TPP và những thắc mắc thường gặp
TPP trở thành hiệp định mang tính bước ngoặt của thế kỷ 21, tạo ra tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu theo hướng tự do hóa.
Từ ngày 30/9 đến ngày 4/10/2015, Bộ trưởng phụ trách thương mại của 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Mỹ đã họp tại Atlanta, Hoa Kỳ, để tìm kiếm thỏa thuận nhằm kết thúc toàn diện đàm phán.
Sau 5 ngày đàm phán, kéo dài hơn dự kiến ban đầu 3 ngày, các Bộ trưởng đã đạt thoả thuận về tất cả các vấn đề còn tồn tại, trong đó có những vấn đề quan trọng như mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ, các quy định về lao động, doanh nghiệp nhà nước..., và chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định TPP - hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực đầu của thế kỷ 21.
Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản đối với hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên tham gia hiệp định. |
Sau đây là những thắc mắc thường gặp về TPP được đăng tải trên trang Ctvnews của Canana – một quốc gia thành viên của TPP:
Những quốc gia nào có tên trong TPP? Brunei, Chile, New Zealand và Singapore khởi xướng hiệp định này cách đây nhiều năm. Sau đó, Mỹ, Canada, Mexico, Nhật Bản, Việt Nam, Australia, Peru và Malaysia đăng ký tham gia, nâng tổng số thành viên TPP lên 12. Một số quốc gia khác cũng đang “nhòm ngó” là Colombia, Thái Lan và Hàn Quốc.
TPP lớn cỡ nào? 12 thành viên TPP tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất hành tinh, trải rộng ra cả 4 châu lục, chiếm 40% GDP của thế giới, và đóng góp 26% lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu.
TPP quan trọng hơn cả EU? Liên minh Châu Âu (EU) là một khối liên kết không biên giới cho cả người dân và hàng hóa trong khu vực này. Với TPP, phạm vi sẽ rộng hơn, các quy định sẽ được đơn giản hóa, và các hàng rào thuế quan sẽ dần được dỡ bỏ ở một khu vực rộng lớn hơn.
TPP làm được gì? TPP sẽ giúp giảm, thậm chí là xóa bỏ, hàng rào thuế quan giữa các quốc gia là thành viên của hiệp định này. Thuế nhập khẩu sẽ dần được dỡ bỏ theo lộ trình đối với các loại hàng hóa khác nhau, bao gồm máy móc, xe hơi, thực phẩm, nông-lâm sản... TPP cũng sẽ tạo ra các quy định mới về nền kinh tế “kỹ thuật số”, làm hạn chế quyền của chính phủ trong việc điều chỉnh các dòng dữ liệu.
Tại sao TPP lại quan trọng? TPP cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế về căn bản đối với tất cả thương mại hàng hóa, dịch vụ và điều chỉnh toàn bộ các lĩnh vực về thương mại trong đó có thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư nhằm tạo ra các cơ hội và lợi ích mới cho doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng của các nước thành viên. TPP tạo thuận lợi cho việc phát triển sản xuất và dây chuyền cung ứng, cũng như thương mại không gián đoạn, đẩy mạnh tính hiệu quả và hỗ trợ thực hiện mục tiêu về tạo việc làm, nâng cao mức sống, thúc đẩy các nỗ lực bảo tồn và tạo thuận lợi cho việc hội nhập qua biên giới cũng như mở cửa thị trường trong nước. TPP thúc đẩy việc đổi mới, năng suất và tính cạnh tranh thông qua việc giải quyết các vấn đề mới, trong đó bao gồm việc phát triển nền kinh tế số và vai trò ngày càng tăng của các doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế toàn cầu.
TPP gặp trở ngại gì? Lợi ích mà TPP mang lại dành cho những quốc gia nào biết tận dụng các hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Nếu doanh nghiệp trong nước chưa đủ mạnh, sức cạnh tranh yếu sẽ dễ bị “mất sân” trên lãnh thổ của mình. Một số thành viên TPP vẫn còn bất đồng quan điểm về việc mở cửa thị trường sữa, bảo hộ dữ liệu, mức thuế đối với linh kiện xe hơi...
TPP đã hoàn tất chưa? Về cơ bản, đàm phán TPP giữa 12 quốc gia đã được hoàn tất. Tuy nhiên, hiệp định này vẫn phải được chính phủ ở từng quốc gia thành viên phê chuẩn trước khi chính thức có hiệu lực.
Khi nào có văn bản đầy đủ của TPP? Hiện tại, TPP vẫn đang trong quá trình dự thảo và cần phải được thống nhất trước khi ban hành thành các quy định chính thức để tất cả 12 quốc gia thành viên cùng phải thực hiện.
Mục tiêu chính của TPP là gì? TPP nhằm xóa bỏ các loại thuế và rào cản đối với hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên tham gia hiệp định./.
Theo VOV