Xây dựng thủy điện trong khu bảo tồn: Chưa có quyết định cuối cùng

Thứ Sáu, 06/05/2016, 17:33 [GMT+7]

Dự án mới đang trong giai đoạn lập báo cáo đầu tư xây dựng. Trên cơ sở kết quả thẩm định, sẽ xem xét quyết định việc có triển khai hay không.
 
Một số dự án thuỷ điện đang chuẩn bị khởi công trong các vườn quốc gia, rừng phòng hộ như dự án thủy điện Đrang Phốk trong Vườn Quốc gia Yok Đôn, hai đập thủy điện Suối Say 1 và Suối Say 2 trong khu bảo tồn Kon Chư Răng (Gia Lai) gây lo ngại ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Có ý kiến cho rằng hệ thống hồ đập thủy điện trên nhiều dòng sông là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến một số hồ ở Tây Nguyên khô kiệt.

Trả lời thắc mắc này, tại họp báo Chính phủ chiều 5/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: “Chính phủ sẽ xem xét quyết định việc có triển khai dự án hay không”.

Dự án thủy điện Đrang Phốk nằm trên dòng chính sông Srêpốk thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, quy mô công suất dự kiến là 26 MW có trong Quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt (QĐ số 6404/QĐ-BCT ngày 07/12/2010); tuyến đập dự kiến của nhà máy có nằm trong phạm vi Vườn quốc gia Yok Đôn. Hiện nay, Dự án mới đang trong giai đoạn lập báo cáo đầu tư xây dựng; UBND tỉnh Đắk Lắk đã có chỉ đạo chủ đầu tư lập Báo cáo Đánh giá tác động môi trường Dự án, trình cấp có thẩm quyền (Bộ TN&MT) thẩm định, phê duyệt theo quy định. Trên cơ sở kết quả thẩm định, sẽ xem xét quyết định việc có triển khai Dự án hay không.

Các dự án thủy điện Suối Say 1 và Suối Say 2 trên địa bàn tỉnh Gia Lai mới được một đơn vị nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh Gia Lai xem xét để thực hiện các thủ tục bổ sung vào Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Gia Lai. UBND tỉnh Gia Lai đã có ý kiến chính thức không thực hiện các dự án này do tuyến đập (khoảng 6ha) nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện Kbang.

Cũng theo ông Mai Tiến Dũng, nước ta có tiềm năng thủy điện khá lớn, có thể khai thác được khoảng 26.000 MW (khoảng 100 tỷ kWh/năm). Đây là tài nguyên quý của quốc gia, là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, cần được khai thác hợp lý.

Về công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng các dự án thủy điện, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch thủy điện, bảo đảm mục tiêu về phát điện và góp phần phòng chống lũ mùa mưa và điều tiết cấp nước mùa kiệt cho hạ du./.

 

Theo VOV

.