Điện Biên: Giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm chè Tủa Chùa

Thứ Sáu, 05/02/2016, 14:46 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong những năm qua, cây chè trên vùng cao huyện Tủa Chùa đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực để giúp bà con nông dân nơi đây xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, trong 2, 3 năm lại đây, sản phẩm chè Tuyết shan Tủa Chùa lại chưa có chỗ đứng trên thị trường, sản phẩm chè thành phẩm còn tồn đọng, không được tiêu thụ hết, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến người trồng chè và các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. 

 

s
Trong 2, 3 năm lại đây, sản phẩm chè Tuyết shan Tủa Chùa lại chưa có chỗ đứng trên thị trường, sản phẩm chè thành phẩm còn tồn đọng, không được tiêu thụ hết, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến người trồng chè

 

Hai năm trở lại đây, trong kho của Trạm giống nông nghiệp Tủa Chùa, Công ty cổ phần giống nông nghiệp Điện Biên lúc nào cũng tồn đọng từ 6 đến 10 tấn chè búp khô, tương đương với khoảng 30 đến 50 tấn chè búp tươi. Với giá thu mua đầu vào cho 1kg chè búp tươi từ 12 đến 16.000đ/1kg, cộng với chi phí vận chuyển, phi phí sản xuất, đóng gói, như vậy lúc nào Công ty cũng tồn đọng trên dưới 500 triệu đồng không thể quay vòng. Với số lượng lớn chè búp khô còn tồn đọng như vậy, điều đó cũng sẽ là những rào cản, khó khăn cho cho cả người trồng chè cũng như doanh nghiệp thu mua, bao tiêu sản phẩm chè. Bởi chỉ còn khoảng 2 tháng nữa thì vụ thu hoạch chè mới sẽ bắt đầu, và dự báo sẽ có khoảng vài trăm tấn trè búp tươi sẽ được thu hoạch, do đó nếu những sản phẩm chè búp khô này không được tiêu thụ thì việc thu mua, bao tiêu chè búp tươi cho người dân cũng sẽ gặp không ít những khó khăn.

 

s
Sản phẩm chè Tuyết San Tủa Chùa

 

Cây chè nói chung, chè Tuyết shan cổ thụ nói riêng đã được Tỉnh, huyện Tủa Chùa qui hoạch thành vùng, và coi đây là một trong những cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Những năm qua chè Tuyết Shan Tủa Chùa được các chuyên gia, người tiêu dùng đánh giá cao về hương vị, chất lượng của chè cây cao. Tuy nhiên hiện nay, sản phẩm chè Tuyết shan Tủa Chùa lại chưa thực sự có chỗ đứng bền vững trên thị trường; sản phẩm chè thành phẩm còn tồn đọng nhiều chủ yếu là giá bán còn cao, các cơ sở sản xuất, sao, chế biến chưa hiện đại, dây chuyền đóng gói, mẫu mã chưa thu hút người tiêu dùng, đặc biệt là khâu tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm còn hạn chế, do đó người tiêu dùng còn thờ ở, thậm chí là không biết đến sản phẩm này có mặt trên thị trường. Do đó, việc sớm thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường công tác quảng bá,vv sẽ là những giải pháp tích cực, lâu dài để chè Tuyết Shan Tủa Chùa có chỗ đứng trên thị trường.

Ông Tô Văn Tuân, Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho hay: Phòng nông nghiệp triển khai nhiều biện pháp để thương hiệu chè Tủa Chùa được giữ vững trên thị trường,  phòng đã cử cán bộ xuống cơ sở giúp cho bà con thu hái chè đúng quy định, đúng thời gian. Ngoài ra phòng tập chung tuyên truyền quảng bá thương hiệu chè Tủa Chùa ra thị trường.

Để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp và người trồng chè. Ngày 14/1/2016 UBND có ý kiến về việc giúp đỡ, khuyến khích tiêu thụ chè Tuyết Shan Tủa Chùa với phương châm người Điện Biên ưu tiên dùng hàng Điện Biên. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong những giải pháp trước mắt nhằm kêu gọi các tổ chức, đoàn thể, nhân dân trong tỉnh ưu tiên sử dụng, nhằm tiêu thụ, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp và người trồng chè. Trên thực tế, về lâu dài thì đây sẽ không phải là giải pháp tích cực, bền vững, bởi khi sản phẩm chè này chưa được thay đổi về chất lượng, mẫu mã, có chỗ đứng vững trên thị trường thì khi đó sự phát triển của cây chè vùng cao Tủa Chùa sẽ gặp không ít những khó khăn trong thời hội nhập, cạnh tranh như hiện nay.

 


                                                       Văn Phú - Đức Bình

.