Thuế cao và các lệ phí "đánh" vào ngành ô tô Việt Nam?

Thứ Ba, 08/12/2015, 17:09 [GMT+7]

Theo đánh giá của VBF 2015, chênh lệch chi phí và năng lực cạnh tranh về chi phí của các xe ô tô sản xuất trong nước (CKD) còn yếu kém.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên vừa diễn ra tại Hà Nội, Nhóm Công tác Công nghiệp Ôtô, Xe máy dự báo, khi hội nhập ASEAN toàn diện vào năm 2018, do những bất lợi của quy mô sản xuất và kinh tế nhỏ, giá thành sản xuất ô tô tại Việt Nam được ước tính sẽ cao hơn 20% so với những chiếc xe được nhập khẩu từ Thái Lan.

Không tận dụng được công suất ngành

Theo đánh giá của VBF, cùng với sự gia tăng trong tăng trưởng kinh tế năm nay, ngành công nghiệp ô tô bao gồm cả xe lắp ráp/sản xuất nội địa (CKD) và xe nhập khẩu (CBU) đã phục hồi và vượt mốc kỷ lục doanh số năm 2009 (160.000 xe) trong tháng 9/2015. Dự báo doanh số toàn ngành ô tô sẽ đạt trên 210.000 xe trong năm 2015.
 

1
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang phục hồi (Ảnh minh họa: KT)

 

Những con số này, theo đánh giá của các chuyên gia VBF, sự phát triển của toàn ngành công nghiệp ô tô với hơn 20 công ty và 40 thương hiệu ở Việt Nam vẫn chưa đạt mức mong đợi của các nhà đầu tư và Chính phủ khi tham chiếu đến tổng công suất lắp ráp hiện tại là gần 500.000 chiếc/năm. Với tỉ lệ xe ô tô sản xuất nội địa chiếm khoảng 74% trong cơ cấu doanh số toàn ngành hiện nay, công suất sử dụng thực tế nói chung chỉ đạt khoảng 30% tổng công suất thiết kế.

“Việc không tận dụng được công suất ngành có thể làm các nhà đầu tư lo ngại và thậm chí đặt dấu hỏi đối với khả năng đầu tư mới trong tương lai”- nhóm chuyên gia của VBF bình luận.

Yếu tố quan trọng thu hút đầu tư vào một quốc gia là sự tăng trưởng về quy mô tổng thể, năng lực cạnh tranh của lĩnh vực sản xuất lắp ráp và linh kiện, phụ tùng. Đối với nước ta, Nhà nước đã bổ sung ngành ô tô và những ngành công nghiệp hỗ trợ cho ô tô vào danh sách các lĩnh vực khuyến khích đầu tư và đề xuất rà soát một số điều luật thuế liên quan.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, Chính phủ nên cân nhắc thêm các giải pháp để đẩy nhanh sự tăng trưởng của toàn ngành và nâng cao năng lực cạnh tranh về chi phí lắp ráp/sản xuất xe trong nước nhằm duy trì ngành công nghiệp ô tô bền vững tại Việt Nam. Bởi theo họ, những yếu tố này sẽ giúp thu hút các nhà cung cấp và các nhà đầu tư tới Việt Nam nhằm hỗ trợ cho sự tăng trưởng và phát triển của ngành.

Thuế, phí cao “đánh” vào ngành ô tô

Theo đánh giá của VBF 2015, chênh lệch chi phí và năng lực cạnh tranh về chi phí của các xe sản xuất trong nước (CKD) còn yếu kém. Do vậy, việc có chính sách phù hợp để bảo vệ các công ty sản xuất xe CKD tại Việt Nam và đảm bảo bảo vệ lợi ích của các xe CKD trong giai đoạn chuyển giao hội nhập ASEAN (AFTA) từ năm 2018 là cần thiết. Bởi những bất lợi của quy mô sản xuất và kinh tế nhỏ, giá thành sản xuất ô tô tại Việt Nam được ước tính sẽ cao hơn 20% so với những chiếc xe được nhập khẩu từ Thái Lan.

Vì thế, nhóm này đề xuất một số biện pháp duy trì cạnh tranh về chi phí của xe CKD như: Loại bỏ thuế nhập khẩu cho những linh kiện và phụ tùng ô tô mà Việt Nam vẫn chưa sản xuất được; Áp dụng chính sách kiểm soát nghiêm ngặt và minh bạch trong việc nhập khẩu xe nguyên chiếc; Thẩm định giá kê khai của các xe ô tô nhập khẩu; Kiểm soát chặt chẽ đối với nhập khẩu “xe đã qua sử dụng”; và có chính sách ưu đãi phù hợp liên quan đến sản xuất xe CKD được chấp nhận bởi WTO.

Việt Nam đang chuẩn bị hội nhập toàn diện với ASEAN vào năm 2018 và các hiệp định FTA khác (EVFTA, TPP, ..) sắp được kí kết và/hoặc có hiệu lực trong vài năm tới. Tương lai của ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào các chính sách thuế và lệ phí của Chính phủ mà trong đó thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đóng một vai trò rất quan trọng.

Cần ưu đãi cho nhà sản xuất trong nước

Để ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam phát triển tới hết tiềm năng của mình, các nhà sản xuất ô tô ở Việt Nam đề xuất: Cần có chính sách ưu đãi cần thiết cho sản xuất trong nước để bù đắp cho chi phí sản xuất cao trong giai đoạn “chuyển tiếp” khi thị trường ôtô của Việt Nam vẫn chưa đủ lớn.

Theo đó, mức ưu đãi sản xuất tuân thủ theo quy định của WTO, ví dụ mức ưu đãi tương đương 10% giá tính thuế TTĐB cho 10 năm kể từ 2018. Đồng thời, xóa bỏ thuế TTĐB cho dòng xe chở người 16-24 chỗ và giữ nguyên mức thuế TTĐB hiện tại cho xe tải Pickup, vì đây là những dòng xe thương mại, hỗ trợ rất nhiều cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân Việt Nam, đặc biệt là những vùng ngoại ô và liên tỉnh, liên huyện.

Các nhà sản xuất ô tô ở Việt Nam còn đề nghị cần có một định nghĩa rõ ràng và khả thi cho các dòng xe thân thiện với môi trường và có thêm những chính sách ưu đãi cho những loại xe đó…/.

 

Theo VOV
 

.