Đầu tư BOT giao thông: Không thể cứ phát triển theo phong trào
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT cần nhận thức lại bản chất của đầu tư BOT và phải tính toán để bảo vệ lợi ích của người dân.
Tại hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011- 2015 do Bộ GTVT quản lý, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá, việc phát triển các dự án giao thông như vừa qua là “phong trào BOT”. Nhiều nhà đầu tư có trách nhiệm, tâm huyết và xác định đúng khối lượng và chi phí và được dân ủng hộ, nhưng vẫn còn những nhà đầu tư chưa tính toán chính xác, trình độ, năng lực còn hạn chế đã để lại nhiều bức xúc cho xã hội.
Nhiều dự án giao thông BOT hoàn thành trong thời gian qua. (Ảnh minh họa: KT) |
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra cho rằng, hiện vẫn còn không ít công trình chất lượng thấp, ảnh hưởng đến an toàn cho phương tiện, con người, gây bức xúc cho xã hội. Bên cạnh những nhà đầu tư uy tín, tâm huyết, trách nhiệm, đầu tư nghiêm túc, cũng có nhiều nhà đầu tư tính toán chưa chính xác, trình độ, năng lực còn hạn chế.
“Nhiều khối lượng thi công xây dựng thực tế thấp hơn nhiều so với dự toán. Khối lượng đưa vào tính toán lớn, nhưng thực tế lại thấp từ đó làm tăng chi phí đầu vào cho sản phẩm, làm tăng phí và tăng thời gian thu phí hoàn vốn của dự án. Tình trạng này cần phải được chấn chỉnh”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Cũng theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc huy động vốn đầu tư BOT, BT cho giao thông chỉ mới từ các doanh nghiệp trong nước, chưa thu hút được doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, vốn của những doanh nghiệp này lại yếu, dựa vào ngân hàng, do đó chưa đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông vận tải trong những năm tiếp theo.
Do đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT cần nhận thức lại bản chất đầu tư BOT và phải tính toán để bảo vệ lợi ích của người dân, xác định chính xác tổng mức đầu tư, minh bạch trong chọn nhà thầu, rà soát kiểm tra lại các dự án nếu thấy có dấu hiệu vi phạm hoặc theo định kỳ để kịp thời khắc phục các sai phạm về khối lượng chất lượng, về giá phí, trạm thu phí...
Hướng giảm phí và thời gian thu phí
Trao đổi về quá trình thực hiện các dự án giao thông theo hình thức BOT, BT, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án BOT, Bộ GTVT thực hiện theo Nghị định 108 trước đây và hiện nay là Nghị định 15, Nghị định 30. Tất cả đều có quy trình thực hiện từ lập dự án đầu tư, ký kết, thực hiện hợp đồng và quản lý dự án.
“Bộ GTVT là cơ quan đề xuất thực hiện dự án, trên cơ sở đó nhà đầu tư lập kế hoạch đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cấp giấy phép đầu tư sau khi xin ý kiến của các Bộ ngành, địa phương liên quan. Trong quá trình thực hiện đã đánh giá đến tác động môi trường xã hội đầy đủ”, Thứ trưởng Trường cho biết.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng thừa nhận, trong thời gian qua số lượng dự án BOT là tương đối lớn nên tác động đến xã hội, đến doanh nghiệp, người dân cũng có những yếu tố ảnh hưởng đến doanh nghiệp người dân. Hơn nữa, việc tuyên truyền thông tin về các dự án chưa được đầy đủ nên trong quá trình thực hiện giám sát của các cơ quan Bộ, ngành còn chưa đầy đủ. Bộ GTVT vừa qua cũng đã trình Chính phủ đề án tổng thể về đầu tư BOT, PPP.
Để phát huy hơn nữa tính minh bạch, hiệu quả của các dự án giao thông BOT, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng Bộ GTVT sẽ đưa ra những đề xuất mới cho các giai đoạn tiếp theo. Trong đó tập trung vào đầu tư các dự án có tính chất đột phá, đặc biệt tuyến cao tốc Bắc - Nam. Cùng với đó là nâng cấp các tuyến nối liền trung tâm kinh tế với nhau, trên cơ sở nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân cùng thực hiện theo hình thức PPP.
Đặc biệt, Bộ GTVT sẽ tạo cơ chế thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư hạ tầng, đồng thời kiến nghị Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Thông tư hướng dẫn cụ thể hơn. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT sẽ cùng các Bộ ngành khác đưa ra một lộ trình đầu tư hợp lý hơn, mức phí và thời gian hoàn vốn hợp lý hơn.
“Trong thời gian tới việc đầu tư các dự án BOT phải lựa chọn để đảm bảo các lợi ích, trong đó là lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp để tránh tăng chi phí vận tải. Thứ hai là tập trung đầu tư vào các tuyến để người dân có sự lựa chọn. Nếu người dân, doanh nghiệp không muốn đi vào tuyến cao tốc thì có thể đi vào tuyến đường còn lại. Như vậy có sự công bằng hơn. Thứ ba là sẽ tập trung vào công nghệ mới để giảm suất đầu tư xuống. Mục tiêu là giảm mức phí xuống, thời gian thu phí ngắn hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết, sắp tới Bộ GTVT sẽ đầu tư vào các tuyến cao tốc là chủ yếu, còn những tuyến không phải là cao tốc người dân sẽ không phải đóng phí hoặc đóng phí thấp hơn./.
Theo VOV