Điện Biên: Nhiều thách thức trong xóa đói giảm nghèo
Điện Biên TV - Kết quả xóa đói giảm nghèo tại các địa phương trong toàn tỉnh thời gian qua đạt được những bước tiến đáng kể. Song trên thực tế là tỉnh nghèo, hơn 90% chi ngân sách hàng năm của Điện Biên do Trung ương hỗ trợ nên công cuộc xóa đói giảm nghèo gặp không ít khó khăn, thách thức…
Người dân phường Sông Đà, TX. Mường Lay trồng nấm rơm phát triển kinh tế, XĐGN. |
Qua phân tích nguyên nhân đói nghèo và tỷ lệ hộ nghèo chia theo khu vực cho thấy, hơn 97% số hộ nghèo ở địa bàn nông thôn. Chính vì vậy, không chỉ phối hợp chặt chẽ với các các sở, ban, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động giúp người nghèo thay đổi nhận thức, tích cực vươn lên xóa đói giảm nghèo, thời gian qua Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo các cấp trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải thiện điều kiện sản xuất và nâng cao đời sống, tạo việc làm cho người lao động khu vực nông thôn, nhất là vùng đặc biệt khó khăn. Từ năm 2011 - 2015, toàn tỉnh huy động 11.803,5 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách Trung ương, địa phương và các đơn vị doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội...) để thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo.
Sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, các chương trình, dự án giảm nghèo triển khai thực hiện tại các địa phương phát huy hiệu quả góp phần nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là người nghèo. Giai đoạn 2011 - 2015, từ dự án 2, Chương trình 135/CP (hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn bản đặc biệt khó khăn), với tổng số vốn trung ương phân bổ 565,44 tỷ đồng, ngoài đầu tư xây mới 425 công trình xây dựng; duy tu, sửa chữa 48 công trình, dự án tăng cường hỗ trợ các hoạt động khuyến nông - khuyến lâm - khuyến ngư - khuyến công. Qua đó người dân được hỗ trợ hàng nghìn công cụ lao động, máy móc, thiết bị chế biến sản phẩm nông nghiệp; xây dựng gần 100 mô hình trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ hơn 17 tấn lúa, 4.500 tấn ngô lai giống; 289.686 cây ăn quả; 830 con trâu, bò sinh sản; trên 66,4 tấn phân bón các loại…
Hay thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, từ nguồn ngân sách Trung ương 1.131 tỷ đồng, tỉnh ta cũng bố trí ngân sách hơn 283 tỷ đồng để lồng ghép hỗ trợ và nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, lồng ghép vốn từ các chương trình, dự án khác, đến nay đời sống nhân dân các huyện nghèo được thụ hưởng theo Nghị quyết được cải thiện và dần nâng cao... Các chính sách đúng đắn, kịp thời đó và những nỗ lực kiên trì cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo của tỉnh kích thích, khơi dậy ý chí, năng lực vươn lên thoát nghèo của nhân dân, giúp một bộ phận không nhỏ người nghèo thoát đói nghèo. Minh chứng cho điều đó là tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 50,01% (năm 2010) dự ước xuống còn 28,01% năm 2015 (giảm 22% với 18.844 hộ thoát nghèo); tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 4,4%/năm. Riêng tỷ lệ hộ nghèo tại 5 huyện nghèo giảm nhanh từ 70,44% (năm 2010) dự ước xuống còn 41,03% năm 2015 (bình quân giảm 5,88%/năm), góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, tạo niềm tin của nhân dân vào các chính sách của Đảng, Nhà nước.
Ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó trưởng Ban chỉ đạo Giảm nghèo tỉnh cho biết: Đạt được những con số ấn tượng về kết quả giảm nghèo ngoài nhờ tổ chức thực hiện các chương trình, dự án hiệu quả, Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp trong tỉnh tăng cường công tác điều tra, rà soát nắm chắc thực trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo theo từng năm để có biện pháp trợ giúp người nghèo phù hợp, sát với điều kiện thực tế địa phương. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững gặp không ít khó khăn, thách thức do một số cơ chế chính sách và biện pháp trợ giúp xóa đói giảm nghèo chưa phù hợp, còn mang tính bao cấp làm nảy sinh tư tưởng trông chờ, ỷ nại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Theo phân tích của ông Nghị, các chính sách giảm nghèo được ban hành dựa trên cơ sở phân tích nguyên nhân đói nghèo song chưa thực sự dựa trên nhu cầu của đối tượng cần được hỗ trợ. Nhiều chính sách giảm nghèo được ban hành từ trước chưa căn cứ đầy đủ vào khả năng bảo đảm các nguồn lực, vào nhu cầu giảm nghèo được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên của từng lĩnh vực, của từng địa bàn phù hợp với nguồn lực; phần nhiều được “thiết kế” theo mục tiêu, chỉ tiêu nguồn vốn cao, nhu cầu nguồn lực lớn, nhưng nguồn đảm bảo thực tế rất thấp. Ông Nghị lấy ví dụ, nguồn lực huy động cho phát triển lâm nghiệp thời gian qua rất hạn chế, mức hỗ trợ đầu tư cho trồng rừng, bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng thấp, chưa phù hợp nên chưa tạo thu nhập đảm bảo cuộc sống của người dân.
Diện tích đất chưa có rừng chủ yếu xa khu dân cư, không có đường giao thông; khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm manh mún, thị trường nhỏ lẻ… dẫn đến việc bảo vệ và phát triển rừng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sự chồng chéo của hệ thống chính sách giảm nghèo đã và đang cản trở hiệu quả việc thực hiện chính sách, mục tiêu giảm nghèo. Thời gian qua, số lượng chính sách ban hành nhiều, khó kiểm soát, một số địa bàn, một số đối tượng cùng một lúc được hưởng nhiều chính sách (hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi…) dẫn đến tình trạng trùng lắp chính sách, phân tán nguồn lực, khó lồng ghép, chi phí cho khâu trung gian tăng lên, không hướng đúng vào mục tiêu giảm nghèo. Tính bao cấp trong nhiều chính sách giảm nghèo tăng lên chưa hợp lý, hỗ trợ nhiều bằng tiền mặt hoặc hiện vật, hỗ trợ không kèm theo điều kiện ràng buộc cụ thể làm nảy sinh tình trạng chông chờ, ỷ nại không muốn thoát nghèo của một bộ phận hộ nghèo… Những hạn chế, tồn tại trên khiến tình trạng thoát nghèo tại các địa phương trong toàn tỉnh chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao, đặc biệt là khi các chương trình, dự án giảm nghèo kết thúc.
Minh Thùy