WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,6% năm 2016

Thứ Tư, 02/12/2015, 15:45 [GMT+7]

Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam vừa có báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam với dự báo năm 2016 có thể đạt tăng trưởng GDP 6,6%.

Điểm lại cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố sáng nay (2/12) có đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP của nước ta trong năm 2016 có thể đạt 6,6%.

Cụ thể, ông Sebastian, chuyên gia kinh tế của WB, đánh giá về vơ bản, triển vọng trung hạn của kinh tế Việt Nam là tích cực. GDP dự báo sẽ tăng 6,5% trong cả năm 2015 và củng cố trong năm 2016 nhờ cầu trong nước tiếp tục phục hồi nhờ tăng tiêu dùng cá nhân và đầu tư.
 

Về phía cung, ông Sebastian cho biết, tăng trưởng chủ yếu sẽ chủ yếu nhờ vào ngành công nghiệp chế tạo và xây dựng. Kỳ vọng lạm phát dự báo vẫn ở mức thấp, vì vậy ít xảy ra khả năng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ trong kỳ ngắn hạn.

Tuy nhiên, mức lạm phát thấp hiện nay nhờ giá năng lượng và lương thực toàn cầu được dự báo sẽ tăng trở lại trong trung hạn. Cán cân thương mại dự kiến sẽ thu hẹp mạnh trong năm nay do xuất khẩu giảm đà đồng thời với hoạt động kinh tế trong nước tăng dẫn tới tăng nhập khẩu. Cùng với đó, dòng kiều hối ổn định sẽ góp phần duy trì thặng dư của tài khoản vãng lai, nhưng ở mức thấp hơn nhiều so với các năm trước. Bội chi ngân sách dự kiến sẽ vẫn cao trong năm nay nhưng sẽ được điều chỉnh dần bởi các biện pháp thắt chặt nhằm tránh tăng nợ công. Nợ công vẫn ở mức bền vững nhưng phụ thuộc nhiều vào kết quả thực hiện chương trình thắt chặt tài khoá và các rủi ro khác.

Thời điểm thích hợp để củng cố ổn định kinh tế vĩ mô

“Cầu nội địa mạnh hơn, xuất khẩu vẫn được duy trì, cùng với lạm phát thấp và niềm tin được củng cố đã tạo cơ sở vững chắc cho tăng trưởng trong kì trung hạn của Việt Nam. Đây là thời điểm thích hợp để củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thêm khoảng đệm chính sách thông qua những nỗ lực kiên quyết để kiềm chế sự mất cân đối tài khóa và giải quyết những vấn đề bất cập còn tồn tại của khu vực ngân hàng”- bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, nhận định.

Tuy nhiên, báo cáo của WB cũng cảnh báo kinh tế Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro bất lợi. Do khoảng đệm chính sách còn hạn chế nên các cú sốc bên ngoài và trong nước có thể ảnh hưởng lên sự ổn định kinh tế vĩ mô. Tiến trình tái cơ cấu chậm chạp trong nước gây ra nhiều rủi ro đáng kể đối với viễn cảnh tăng trưởng trung hạn.

Ngoài ra còn phải kể đến một số rủi ro tài khoá đáng kể, và nếu chậm thực hiện chương trình thắt chặt tài khoá thì mức độ bền vững nợ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Áp lực tăng chi bắt nguồn từ chi thường xuyên, kể cả áp lực tăng lương, sẽ gây khó khăn cho việc cắt giảm thâm hụt ngân sách. Các rủi ro tài khoá còn trở nên trầm trọng hơn bởi trách nhiệm trả nợ liên đới liên quan đến các món nợ của các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại nhà nước.

Cùng với tăng trưởng tín dụng các rủi ro trong ngành ngân hàng, kể cả tăng trưởng nóng, cũng sẽ tăng lên nếu không được quản lí cẩn trọng và có thể gây ra một đợt mất ổn định mới và tác động tiêu cực lên tăng trưởng.

“Môi trường bên ngoài nói chung là thuận lợi đối với Việt Nam, nhưng những rủi ro mới nảy sinh đòi hỏi phải tiếp tục quản lí vĩ mô tốt nhằm bảo vệ nền kinh tế an toàn trước các cú sốc có thể xảy ra. Thắt chặt tài khoá, chính sách tỉ giá linh hoạt hơn và tăng cường dự trữ ngoại tệ sẽ giúp khắc phục các yếu kém”- ông Sebastian khuyến cáo./.

 

Theo VOV
 

.