5 giảm 2 tăng từ một kỹ thuật canh tác lúa mới

Thứ Tư, 01/06/2016, 10:39 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hiện nay, nông dân toàn tỉnh nói chung, khu vực lòng chảo Điện Biên nói riêng đã biết và làm quen với một kỹ thuật canh tác lúa mới, đó là: Hiệu ứng hàng biên. Kết quả kiểm tra, thăm đồng đã cho kết quả khả quan. So với lối canh tác truyền thống, kỹ thuật Hiệu ứng hàng biên đã giúp bà con nông dân đạt được 5 giảm, 2 tăng trong quá trình sản xuất.

5 giảm, 2 tăng, nghĩa là: Giảm lượng giống, giảm công lao động, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm sâu bệnh và tăng năng suất, tăng giá trị lúa gạo. Đó cũng là sự khẳng định của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh sau buổi thăm đồng tại một số diện tích lúa cấy theo kỹ thuật Hiệu ứng hàng biên vừa qua. Qua thực tiễn sản xuất cho thấy: So với kỹ thuật canh tác lúa truyền thống, kỹ thuật "Hiệu ứng hàng biên" ước cho năng suất cao hơn khoảng 25%, chất lượng gạo an toàn hơn bởi ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Gạo sạch cho giá trị cao hơn so với gạo gieo cấy thông thường.

Ông Hà Văn Quân - Giám đốc Sở NN&PTNT Điện Biên cho biết: "Ưu điểm khác khi áp dụng kỹ thuật Hiệu ứng hàng biên sẽ giảm gần 70% lượng giống, phân bón giảm 50%, thuốc bảo vệ thực vật giảm 75%, công lao động giảm 50% và lượng sâu bệnh trên lúa cũng giảm hẳn. "

c
So với kỹ thuật canh tác lúa truyền thống, kỹ thuật "Hiệu ứng hàng biên" ước cho năng suất cao hơn khoảng 25%

 

Toàn bộ 4ha lúa cấy theo kỹ thuật này đều được sử dụng bằng giống Hương Việt 3. Đây là một trong số ít giống lúa có nhiều ưu điểm, đặc biệt là cho giá trị gạo ngon, giá thành cao, dễ tiêu thụ. Nhất là hiện nay, bà con nông dân tham gia cấy theo kỹ thuật Hiệu ứng hàng biên đều được Công ty Trường Hương cấp 100% giống, đồng thời cam kết đền bù cho bà con nếu năng suất thấp hơn năng suất trung bình của lối canh tác cũ. Mặt khác, Công ty cũng đứng ra bao tiêu 100% sản lượng thóc gạo bà con thu được nếu có nhu cầu tiêu thụ, với giá thành ngang bằng hoặc cao hơn so với thị trường. Ngoài ra, Công ty Trường Hương còn hỗ trợ miễn phí 100% về kỹ thuật canh tác cho bà con.

Anh Nguyễn Gia Tuấn, Công ty Cổ phần giống Nông nghiệp Trường Hương - Điện Biên nói: "Tôi rất mong trong thời gian tới, bà con sẽ liên kết cùng Công ty để làm theo mô hình Hiệu ứng hàng biên này. Nếu bà con thực hiện mô hình này thì sẽ được Công ty hỗ trợ toàn bộ về kỹ thuật."

Do đạt được hiệu quả về 5 giảm, 2 tăng nên bà con nông dân không gặp khó về vốn, giống, công lao động. Vấn đề cốt lõi nằm ở kỹ thuật cấy và chăm sóc lúa. Cùng với sự quan tâm của tỉnh sự đồng hành với bà con trong suốt quá trình sản xuất của Công ty Trường Hương, đặc biệt là về kỹ thuật, nên việc nhân rộng mô hình canh tác lúa theo kỹ thuật Hiệu ứng hàng biên sẽ không thuận lợi để thực hiện trong những vụ tiếp theo./.

 

Lê Dung - Chí Công
 

.