Khó thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp
Điện Biên TV - Cuối năm 2013, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 với 8 CCN với tổng diện tích 146,1ha. Sau đó, ngày 7/4/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 438/QĐ-TTg về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Điện Biên. Theo đó, giai đoạn đến năm 2020 đưa ra khỏi quy hoạch danh mục khu công nghiệp Đông Nam TP. Điện Biên Phủ (60ha) và bổ sung vào quy hoạch danh mục khu công nghiệp Tây Bắc xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) diện tích dự kiến khoảng 50ha. Như vậy, tổng diện tích đất quy hoạch bao gồm cả khu và CCN trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn đến năm 2020 là 196,1ha. Có quy hoạch CCN, danh mục từng CCN cụ thể, rõ ràng là điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư, song đến nay các CCN vẫn vắng bóng nhà đầu tư.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tưởng, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Việc đầu tư phát triển CCN đã và đang được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương quan tâm, song các chính sách hỗ trợ cho phát triển CCN hiện có chưa được ban hành riêng mà lồng ghép trong các văn bản quy phạm pháp luật chung với những lĩnh vực khác. Cụ thể, ngày 30/9/2010 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 60/QĐ - TTg về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015, trong đó có nội dung hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN cho các địa phương có điều kiện KT - XH khó khăn. Theo đó, mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đối với các tỉnh thuộc vùng trung du miền núi Bắc Bộ và vùng Tây Nguyên để hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng tối đa không quá 6 tỷ đồng/CCN và không quá 70 tỷ đồng cho một tỉnh. Mức hỗ trợ của Trung ương quá thấp trong khi Điện Biên là tỉnh nghèo, hơn 90% ngân sách phụ thuộc vào ngân sách Trung ương nên việc bố trí kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng CCN đã được quy hoạch vượt quá khả năng cân đối ngân sách của tỉnh. Vì thế, tỉnh chưa thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng CCN. Mặt khác, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển CCN chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cũng như đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN. Chưa kể một số CCN nằm ở các vị trí không thuận lợi, kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đường vào CNN nhỏ, khó khăn cho doanh nghiệp trong vận chuyển hàng hóa... nên các doanh nghiệp không mặn mà trong việc đầu tư.
Nhà máy chế biến gỗ ghép thanh và kết hợp sản xuất ván dăm hoạt động trong CCN phía Đông huyện Tuần Giáo tạo việc làm cho hơn 50 lao động, với mức lương trung bình từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. |
Tín hiệu đáng mừng là đối với 2 CCN được quy hoạch chi tiết là CCN Na Hai (huyện Điện Biên) và CCN phía Đông huyện Tuần Giáo dù chưa được đầu tư hạ tầng, song đã có doanh nghiệp thuê đất để sản xuất. CCN Na Hai được quy hoạch là CCN sản xuất vật liệu xây dựng và hàng hóa gia dụng với tổng diện tích 49,8ha. Đến nay, tỷ lệ lấp đầy trong cụm là 56%, các doanh nghiệp tạo việc làm cho hơn 500 lao động. Hạ tầng CCN chủ yếu do 3 doanh nghiệp tự đầu tư đó là Nhà máy Xi măng Điện Biên (công suất giai đoạn I là 36 vạn tấn/năm); Nhà máy gạch lò đứng (công suất 23 triệu viên/năm) và Nhà máy sản xuất tấm lợp Prôximăng Điện Biên. Lợi thế của CCN này là gần Quốc lộ 279 - tuyến giao thông chủ đạo liên kết giữa TP. Điện Biên Phủ, Cửa khẩu Tây Trang; đường điện 110KV cấp cho Nhà máy Xi măng Điện Biên và đường điện 22KV chạy qua khu vực. CCN phía Đông huyện Tuần Giáo có diện tích quy hoạch 50,3ha. Hiện đã có Nhà máy chế biến gỗ ghép thanh và kết hợp sản xuất ván dăm (Công ty Cổ phần rừng Việt Tây Bắc) đi vào hoạt động với công suất thiết kế dây chuyền gỗ ghép thanh 13.500m3/năm và ván dăm 36.000m3/năm. Với lợi thế thuận lợi về giao thông (gần Quốc lộ 6 từ TX. Mường Lay đi Sơn La); hệ thống thông tin liên lạc khá hoàn chỉnh; khu vực cấp điện, nước thuận tiện sẽ thu hút các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến lâm sản, chế biến lương thực, thực phẩm và cơ khí sửa chữa trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Văn Tưởng, trong Quy chế quản lý CCN do Thủ tướng Chính phủ ban hành có yêu cầu các địa phương thành lập trung tâm phát triển CCN trực thuộc cấp huyện quản lý. Tuy nhiên, ở Điện Biên do điều kiện khó khăn về vốn nên chưa có đơn vị nào đứng ra làm chủ đầu tư kinh doanh, xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp. Số doanh nghiệp hoạt động trong CCN không nhiều nên địa phương cũng chưa thành lập tổ chức quản lý CCN. Trong số hàng loạt các giải pháp về cơ chế, chính sách, hiện nay quy hoạch CCN đã có, một trong những vấn đề mấu chốt là phải ban hành được giá đất áp dụng cho từng CCN trong quy hoạch. Đó là cơ sở để các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng thi công xây dựng hạ tầng cơ sở./.
Minh Thùy