Những chuyển biến từ công tác xóa đói giảm nghèo ở huyện Mường Nhé
Điện Biên TV - Trong thời gian qua, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Mường Nhé đã đạt được những kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 77,8% năm 2010 xuống còn 45% năm 2015, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Mường Nhé là huyện biên giới đặc biệt khó khăn, huyện có 11 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 6 xã biên giới, với 96 bản, cụm dân cư, hơn 3,6 vạn dân. với 10 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm đa số với 73,17%, dân tộc Thái 8,15%, Hà Nhì 6,42% và Dao 5,44%, còn lại là các dân tộc khác như: Kinh, Khơ mú, Cống, Si la, Sán chỉ, Xạ phang…chiếm 6,82%.
Thực hiện cam kết với Chính phủ trong việc hỗ trợ các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã hỗ trợ huyện Mường Nhé 25 tỷ đồng. |
Trong 5 năm qua, huyện Mường Nhé đã triển khai lồng ghép và phát huy có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn như: Đầu tư, nâng cấp và mở rộng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Huyện đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các Chương trình, đề án phát triển kinh tế xã hội đối với các xã đặc biệt khó khăn như (Chương trình 30a, 135, 134, 141, 167, đề án 79…); trong đó hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo đảm bảo có nhà ở (về mái cứng, khung cứng và nền cứng) với tổng kinh phí là 30.567,4 triệu đồng theo Chương trình 167; hỗ trợ thông qua khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và gia đất để trồng rừng sản xuất là 7.152,65 triệu đồng; hỗ trợ về phát triển sản xuất bao gồm đất sản xuất, vật tư sản xuất, giống cây trồng và chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi là 31.500,02 triệu đồng theo Chương trình 30a; hỗ trợ có hiệu quả các mô hình trong hoạt động khuyến nông với tổng kinh phí là 4,476 tỷ đồng
Các dự án thành phần ổn định dân cư theo Đề án 79; các công trình giao thông, thủy lợi; đầu tư, hỗ trợ phát triển ngành nghề, phát triển nông-lâm nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, mở rộng tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo (tổng số tiền cho vay 65.340 triệu đồng); chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ đặc biệt khó khăn là dân tộc thiểu số, dạy nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ về y tế, giáo dục..v..v đã đạt được những kết quả dáng khích lệ
Để triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ cho người nghèo từ ngân sách nhà nước được thuận lợi, hiệu quả, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp luôn chú trọng tăng cường công tác kết nạp đoàn viên, hội viên, đặc biệt đối với hội viên, đoàn viên trong các hộ nghèo, vùng sâu, vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS (có trên 80% hộ nghèo có người được kết nạp vào các tổ chức đoàn thể, 100% hộ nghèo được vào các tổ vay vốn).
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể các cấp cùng phối hợp phát động nhiều phong trào, vận động các đơn vị, tổ chức, cán bộ, nhân dân tham gia xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, “Mái ấm công đoàn”, “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”....; tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm và hỗ trợ phát triển ngành nghề truyền thống, hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới.
Bên cạnh các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo được triển khai thực hiện nhiều năm qua, từ năm 2011, Huyện ủy, UBND huyện đã tích cực chỉ đạo, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Cùng với các nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp, huyện Mường Nhé đã huy động sự chung tay góp sức của nhân dân trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đã huy động được hàng nghìn ngày công, hiến hàng chục nghìn mét vuông đất, hàng trăm triệu đồng/năm từ nhân dân để hoàn thành nhiều tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Đến tháng 6/2015 có 1 xã đạt 5 tiêu chí, 3 xã đạt 4 tiêu chí, 7 xã đạt 3 tiêu chí.
Ông Lù Văn Thanh, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND Huyện Mường Nhé, phấn khởi cho biết: “Có thể nói, công tác giảm nghèo đã được cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và nhân dân trong toàn huyện tích cực tham gia thực hiện, tạo sự chuyển biến về nhận thức tự vươn lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình từ 4-5%/năm. Đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo đã cố gắng tự học nghề, tự tìm tòi học tập kinh nghiệm trong sản xuất, tự tạo việc làm để vươn lên thoát nghèo. Các chính sách, dự án về giảm nghèo đã được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, phủ rộng trên địa bàn toàn huyện. Người nghèo ngày càng được tạo điều kiện tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội như: Y tế, giáo dục, văn hóa, tín dụng… Bộ mặt nông thôn tiếp tục có nhiều đổi mới về mọi mặt, đặc biệt các xã nghèo, khó khăn đã có sự thay đổi đáng kể, nhất là về cơ sở hạ tầng và việc tổ chức phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Người dân đã biết lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp, gắn với yếu tố thị trường, mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng giống mới, công nghệ mới vào sản xuất”.
Hiện Mường Nhé đã có 11/11 xã có đường ô tô đến trung tâm xã phục vụ giao thông đi lại bốn mùa cho Nhân dân, 87/93 thôn, bản, cụm dân cư có đường giao thông liên Thôn, liên bản (trong đó có 76/93 bản có đường ô tô) |
Với sự vào cuộc của cả hệ thông chính trị và sự nỗ lực vươn lên của Nhân dân các dân tộc, trong 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Mường Nhé đã giảm đáng kể giảm từ 77,8% năm 2010 xuống còn 45% năm 2015; trung bình mỗi năm giảm 6,56% hộ nghèo (cao hơn mức bình quân của tỉnh 1,16%), phấn đấu đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5-6%/năm trở lên trong giai đoạn 2016-2020, đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 20%. Mường Nhé đang trên đà đổi mới, diện mạo về Kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục có sự phát triển ngày một bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng lên. Hiện 10/11 xã trong huyện đã có điện lưới quốc gia; 11/11 xã có đường ô tô đến trung tâm xã phục vụ giao thông đi lại bốn mùa cho Nhân dân, 87/93 thôn, bản, cụm dân cư có đường giao thông liên Thôn, liên bản (trong đó có 76/93 bản có đường ô tô); có 32 Trường học (trong đó có 6 trường đạt chuẩn quốc gia, 100% các bản có lớp học mầm non).
Trong thời gian tới, huyện Mường Nhé tiếp tục huy động các nguồn lực về vốn, lao động; thực hiện triển khai lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách an sinh xã hội; trong đó, tập trung đầu tư nhằm phát huy các lợi thế của từng địa bàn xã, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho người dân, đưa kinh tế huyện ngày càng phát triển ngày một bền vững./.
Phong Lâm
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Điện Biên