Cải thiện môi trường đầu tư để "hút" doanh nghiệp

Thứ Sáu, 03/06/2016, 09:26 [GMT+7]

Điện Biên TV - Chủ động tiếp cận nhà đầu tư; công khai, minh bạch các thủ tục hành chính... và chung tay tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đó là cách mà tỉnh Điện Biên đã và đang áp dụng nhằm tạo “sức hút” để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư.

Du lịch, khoáng sản và thủy điện là các lĩnh vực được đánh giá có tiềm năng lớn, thu hút nhiều doanh nghiệp trong những năm qua. Tuy nhiên, trước năm 2011, công tác thu hút đầu tư (THĐT) trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh những lý do khách quan là điều kiện cơ sở hạ tầng, giao thông kém phát triển, thị trường tiêu thụ hạn chế... thì các nguyên nhân chủ quan, như: các cơ quan chức năng chưa năng động trong xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; thủ tục hành chính rườm rà, việc thực hiện chính sách sau đầu tư ở một số dự án chưa tốt. Chính vì vậy, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh nhiều năm luôn ở mức thấp. Điển hình năm 2012 và 2014, tỉnh Điện Biên đều xếp thứ 63/63 tỉnh, thành trong cả nước về PCI. Hiện nay, Điện Biên cũng là tỉnh miền núi duy nhất đang trong tình trạng “trắng FDI” (vốn đầu tư của nước ngoài vào).

x
Thủy điện là lĩnh vực thu hút nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua. Trong ảnh: Công nhân Công ty Cổ phần đầu tư Tài nguyên và Năng lượng Điện Biên thi công Thủy điện Nậm Núa, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Tiến Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Xác định việc kêu gọi đầu tư, tăng cường xúc tiến thương mại và du lịch, mở rộng giao lưu với các tỉnh trong và ngoài nước là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cần được đặc biệt ưu tiên. Vì vậy, đầu năm 2015, UBND tỉnh đã triển khai Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, với mục tiêu xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh, đầu tư thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp tháo gỡ khó khăn, cải thiện và thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Việc cấp phép đăng ký doanh nghiệp được triển khai nhanh chóng, thuận lợi, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp xuống tối đa còn 3 ngày. Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 10 ngày (theo quy định là 15 ngày đối với dự án không phải cấp quyết định chủ trương đầu tư), 30 ngày đối với dự án phải cấp quyết định chủ trương đầu tư (theo quy định là 37 ngày), 20 ngày đối với dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu (theo quy định là 25 ngày) kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục liên quan về đầu tư, thẩm định dự án, giải phóng mặt bằng, đất đai, xây dựng, môi trường... theo hướng giảm 1/3 thời gian so với quy định để doanh nghiệp triển khai được nhanh chóng và thuận lợi. Các thủ tục trong tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng cũng được tích cực thực hiện. Các dự án đầu tư đều được niêm yết công khai, kể cả phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư trước khi thu hồi đất và đẩy nhanh tiến độ thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Để đảm bảo các dự án hoạt động có hiệu quả nhằm củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với môi trường đầu tư, cơ chế THĐT của tỉnh đã có những bước chuyển mạnh mẽ bằng việc tăng cường cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, qua đó xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách.

Gần cuối năm 2015, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị gặp mặt đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ, kiến nghị một số tồn tại vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình, dự án. Tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp, ngay tại hội nghị các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã “chỉ tay, giao việc” cụ thể cho các sở, ngành liên quan. Bước tiến mới trong cải cách môi trường đầu tư của Điện Biên nữa là, thay vì dàn trải mời gọi, xúc tiến đầu tư ở nhiều lĩnh vực, ban hành nhiều chính sách ưu đãi, tạo cơ chế thông thoáng để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư và THĐT một cách có chọn lọc. Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước, tình trạng nhiều nhà đầu tư không có thực lực cũng đăng ký dẫn đến một số lĩnh vực đã đăng ký nhưng không triển khai được. Ví dụ, năm 2014, UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi giấy phép đầu tư của 20 dự án thủy điện. Trong số đó, có cả những đơn vị lớn của Nhà nước đăng ký đầu tư như Dự án Thủy điện Nậm Chà 3 của Tổng công ty Điện lực Miền Bắc với công suất thiết kế 6,4MW tại xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ; thu hồi 5 dự án trồng rừng như: Trồng rừng nguyên liệu gỗ tại xã Si Pa Phìn và Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ), dự án trồng rừng kinh tế kết hợp với trồng cây mắc ca tại xã Phình Sáng, Pú Nhung, Quài Nưa và Quài Cang (huyện Tuần Giáo)... Tình trạng này làm mất đi cơ hội tham gia đầu tư cho các nhà đầu tư có tiềm lực khi họ chậm chân hơn.

Những cải cách mạnh mẽ đã góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh trong THĐT. Từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 10 dự án mới được cấp chứng nhận đầu tư; quyết định chủ trương đầu tư 11 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 1.000 tỷ đồng, chủ yếu vào lĩnh vực thủy điện, nông - lâm nghiệp, dịch vụ. Đáng mừng là PCI của tỉnh từ vị trí thứ 63 (năm 2014), đã bứt phá xếp thứ 53 (năm 2015). Điều này chứng tỏ phần nào sự đổi mới linh hoạt trong công tác chỉ đạo của chính quyền, điều hành cơ chế chính sách ngày càng hiệu quả. Với những chính sách đồng bộ về THĐT, năm 2015 đánh dấu những bước ngoặt trong công tác THĐT của tỉnh. Thành công đó không thể không nói đến tầm nhìn, sự định hướng và các giải pháp kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã bắt đúng và trúng mong muốn của nhà đầu tư, góp phần mở cơ hội cho các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận.

 

Văn Tâm
 

.