Nợ công dự kiến lên 2,7 triệu tỷ đồng năm 2015: Xử lý thế nào?

Thứ Năm, 05/11/2015, 22:11 [GMT+7]

Đại biểu Quốc hội chỉ rõ nguyên nhân đồng thời đưa ra giải pháp nhằm kiềm chế tốc độ nợ công trước những dấu hiệu mất an toàn.

Lo lắng về tốc độ nợ công tăng nhanh, Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) dẫn chứng: Nợ công năm 2010 so với năm 2009 tăng 27%, các năm tiếp theo năm nào cũng tăng và tăng cao, lần lượt là 24,8%; 18,4% và 17,9%. Đặc biệt, sức ép trả nợ ngày càng tăng bắt đầu từ năm 2012, khi nước ta đã phải đi vay để đảo nợ. Con số vay mới này cũng ngày càng lớn, năm 2014 là 70.000 tỷ đồng và năm 2015 đã gần gấp đôi tức là 130.000 tỷ đồng.

Một dấu hiệu không an toàn theo Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng là, khi sử dụng ngân sách để trả nợ công theo kinh nghiệm quốc tế phải ở mức dưới 25% tổng thu ngân sách thì mới trong ngưỡng an toàn, nhưng theo thông tin trên báo chí, chúng ta đã phải dành đến 31,9% tổng thu ngân sách để dành cho việc trả nợ.

Nợ công đạt mức 2,7 triệu tỷ đồng trong năm 2015?

Khẳng định tốc độ nợ công của nước ta tăng rất nhanh, bình quân trong 5 năm tăng khoảng 20%/năm, từ khoảng 1,3 triệu tỷ đồng năm 2011 lên đến dự kiến 2,7 triệu tỷ đồng năm 2015, Đại biểu Trần Văn (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) chỉ rõ, từ năm 2013 trở lại đây nước ta đã không cân đối được đủ nguồn để trả lãi và nợ gốc các khoản vay của Chính phủ đến hạn phải trả, trong khi đó vẫn phải vay nợ mới để trả cho một phần nợ cũ với giá trị năm sau cao hơn năm trước.

“Nếu 2013 lần đầu tiên chúng ta phải vay để đảo nợ là 40.000 tỷ USD thì năm 2014 là 77.000 tỷ USD, năm 2015 là 125.000 tỷ USD. Qua tiếp xúc với cử tri, tôi thấy người dân đang đặc biệt quan tâm đến vấn đề cân đối Ngân sách Nhà nước (NSNN), khó có thể nói mọi việc đều suôn sẻ khi nợ đến hạn chúng ta không trả được, phải cơ cấu lại nợ theo hướng kéo dài thời gian trả nợ”, Đại biểu Trần Văn lo ngại.

1
Đại biểu Trần Văn (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho biết nợ công tăng bình quân trong 5 năm khoảng 20%/năm. (Ảnh: media.quochoi.vn)

 

Mặc dù theo báo cáo của Chính phủ, để dẫn tới tình trạng NSNN rơi vào hoàn cảnh khó khăn như hiện nay có những yếu tố chủ quan từ tình hình kinh tế, yếu tố khách quan từ tình hình kinh tế thế giới, chiến tranh xung đột, giá dầu thô giảm mạnh nhưng chủ yếu là do những nguyên nhân chủ quan.

Theo Đại biểu Trần Văn, việc Chính phủ tăng chi đầu tư chủ yếu bằng nguồn vốn vay, chưa phải là tích lũy của nền kinh tế, do đó dần trở thành gánh nặng của NSNN. Trong khi chi thường xuyên không giảm do bộ máy nhà nước cồng kềnh, năng lực quản lý nhà nước, năng lực công vụ các bộ công chức chậm được cải thiện, thủ tục hành chính rườm già, rắc rối, lễ hội nặng nề, tốn kém.

“Trong nhiều năm liền tốc độ tăng thu NSNN luôn nhỏ hơn tốc độ tăng chi NSNN, điều này tạo áp lực trong cân đối NSNN, việc ban hành các chính sách mới khi chưa cân đối được nguồn lực thực hiện dẫn đến nợ chính sách có tác động ngược lại làm giảm niềm tin của người dân”, Đại biểu Trần Văn nói.

