Thu hồi hàng loạt dự án trồng rừng tiến độ "rùa"

Chủ Nhật, 09/08/2015, 09:13 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trồng rừng sản xuất luôn được tỉnh ta quan tâm, mời gọi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư. Tuy nhiên, thực trạng đáng buồn là dù được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhiều năm nhưng hàng loạt dự án trồng rừng hoặc là chậm tiến độ hoặc vẫn “nằm” trên giấy, bị buộc thu hồi.

Chậm tiến độ!

Trong số 18 dự án trồng rừng đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đến thời điểm này chỉ có 4 dự án triển khai thực hiện, nhưng đều chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Điển hình như: Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại An Thành Điện Biên được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư trồng rừng kinh tế An Thành từ ngày 11/1/2012 chia thành nhiều chu kỳ. Trong đó, riêng chu kỳ I (từ năm 2012 – 2014) cam kết thực hiện trồng mới 1.600ha, sau đó tiếp tục triển khai chu kỳ II. Vùng triển khai dự án là thị trấn Điện Biên Đông (huyện Điện Biên Đông) và 2 xã Nà Nhạn, Nà Tấu (huyện Điện Biên). Sau hơn 3 năm được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đến nay doanh nghiệp chưa trồng được cây nào. Lý giải điều này, phía lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng: Ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Công ty đã thành lập ban quản lý dự án; tích cực làm việc với chính quyền thị trấn Điện Biên Đông (vùng dự án) để thông qua phương án hợp tác với người dân; đề nghị chính quyền cơ sở phối hợp tuyên truyền, vận động bà con tham gia góp đất trồng rừng, nhưng không được sự ủng hộ vì lý do người dân đưa ra là diện tích đất nương có ít phải để sản xuất lấy lương thực! Không thành công trong mùa trồng rừng đầu tiên, năm 2013, doanh nghiệp làm việc với chính quyền xã Nà Tấu, Nà Nhạn vận động, thống nhất phương án liên kết trồng rừng với người dân. Tuy nhiên, khi người dân nơi đây đã nhất trí góp đất liên kết với doanh nghiệp trồng rừng, nhưng phía doanh nghiệp cho rằng do thời tiết năm 2013 không thuận lợi, nắng nóng kéo dài, thời điểm trồng rừng trùng vào vụ sản xuất nên chưa thể triển khai. Đến nay, thêm 2 mùa trồng rừng nữa qua đi, doanh nghiệp này vẫn chưa thể trồng rừng, dù chỉ một cây!

v
Công nhân Công ty Cổ phần Macadamia tỉnh Điện Biên chăm sóc cây giống tại vườn ươm ở xã Tà Lèng (TP. Điện Biên Phủ).

 

Hai dự án: Trồng rừng nguyên liệu gỗ tại xã Si Pa Phìn và Phìn Hồ (huyện Mường Chà nay thuộc huyện Nậm Pồ) do Công ty Cổ phần Lâm Biên làm chủ đầu tư; Dự án đầu tư trồng rừng kinh tế kết hợp với trồng cây mắc ca tại các xã Phình Sáng, Pú Nhung, Quài Nưa và Quài Cang (huyện Tuần Giáo) do Công ty Cổ phần Macadamia tỉnh Điện Biên thực hiện, dù được đánh giá là khả quan, song cũng vẫn là tiến độ “rùa bò”. Theo cam kết, giai đoạn 2009 - 2014, Công ty Cổ phần Lâm Biên sẽ trồng mới 2.500ha rừng cây keo tai tượng và trẩu, thì kết quả kiểm tra của đoàn liên ngành: Kế hoạch đầu tư, Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Nậm Pồ cuối năm 2014 cho thấy: Công ty mới trồng được 120ha! Còn đối với Công ty Cổ phần Macadamia tỉnh Điện Biên thực hiện dự án với tổng diện tích quy hoạch 4.009ha, nhưng sau 3 năm được cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng mới trồng được 50ha mắc ca và xây dựng vườn ươm giống mắc ca với quy mô từ 50.000 - 100.000 cây giống/năm (nhưng diện tích vườn ươm nằm ngoài vùng dự án được UBND tỉnh phê duyệt).

