Làm sao để 500 tấn vàng tại Việt Nam "chui ra khỏi hũ"?

Thứ Tư, 18/05/2016, 14:36 [GMT+7]

Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để khoảng 500 tấn vàng trong dân được “nung chảy”, trong khi Việt Nam đang rất “khát” nguyên liệu vàng.
 
Liệu 500 tấn vàng có được “nung chảy”?


Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, trong nhiều năm qua, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu vàng, trong khi xuất khẩu kim loại quý này không đáng kể. Do vậy, lượng vàng trong dân hiện nay còn rất lớn, ước tính khoảng 500 tấn.

1
Mỗi năm Việt Nam cần khoảng 10-15 tấn vàng nguyên liệu, nhưng không cấp phép nhập khẩu. (Ảnh minh họa: Internet)

 

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho hay, mặc dù Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đến nay chưa có giải pháp nào được thực hiện.

Và để góp phần huy động vàng có hiệu quả, Hiệp hội cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu để sớm thành lập sở giao dịch vàng quốc gia. Bởi vì, thông qua sở giao dịch vàng quốc gia, Nhà nước có thể phát hành chứng chỉ vàng, hoặc trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân.

Theo VnEconomy, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước chưa đề cập cụ thể đến đề xuất lập sở giao dịch vàng quốc gia, cũng như các hướng triển khai cụ thể để huy động nguồn lực vàng trong dân (khoảng 500 tấn).

Nhưng ở một hướng khác, như lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước từng nêu quan điểm trước đây, nhà điều hành lựa chọn và tập trung ở giải pháp “nung chảy” vàng qua tăng cường quản lý và lập lại trật tự thị trường này.

Ở góc độ cơ quan quản lý, một lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước khi trao đổi với VnEconomy, lập luận rằng, thực tế nguồn lực vàng trong dân thời gian qua đã được “nung chảy”, người dân đã tăng bán ra cho thị trường chứ không chôn chặt như trước.

Cụ thể, từ trước năm 2014, mỗi năm Việt Nam vẫn nhập khẩu từ 30-50 tấn vàng/năm. Tuy nhiên, hơn hai năm trở lại đây, nền kinh tế không phải nhập một tấn nào (ở kênh chính ngạch).

Trong khi đó, ước tính mỗi năm Việt Nam cần từ 10-15 tấn vàng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ… Kênh nhu cầu này cũng không phải nhập khẩu như trước, mà thị trường tự cân đối được.

Cụ thể, theo vị lãnh đạo chuyên trách trên, Ngân hàng Nhà nước không phải cấp phép nhập khẩu, mà thị trường tự điều tiết bằng nguồn vàng bán ra từ dân cư. Nguồn được “nung chảy” này giúp thị trường tự chủ động được nguyên liệu, theo nhu cầu từ 10-15 tấn/năm nói trên.

Gần 20 tỷ USD bị lãng phí

Trao đổi trên báo Người lao động, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VGTA, cho hay, nhiều năm qua, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu vàng, còn xuất khẩu không đáng kể nên lượng vàng trong dân còn rất lớn, ước tính khoảng 500 tấn (trị giá tương đương 20 tỷ USD). Dù Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo NHNN thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhưng đến nay, chưa có giải pháp nào được triển khai.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam, cho biết theo các tổ chức tài chính như Hội đồng vàng thế giới, nhu cầu tiêu thụ vàng mỗi năm của Việt Nam khoảng vài chục tấn, trong khi xuất khẩu vàng chủ yếu là nữ trang hoặc theo đường biên mậu là không đáng kể. Tính ra, lượng vàng trong dân lên tới vài trăm tấn là rất lớn nhưng đến giờ vẫn chưa được huy động dù Chính phủ từng yêu cầu tìm giải pháp cho vấn đề này.

“Việt Nam đang phải huy động vốn từ nước ngoài thông qua phát hành trái phiếu quốc tế với lãi suất khá cao. Nay, nếu huy động vàng trong dân thành công, nhà nước có thể đem số vàng này thế chấp, vay có tài sản bảo đảm sẽ huy động được trái phiếu quốc tế với lãi suất thấp hơn” - ông Hải lập luận.
 

1
500 tấn vàng ước tính trong dân trị giá khoảng 20 tỷ USD. (Ảnh minh họa: Internet)

 

Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng nhìn nhận một trong những lý do NHNN chưa muốn huy động vàng là để chống vàng hóa nền kinh tế. Sau khi có Nghị định 24, NHNN là đơn vị duy nhất nhập khẩu vàng rồi sản xuất vàng miếng SJC đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Biện pháp này đã thành công và giúp ổn định thị trường vàng. Trong giai đoạn mới, nền kinh tế đang rất cần vốn, cần ngoại tệ trong bối cảnh dự trữ ngoại hối còn mỏng, huy động vàng là giải pháp cần được tính tới.

Làm sao để vàng “chui ra khỏi hũ”?

Báo Lao động cho biết, Việt Nam hiện đang “đói” vốn, dân lại găm giữ khoảng 500 tấn vàng tương đương 20 tỷ USD. Vàng là nguồn vốn, tiền bạc là huyết mạch của cơ thể quốc gia, bị ứ đọng chẳng khác gì bị tắc mạch máu. Chứng “đông máu nguồn vàng” trong dân tồn tại xưa nay, nhưng chưa có cách khai thông.

Người dân giữ vàng như một thói quen, và tin rằng dù có chuyện gì xảy ra thì của cải vẫn nắm trong tay. Cho nên ngay cả khi gửi vàng vào ngân hàng có lãi suất, không phải ai cũng muốn gửi hoặc gửi hết số vàng mình có.

Liệu dân có vượt qua được tập quán giữ vàng như xưa nay, và để thuyết phục người dân lấy vàng trong hũ chôn ở chân giường cho Nhà nước và doanh nghiệp vay là điều không phải dễ. Ở đây cần phải có sự xác lập niềm tin, dân thấy được tài sản của mình được bảo đảm an toàn. Lịch sử có những sai lầm khiến cho người giàu sợ hãi, không dám công khai hết tài sản, vàng bạc của mình, mà cất giấu kỹ lưỡng cho an tâm về của cải và yên thân. Không chỉ đối với người lớn tuổi, ngay cả người trẻ vẫn mua vàng để trữ, vàng cứ thế mà “ngủ” trong hũ dưới gầm giường.

Huy động vàng trong dân để làm vốn đầu tư có nghĩa phải trả lại vàng cho dân hoặc tiền tương đương với giá trị vàng vào thời điểm trả. Những biến động về giá vàng dẫn đến nhiều rủi ro cho phía vay, khả năng cân đối vay - trả vàng liệu có được đảm bảo. Nếu để mất khả năng cân đối có nghĩa là làm mất tài sản của dân.

Cách thuyết phục duy nhất để dân gửi vàng là đưa ra mức lãi suất phù hợp, có cam kết đảm bảo an toàn tài sản. Để dân mất niềm tin về an toàn tài sản thì không thể có cơ hội để thuyết phục thêm lần nữa./.

 

Theo VOV

.