Nhiều bất cập trong trồng rừng thay thế
Điện Biên TV - Nhiều diện tích rừng trên địa bàn tỉnh thời gian qua phải chuyển đổi mục đích, nhường đất cho việc xây dựng các công trình thủy điện và các công trình công ích khác. Tuy nhiên, việc trồng rừng thay thế diện tích đất đã thu hồi theo quy định của pháp luật vẫn chậm được triển khai, diện tích rừng trồng thay thế không đạt kế hoạch.
Chậm triển khai
Năm 2015, toàn tỉnh có 5 dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải thực hiện trồng rừng thay thế với tổng diện tích được phê duyệt 33,82ha. Đó là dự án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh - tế xã hội huyện Mường Nhé; Dự án xây dựng Trường THPT Lương Thế Vinh (TP. Điện Biên Phủ); dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường Nà Nhạn - Mường Phăng (huyện Điện Biên); công trình đường giao thông Keo Lôm - Sam Măn - Phình Giàng và công trình xử lý rác thải thị trấn Điện Biên Đông (huyện Điện Biên Đông). Đến thời điểm này, chủ đầu tư các công trình, dự án nói trên mới thực hiện trồng thay thế được 22,21ha, đạt hơn 65% kế hoạch giao. Đã có nhiều lý do giải thích cho sự chậm trễ này. Dự án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh - tế xã hội huyện Mường Nhé triển khai trồng 5,1ha rừng thay thế tại khoảnh 1, 7; tiểu khu 49a thuộc địa bàn xã Sen Thượng năm 2015 không thể triển khai thực hiện. Theo lý giải của đại diện chủ đầu tư là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé thì nguyên nhân do chưa hoàn thành sắp xếp ổn định dân cư, người dân chưa chuyển đến địa điểm được quy hoạch nên không có... người trồng rừng. Dự án xây dựng Trường THPT Lương Thế Vinh phải thực hiện trồng 1,91ha rừng thay thế song đến nay mùa trồng rừng năm 2015 chỉ còn gần 1 tháng nữa là kết thúc nhưng vẫn chưa trồng được cây nào. Ông Hà Lương Hồng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Điện Biên cho biết: Đến nay, đơn vị chưa nhận được quyết định giao nhiệm vụ về thực hiện dự án trồng rừng thay thế cho dự án này nên không thể triển khai thực hiện. Trong khi hồ sơ và các văn bản liên quan, ban cũng chỉ mới nhận bàn giao từ Sở Giáo dục và Đào tạo - chủ đầu tư thực hiện dự án, nhưng hiện vẫn còn thiếu biên bản thống nhất trồng rừng thay thế giữa chủ đầu tư với các hộ dân, chưa xác định được địa điểm và hồ sơ thiết kế.
Công nhân Chi nhánh Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp Trung ương tại Điện Biên chăm sóc cây giống tại vườn ươm. |
Theo ông Hà Lương Hồng, không chỉ riêng Dự án xây dựng Trường THPT Lương Thế Vinh mà quá trình triển khai thực hiện dự án trồng rừng thay thế năm 2015 trên địa bàn huyện Điện Biên gặp rất nhiều khó khăn mà chủ yếu do kế hoạch giao chỉ tiêu trồng rừng không thống nhất, quyết định giao vốn rất muộn.
Nhiều bất cập
Bà Đặng Thị Thu Hiền, Phó phụ trách Chi cục Lâm nghiệp cho biết: Thông tư số 24/2013/TT - BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định rất rõ các tổ chức, cá nhân là chủ dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải chịu trách nhiệm tổ chức lập phương án trồng rừng thay thế; diện tích trồng rừng thay thế ít nhất bằng diện tích rừng chuyển sang mục đích khác được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt… Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2006 đến cuối năm 2013, trên địa bàn tỉnh đã có 52 dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải thực hiện trồng rừng thay thế theo Thông tư số 24 của Bộ NN-PTNT với tổng diện tích chuyển đổi 806,95ha. Diện tích cần trồng rừng thay thế nhiều nhưng hầu hết các công trình chuyển đổi mục đích sử dụng thời gian thực hiện đã lâu nên chưa rà soát, bố trí được nguồn vốn để trồng rừng. Ngay cả một số dự án mới thực hiện chuyển đổi cũng chưa bố trí được vốn trồng rừng thay thế. Đơn cử như dự án trồng rừng thay thế công trình đường Huổi Moi - Pa Thơm (huyện Điện Biên) do chưa bố trí được vốn nên không thể triển khai trồng trong năm 2015. Mặt khác, Thông tư số 24 không quy định diện tích chuyển đổi rừng tối thiểu phải lập phương án trồng rừng thay thế dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện đối với các dự án có diện tích chuyển đổi rừng ít (nhỏ hơn 1ha) nhưng vẫn phải xây dựng phương án trồng rừng theo quy định.
Cũng vì lý do các chủ dự án chưa thực sự quan tâm đến công tác trồng rừng thay thế; quá trình xây dựng phương án và tổ chức trồng rừng thay thế chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị liên quan nên các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc rà soát, xác định diện tích trồng rừng thay thế, hướng dẫn các chủ đầu tư về thủ tục pháp lý, thẩm quyền phê duyệt. Thêm vào đó, chủ đầu tư một số công trình, dự án không có chuyên môn trong công tác trồng và quản lý các dự án trồng rừng nên khi triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn khi lập phương án trồng rừng, hồ sơ thiết kế trồng rừng; kỹ thuật trồng, chăm sóc và quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng... nên xây dựng phương án chưa thực sự phù hợp thực tế (địa điểm trồng rừng, loại cây), người dân không ủng hộ. Các đơn vị được giao nhiệm vụ trồng rừng thay thế các dự án đầu tư công (các ban quản lý rừng phòng hộ) nhưng lại không được tham gia từ đầu trong việc tiếp xúc với người dân và lựa chọn địa điểm trồng rừng thay thế nên khi triển khai gần như phải thực hiện lại. Cùng với đó là định mức hỗ trợ người dân trồng rừng thay thế đối với công trình công ích rất thấp, tối đa được hỗ trợ 15 triệu đồng/ha trong 5 năm (bao gồm cả trồng và chăm sóc) là nguyên nhân khiến bà con chưa thực sự mặn mà với việc trồng rừng thay thế./.
Minh Thùy