Thu hồi hàng loạt dự án

Liên quan đến vấn đề cấp giấy chứng nhận đầu tư và thu hồi đối với các dự án trồng rừng trên địa bàn thời gian qua, ông Hoàng Tiến Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong tổng số 18 dự án trồng rừng đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, thì có 5 dự án bị thu hồi trước năm 2015 do không triển khai dự án đúng tiến độ theo quy định và không có khả năng thực hiện dự án đầu tư. Các dự án còn lại vẫn không khả quan hơn khi nhiều lần Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở, ngành liên quan tiến hành kiểm tra tiến độ thực hiện dự án; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhưng không ít doanh nghiệp không đến làm việc cũng không có báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện. Bên cạnh đó, chủ đầu tư nhiều dự án trồng rừng sản xuất cư trú ngoại tỉnh, phần lớn không có văn phòng đại diện tại tỉnh như: Công ty Cổ phần Vận tải và Xây dựng Trung Tiến, Công ty Cổ phần An Thiên Nhiên, Công ty Cổ phần Dương Tri Tôn… gây khó khăn cho các cơ quan chức năng của tỉnh trong việc liên hệ, chỉ đạo thực hiện.

Việc các dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng triển khai chậm tiến độ không chỉ vi phạm các quy định của Nhà nước mà còn lãng phí tài nguyên của tỉnh, làm mất cơ hội cho các nhà đầu tư khác. Sau nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở không chuyển biến, 6 tháng đầu năm 2015, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh ra quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với 9 dự án. Đến nay, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi 7 dự án. Đó là các dự án: trồng rừng kinh tế Khánh Lâm (Doanh nghiệp Tư nhân Khánh Lâm); dự án trồng rừng sản xuất Nặm Khăn (Doanh nghiệp Tư nhân Hồng Nhung); dự án trồng rừng sản xuất An Thiên Nhiên (Chi nhánh Công ty Cổ phần An Thiên Nhiên tại Điện Biên); dự án đầu tư trồng rừng kinh tế An Thành (Công ty Cổ phần xây dựng và Thương mại An Thành Điện Biên); dự án trồng rừng sản xuất tại xã Sa Dung và Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông (Chi nhánh Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển thương mại Thuận Phát tại tỉnh Điện Biên); dự án trồng rừng sản xuất Trung Tiến (Chi nhánh Công ty Cổ phần vận tải và Xây dựng Trung Tiến tại tỉnh Điện Biên) và dự án đầu tư trồng rừng sản xuất Dương Trí Tôn (Chi nhánh Công ty Cổ phần Dương Trí Tôn tại tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư). Ông Hoàng Tiến Dũng cho biết: Lý do thu hồi là bởi các dự án nói trên đều chậm tiến độ hoặc không triển khai thực hiện, đã vi phạm Khoản 2, Điều 64 Luật Đầu tư; khoản a, Điều 68 của Nghị định 108/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

Đối với 2 dự án Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đầu tư là: dự án trồng rừng sản xuất tại xã Si Pa Phìn và Phìn Hồ (nay thuộc huyện Nậm Pồ) của Doanh nghiệp Xây dựng tư nhân Trung Kiên; dự án đầu tư trồng rừng Mường Lói của Xí nghiệp Xây dựng tư nhân Thái Tuấn, UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, rà soát kết quả tổ chức thực hiện. Kết quả kiểm tra, rà soát gần đây nhất vào trung tuần tháng 6/2015 cho thấy, đến thời điểm này cả 2 doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện trồng rừng. Xác định 2 nhà đầu tư nói trên không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đã đăng ký, đoàn liên ngành thống nhất tiếp tục đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đầu tư./.

 

Minh Thùy
 

.