Điện Biên: Chuyển biến trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại
Điện Biên TV - Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý thị trường đã tích cực, chủ động trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại. Vì vậy, công tác quản lý thị trường (QLTT) đã có chuyển biến rõ rệt trong các ngành hàng, mặt hàng và địa bàn; không xảy ra các vấn đề nhạy cảm, điểm nóng gây bức xúc dư luận.
Ông Nguyễn Huy Cậy, Chi cục trưởng Chi cục QLTT cho biết: Hiện nay, địa bàn tỉnh có trên 7.700 thương nhân với khoảng hơn 250 doanh nghiệp, 490 công ty, 38 chi nhánh, 6 xí nghiệp, 98 hợp tác xã và trên 6.800 cơ sở, hộ kinh doanh… nên công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường khá vất vả. Mặt khác, đến hết tháng 10/2015, giá mặt hàng nhiên liệu (xăng, dầu) điều chỉnh 18 lần, khiến giá của một số mặt hàng như: lương thực, thực phẩm, điện thoại di động, thuốc trừ sâu, mỹ phẩm, hàng may mặc, điện tử, quả tươi, bánh kẹo... thường xuyên biến động. Qua kiểm tra, kiểm soát thị trường nhận thấy, hoạt động buôn lậu và các hành vi gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh phát sinh với số lượng không nhiều, manh mún, song hoạt động với những thủ đoạn tinh vi, chủ yếu theo phương thức trà trộn hàng nhập lậu, hàng cấm với hàng hóa khác để tiêu thụ và lợi dụng hóa đơn không đúng giá trị, khiến cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn.
Cán bộ Đội QLTT số 1 kiểm tra mặt hàng điện tử, điện lạnh tại Trung tâm Điện tử, điện lạnh Hoan Hoài, TP. Điện Biên Phủ. |
Để hạn chế tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, ngay từ đầu năm, Chi cục QLTT đã triển khai, quán triệt nhiều văn bản của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công thương, UBND tỉnh và Sở Công thương về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại cho các đơn vị kiểm tra, kiểm soát thị trường; trong đó tập trung quản lý các mặt hàng như: thuốc lá, thực phẩm chức năng, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi… Chi cục mở đợt cao điểm kiểm tra an toàn thực phẩm, đấu tranh buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả nhằm tạo hiệu quả tổng hợp trong công tác kiểm tra và xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai các kế hoạch, phương án điều tra, trinh sát nhằm phát hiện, bắt quả tang các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại. Thường xuyên tổ chức thanh tra việc chấp hành các quy định của các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn về kinh doanh và thương mại; phối hợp với các ngành chức năng, y tế, UBND các huyện… tích cực tuyên truyền pháp luật và tổ chức ký cam kết không vi phạm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại cho các cơ sở, hộ kinh doanh. Các đội QLTT tăng cường theo dõi, nắm bắt thị trường tránh tình trạng khan hiếm hàng hóa, sốt giá và những biến động bất ngờ; điều tra, rà soát và thống kê tất cả thương nhân trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý.
Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm, từ đầu năm đến nay, Chi cục QLTT đã kiểm tra gần 1.700 vụ; phát hiện và lập hồ sơ vi phạm hành chính gần 860 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 680 triệu đồng, trong đó có 3 vụ buôn lậu, 5 vụ buôn hàng cấm, gần 280 vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm... Lực lượng QLTT còn phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra trên 800 cơ sở kinh doanh, xử phạt vi phạm hành chính 19 cơ sở; tổ chức tuyên truyền, vận động trên 600 cơ sở ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, gian lận thương mại, hàng giả…
Dự báo, những tháng cuối năm, mức luân chuyển hàng hoá sẽ tăng cao, là điều kiện thuận lợi để các đối tượng lợi dụng tiêu thụ các loại hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng và thực hiện các hành vi gian lận thương mại. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, Chi cục QLTT tỉnh chỉ đạo đội QLTT các huyện, thành phố, Đội QLTT cơ động làm tốt công tác phối hợp đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, tàng trữ, lắp ráp, sang chiết, đóng gói, kinh doanh hàng giả góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lợi ích của nhà sản xuất và lợi ích của Nhà nước./.
Phạm Quang