Theo dự kiến của Chính phủ, trong các năm tới việc cân đối NSNN tiếp tục khó khăn, do đó việc cơ cấu lại NSNN giữa chi thường xuyên, chi trả nợ, chi đầu tư phát triển nâng cao hiệu quả đầu tư để có khả năng trả nợ sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính quốc gia, tăng cường huy động các nguồn vốn xã hội, đầu tư theo hình thức hợp tác công tư là rất quan trọng, nhất là trong gia đoạn chúng ta đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể với nền kinh tế một trong ba khâu đột phá là tái cơ cấu đầu tư công.

Chính phủ cũng đã từng báo cáo với Quốc hội về mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ bội chi NSNN để đến năm 2015 về dưới mức 4,5% GDP theo nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Chính phủ luôn đặt mục tiêu điều chỉnh giảm dần chi thường xuyên, tăng dần tỷ trọng cho chi đầu tư phát triển với lộ trình phù hợp để cơ cấu NSNN vững chắc đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Tuy nhiên theo Đại biểu Trần Văn, những mục tiêu này có vẻ như khó thực hiện, nếu chúng ta cứ tiếp tục theo đà vay mượn triền miên mà không tự vươn lên tích lũy để phát triển. Bởi vì có vay là phải có trả, trả lúc nào, trả bao nhiêu đã được xác định trong khế ước vay nợ.

Đóng băng mức bội chi và biên chế trong 3 năm

Đề xuất giải pháp cho việc kiềm chế tốc độ nợ công, Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đề nghị Chính phủ cần tăng cường hơn nữa kỷ cương trong đầu tư, kỷ luật tài chính. “Cần thống kê đầy đủ, chính xác các khoản nợ công và nợ có tính chất công, giám sát chặt chẽ việc sử dụng, hiệu quả sử dụng vốn, nhất là vốn đi vay và cũng chuẩn bị phương án để khi chúng ta kịch trần nợ công để không bị lúng túng”, Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng thẳng thắn đề xuất.

1
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) đề nghị Chính phủ cần tăng cường hơn nữa kỷ cương trong đầu tư, kỷ luật tài chính.

 

Ngoài các giải pháp đã nêu trong báo cáo của Chính phủ đề xuất của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Đại biểu Trần Văn đề nghị Quốc hội, Chính phủ có thể xem xét tạm đóng băng mức bội chi NSNN 254.000 tỷ đồng của năm 2016 cho 3 năm kế tiếp, thay vì tăng hàng năm theo tỷ lệ phần trăm so với GDP để giảm dần tỷ lệ bội chi NSNN so với GDP khi xây dựng kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn và mục tiêu định hướng vay và trả nợ quốc gia 5 năm 2016 -2020.

Đại biểu Trần Văn cũng đưa ra phương án tạm đóng băng biên chế bộ máy quản lý nhà nước trong 3 năm để đánh giá, xác định lại vị trí việc làm của cán bộ, công chức đồng thời tiến đến giảm mạnh biên chế vào các năm tiếp theo. Song song với lộ trình cải cách hành chính và thực hiện Chính phủ điện tử, dừng tuyệt đối xây dựng các dự án không thật cần thiết, không trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Định hướng tích cực này phải được thể hiện trong các kế hoạch 5 năm về kinh tế - xã hội, về tài chính công, đầu tư công và nợ công để Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII vào tháng 3/2016.

Thực hiện những điều này theo Đại biểu Trần Văn là để cân đối NSNN một cách tích cực hơn, làm chậm lại tốc độ tăng nợ công, giảm dần vay đảo nợ theo nghị quyết của Quốc hội, đảm bảo ổn định vĩ mô an ninh tài chính quốc gia.

“Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải tự giác, thắt lưng buộc bụng trước khi bị buộc phải thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu của các định chế tài chính nước ngoài. Không thể để cho NSNN lâm vào thế bị động như hiện nay khi chúng ta cứ phải tìm mọi cách để cân đối, kể cả bán đi những tài sản đang sinh lời, phải vay nợ mới để trả nợ cũ, vay nước ngoài để trả nợ trong nước, phải huy động cả cổ tức của doanh nghiệp nhà nước để đưa vào cân đối NSNN. Vị thế uy tín quốc gia, sự ổn định vĩ mô, môi trường kinh doanh và quan trọng nhất là an ninh tài chính quốc gia tùy thuộc rất nhiều vào cách chúng ta giải quyết vấn đề cân đối ngân sách và nợ công”, Đại biểu Trần Văn bày tỏ tâm huyết của mình./.

 

Theo VOV
 

.