nghiệp và có cái nhìn khách quan đối với thị trường.
Để từng bước giải quyết những vấn đề tương tự như hiện nay, ông Kiên cho biết, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang giao nhiệm vụ xây dựng Nghị định để triển khai Lluật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại DN sản xuất kinh doanh, có nghĩa là xây dựng cơ quan quản lý phần vốn Nhà nước tại DN và thực hiện tách bạch vấn đề đại diện chủ sở hữu ra khỏi các cơ quan quản lý Nhà nước./.
Theo VOV