Điện Biên: Vai trò của Khoa học và Công nghệ trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn

Thứ Sáu, 10/06/2016, 15:13 [GMT+7]

Điện Biên TV - Cùng với sự nghiệp phát triển Khoa học và Công nghệ (KH&CN) của cả nước, ngành KH&CN Điện Biên đã làm tốt vai trò của mình, thực sự là diễn đàn của giới KH&CN, là cầu nối giữa các nhà khoa học với người nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Việc ứng dụng mạnh mẽ những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chế biến đã đưa giá trị sản phẩm nông nghiệp tăng đáng kể, tạo ra diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới và khởi sắc.

 

s
Một số địa phương không những cơ bản đã đảm bảo về an ninh lương thực, mà còn có gạo bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh.

 

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (trong đó có 4 huyện biên giới, 5 huyện thuộc đề án 30a của Chính phủ); 130 xã, phường, thị trấn (trong đó có 29 xã biên giới, 110 xã đặc biệt khó khăn); 1.788 thôn, bản, tổ dân phố; có 19 dân tộc sinh sống với gần 55 vạn dân trong đó có trên 80% dân tộc thiểu số. Ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới trình độ dân trí đồng bào còn rất nhiều hạn chế, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Kinh tế - xã hội chậm phát triển, hệ thống hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ; đời sống của một bộ phận Nhân dân các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, tập quán canh tác lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 là 28,01 %.

Vượt lên những khó khăn ấy, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhất là các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN đã trở thành động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp của mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh. Trước đây, Điện Biên thuộc diện có nhiều địa phương phải cứu đói vào mùa giáp hạt, là tỉnh có tỷ lệ hộ đói nghèo cao so với cả nước, nhất là các huyện thuộc Đề án 30a của Chính phủ, thuộc các huyện vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới như: Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông, Tủa chùa... Đến nay, một số địa phương không những cơ bản đã đảm bảo an ninh về lương thực, mà còn có gạo bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và ngành KH&CN Điện Biên, giai đoạn 2010-2015 năm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của tỉnh đã giảm 4,4% (riêng các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ giảm 5,88%/năm); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 50,01% năm 2010 xuống còn 28,01% năm 2015, số hộ thoát nghèo 18.844 hộ.

 

s
Nhiều địa phương và hộ gia đình đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, do vậy đàn gia súc đã tăng trưởng bình quân 5,78%/năm.

 

Thời gian qua, Sở KH&CN đã phối hợp với các cơ quan đơn vị trong tỉnh, các viện, cơ quan nghiên cứu ở Trung ương xây dựng các mô hình chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên nhiều cánh đồng như: Mường Báng, Mường Đun, Xá Nhè (huyện Tủa Chùa); xã Ảng Tở, Ảng Nưa, Ảng Cang, Mường Đăng (huyện Mường Ảng); xã Mường Mùn, Quài Tở, Quài Cang, Quài Nưa, Chiềng Sinh, Pú Nhung (huyện Tuần Giáo); xã Luân Giói, Na Son, Pu Nhi (huyện Điện Biên Đông); Mường Phăng, Nà Tấu (huyện Điện Biên)… Các dự án đã làm tăng từ 15 - 25% năng suất cây trồng trong vùng, mang lại niềm phấn khởi cho người nông dân. Dự án trồng đậu tương trên đất một vụ lúa triển khai trên 1.500ha đã có hiệu quả kinh tế cao, quan trọng hơn là đã giúp cho người dân đã biết khai thác tiềm năng đất đai đưa vào sản xuất, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào.

Riêng năm 2015, Sở KH&CN Điện Biên đã phối hợp tổ chức triển khai 46 đề tài, dự án gồm 40 danh mục tiếp chi và 06 danh mục mới, trong đó lĩnh vực Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản là 21 danh mục chiếm tới 45,65% . Một số Đề tài, dự án nổi bật như: Đề tài: “Nghiên cứu kỹ thuật thâm canh cây chít trên đất nương, đồi hoang hóa trên địa bàn tỉnh Điện Biên”; Dự án: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi lồng, bè cá Rô phi đơn tính dòng GIFT (Oreochromis niloticus) thương phẩm trong lồng, bè trên hồ thủy điện Sơn La tại thị xã Mường Lay; Dự án  “Xây dựng mô hình sản xuất - chế biến - xử lý bã thải dong riềng - Tỉnh Điện Biên”; Đề tài: Nghiên cứu xây dựng mô hình trồng xen một số cây ngắn ngày trong nương đồi Cao su giai đoạn kiến thiết cơ bản...

 

s
Thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động Nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2010-2015 trên địa bàn tỉnh đã đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm mới cho gần 42.600 lao động.

 

Nhìn vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh Điện Biên những năm gần đây, dễ nhận thấy đã có những bước phát triển nhảy vọt về sản lượng, năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa. Thành công này là nhờ có KH&CN đã phát huy tốt vai trò then chốt của mình, góp phần đưa tổng sản lượng lương thực năm 2015 đạt 241,7 ngàn tấn; lương thực bình quân 446 kg/người. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã đầu tư trồng cây công nghiệp, trồng rừng, hình thành vùng sản xuất nguyên liệu (chè, cà phê, cao su,...), đi đôi với phát triển cơ sở chế biến. Trong chăn nuôi nhiều địa phương và hộ gia đình đã có sự đổi mới phương pháp chăn nuôi, áp dụng KH&CN, kỹ thuật vào sản xuất giống và tăng cường kiểm soát phòng, chống dịch bệnh, do vậy đàn gia súc đã tăng trưởng bình quân 5,78%/năm. Để giữ gìn nghề truyền thống ngành KH&CN còn khuyến khích và hỗ trợ KHKT, công nghệ cho đồng bào các dân tộc thiểu số để phát triển các ngành nghề thủ công như: thêu, dệt thổ cẩm, mây tre đan, chế biến gỗ... phục vụ du lịch, tích cực giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho Nhân dân.

Ông Nguyễn Văn An, Giám đốc Sở KH&CN Điện Biên cho biết thêm: "Ngành KH&CN Điện Biên cũng đã tích cực, trong việc nghiên cứu, góp phần cung cấp những luận cứ khoa học cho tỉnh để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, đã có 116/116 xã cơ bản hoàn thành Đề án xây dựng nông thôn mới, một số địa phương đã xuất hiện mô hình, cách làm hiệu quả. Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tập trung KH&CN vào phát triển nông nghiệp nông thôn, theo hướng sản xuất hàng hóa và xây dựng nông thôn mới; nghiên cứu đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ KH&CN, nhất là ưu tiên áp dụng công nghệ về giống, công nghệ bảo quản, chế biến Nông - Lâm sản sau thu hoạch, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ”.

Trong những năm tới, vai trò của KH&CN trong đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được xác định là nhiệm vụ hàng đầu, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, đơn vị. Do vậy, ngành KH&CN tỉnh Điện Biên sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, đồng hành cùng các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong và ngoài tỉnh trên lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, để ngành KH&CN Điện Biên cùng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh phấn đấu xây dựng Điện Biên thành Tỉnh phát triển trung bình trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc”./.

 

Khánh Toàn

.