Bộ máy hành chính cồng kềnh gây tốn kém, lãng phí ngân sách bao nhiêu?
Đại biểu Quốc hội cho rằng, một số khoản tiết kiệm chi được nêu lên rất rõ nhưng không hề diễn ra trong thực tiễn.
Dự toán bội chi ngân sách năm 2016 Chính phủ trình Quốc hội sẽ ở mức 4,95% GDP giảm 0,05% so với dự toán năm 2015, nhưng quy mô nền kinh tế lớn hơn nên số tuyệt đối là 254.000 tỷ đồng, cao hơn năm 2015 là 28.000 tỷ đồng.
Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, việc chi ngân sách vẫn còn nhiều bất cập, ngân sách vẫn còn được chi khá nhiều cho việc tổ chức lễ hội, sự kiện, công tác nước ngoài... Trong khi đó chi cho đầu tư phát triển, nhất là chi xây dựng cơ bản, các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn tình trạng dàn trải, thiếu trọng tâm trọng điểm nên hiệu quả không cao, thậm chí còn lãng phí.
Tiết kiệm chi không có trong thực tế
Bàn về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn ĐBQH TP HCM) nói rằng, tình hình căng thẳng NSNN không phải là mới và vấn đề tiết kiệm chi, chống lãng phí vẫn được Quốc hội đề cập hoặc được nêu trong các Nghị quyết, các giải pháp của Chính phủ. Trong đó, một số khoản tiết kiệm chi được nêu lên rất rõ nhưng không hề diễn ra trong thực tiễn.
“Trong báo cáo của Chính phủ nêu rất khái quát là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tập trung chỉ đạo và chuyển biến tích cực. Nhưng thực tế có thực sự chuyển biến tích cực hay không và chuyển biến tích cực ở điểm cụ thể nào là vấn đề Bộ Tài chính có thể cần phải giải trình thêm”, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn ĐBQH TP HCM) bày tỏ những bất cập trong lãng phí ngân sách. |
Cũng theo bà Tâm, trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 12 nêu lên nạn tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng, nhưng để đánh giá thực chất vấn đề này cho đúng thực tiễn đất nước ta trong sử dụng ngân sách thì rõ ràng chưa đưa ra được. Trong báo cáo tình hình thực hiên ngân sách, Chính phủ cũng không nêu ra các giải pháp tiết kiệm chống lãng phí nên sẽ không biết kết quả thực hiện như thế nào.
Đồng thời, bà Tâm cũng cho biết, khi tiếp xúc cử tri và tiếp công dân, cử tri bất bình về tình trạng lãng phí. Đặc biệt khi nói về lãng phí, cử tri luôn đặt ra chùm vấn đề về tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu người dân. “Đây là vấn đề không chỉ làm cho người dân bức xúc, nó còn thể hiện sự bất bình trong điều hành, quản lý ngân sách, quản lý nhà nước”, bà Tâm bày tỏ.
Từ thực tiễn này bà Tâm cho rằng, tình hình lãng phí, thực hành tiết kiệm chưa có đánh giá nào mang tính chất toàn diện. Báo cáo nêu ra các giải pháp cũng như tình hình thực hiện, nhưng chỉ nêu trong mấy vấn đề như bộ máy cồng kềnh, chức năng trùng lặp... nhưng bộ máy cồng kềnh như vậy đã gây ra tốn kém bao nhiêu thì chưa có đánh giá cụ thể.
Hoặc như trong các báo cáo đã nêu, lãng phí là nguyên nhân gây ra căng thẳng ngân sách, nhưng nói là lãng phí bao nhiêu, lãng phí ở đâu, lãng phí như thế nào không báo cáo nào nói được. “Chính vì chúng ta không có giải pháp khả thi nên tình trạng lãng phí vẫn cứ tiếp tục”, bà Tâm thẳng thắn nhìn nhận.
Do đó, bà Tâm tha thiết đề nghị Quốc hội dành một phiên họp chuyên đề để nghe Chính phủ báo cáo quá trình kiểm tra, đánh giá về lãng phí, thực hành tiết kiệm trong thực tế. Từ đó Quốc hội sẽ đánh giá được tình hình, phân tích một cách đầy đủ các nguyên nhân dẫn đến lãng phí. Bởi vì thực ra lãng phí là tiêu tốn nguồn lực của người dân, chi ngân sách lãng phí từ tiền thuế của người dân, theo bà Tâm sẽ là rất nguy hiểm.
“Tôi cho rằng cần có phiên họp của Quốc hội về vấn đề lãng phí. Nếu như kỳ họp vào tháng 3 tới chúng ta dành một buổi nghe vấn đề này thì sẽ rất có ích để đưa ra những quyết sách. Dù có thể trong nhiệm kỳ này chưa thực hiện được, nhưng cho những nhiệm kỳ sau có thể thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí thực chất”, bà Tâm đề nghị.
Lấy một ví dụ nhỏ về sự lãng phí chính từ chính cuốn sổ ghi chép của các Đại biểu Quốc hội, bà Tâm bộc bạch: “Mỗi kì họp các Đại biểu Quốc hội đi họp đều được phát một cuốn sổ ghi chép, nhưng trong suốt cả một kỳ họp, các đại biểu có sử dụng hết cuốn sổ và sử dụng cho đến kỳ họp sau hay không?”.
Cần công khai tất cả các khoản chi tiêu
Cùng bày tỏ về vấn đề tiết kiệm chi tiêu ngân sách, Đại biểu Bùi Thị An (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) đề nghị Quốc hội nên lấy năm 2016 là năm tiết kiệm và kỷ cương hành chính.
“Nếu ta coi tham nhũng là giặc thì lãng phí sẽ là kẻ thù. Đã là kẻ thù thì phải xử lý, kẻ thù này rất nguy hiểm vì nó ở ngay chính trong ta. Hiện đất nước chúng ta còn rất nghèo, nếu theo như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói thì hiện chúng ta chỉ còn 45.000 tỷ đồng trong khi chúng ta có rất nhiều nhu cầu. Vì vậy, tôi đề nghị phải lấy tiết kiệm, chống lãng phí là chỉ tiêu thi đua cho năm 2016”, bà An kiến nghị.
Theo bà An đề xuất, nếu địa phương nào cắt giảm được nhiều chi tiêu thường xuyên không cần thiết, ví dụ tiết kiệm không mua sắm xe công không đủ tiêu chuẩn, không tổ chức nhiều lễ hội lãng phí, không xây trụ sở hoành tráng, bộ máy và biên chế tinh giảm, cắt được bớt những chuyến đi nước ngoài không cần thiết… đề nghị sẽ có thưởng. “Cũng để làm tốt được vấn đề chống lãng phí, tôi đề nghị công khai minh bạch tất cả các khoản chi tiêu của Chính phủ”, bà An nói./.
Theo VOV