Cổ phần hóa DNNN: Còn nhiều khó khăn
Điện Biên TV - Chưa đầy 6 tháng nữa, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2012 - 2015 trên địa bàn tỉnh kết thúc. Để hoàn thành mục tiêu thì tỉnh sẽ phải cổ phần hóa 19 DNNN, doanh nghiệp (DN) có vốn nhà nước và thực hiện thoái vốn nhà nước. Song trừ những đơn vị đã thực hiện mô hình chuyển đổi thành công thì việc cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước ở một số DN còn gặp khó khăn.
Để thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện phương án sắp xếp, đổi mới DNNN và lộ trình thoái vốn nhà nước đối với những DNNN không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 846/QĐ-UBND ngày 19/9/2012 về việc thành lập Ban Chỉ đạo sắp xếp, đổi mới DNNN và các văn bản liên quan, phân công nhiệm vụ cho thành viên Ban chỉ đạo; phê duyệt kế hoạch sắp xếp, đổi mới DNNN và lộ trình thoái vốn nhà nước đối với DNNN không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp; hướng dẫn quy trình thực hiện thoái vốn nhà nước đối với DNNN không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp đối với các DN cổ phần hóa trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm hiện nay, theo các doanh nghiệp trên địa bàn, hầu hết việc cổ phần hóa là khá thuận lợi do Chính phủ kiên quyết đẩy mạnh cổ phần hóa với các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong việc thoái vốn ngoài ngành tại các DNNN, như cho thoái vốn dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách sau khi đã trừ khoản dự phòng tổn thất.
Công ty TNHH In Điện Biên còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện cổ phần hóa. |
Song, quá trình cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước tại một số DN vẫn còn gặp khó khăn. Giai đoạn 2012 - 2015, có 3 DN thực hiện cổ phần hóa, trong đó có 2 DN hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công ích và phục vụ nhiệm vụ chính trị là: Công ty TNHH Xây dựng cấp nước và Công ty TNHH In Điện Biên. Những DN này tuy giá trị vốn lớn nhưng là giá trị của các công trình cấp nước (gần 291 tỷ đồng), dây truyền in báo Nhân dân (gần 30 tỷ đồng); giá bán sản phẩm và thực hiện dịch vụ theo quy định của nhà nước, song lại chưa được xem xét bù phần chênh lệch giữa giá thành và giá bán nên hiệu quả hoạt động thấp, vì vậy rất khó cho việc tổ chức bán đấu giá cổ phần. Điển hình Công ty TNHH In Điện Biên, sau khi có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa, Công ty đã tiến hành hợp đồng thuê Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tổ chức thực hiện bán đấu giá cổ phần. Kết quả lần đầu bán được 3.500/620.325 tổng số cổ phần chào bán cho nhà đầu tư. Sau đó, Công ty tiếp tục chào bán công khai số cổ phần còn lại cho các nhà đầu tư đã tham dự đấu giá cổ phần lần đầu theo phương thức thỏa thuận trực tiếp với mệnh giá bằng giá khởi điểm cho các nhà đầu tư mua cổ phần lần đầu tại Công ty. Kết quả không có nhà đầu tư nào đăng ký mua, dẫn đến tiến độ thực hiện cổ phần hóa bị chậm, không đạt kế hoạch đề ra. Vì vậy, Công ty đã có tờ trình xin UBND tỉnh điều chỉnh quy mô, cơ cấu vốn điều lệ tại phương án cổ phần hóa. Đến nay, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 436/QĐ-UBND tỉnh ngày 2/6/2015 về việc điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ của Công ty, đồng thời giao cho Ban chỉ đạo cổ phần hóa và người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty có trách nhiệm bổ sung vào dự thảo điều lệ để thông qua Đại hội cổ đông lần đầu về quyền tiếp tục bán phần vốn nhà nước tại Công ty sau khi đã chính thức hoạt động theo Luật doanh nghiệp.
Năm 2015, Ban chỉ đạo sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước tỉnh tiếp tục thực hiện thoái vốn nhà nước tại 7 doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thoái vốn của các DN cũng gặp nhiều khó khăn, bởi Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách cắt giảm đầu tư công nên ảnh hưởng lớn đến quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Hiện nay, trong số 7 DN thuộc diện phải thoái vốn nhà nước chỉ có 1 DN đã hoàn tất việc bán toàn bộ vốn nhà nước là Công ty Cổ phần Xây dựng thủy lợi Điện Biên. Đến nay, Công ty đã bán toàn bộ 61.958 cổ phần nhà nước tại DN và đã nộp gần 640 triệu đồng, tiền bán cổ phần về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước. Còn lại hầu hết các DN đang trong quá trình xem xét giá khởi điểm để thực hiện bán đấu giá cổ phần; kiểm tra, thẩm định giá trị phần vốn nhà nước còn lại tại các doanh nghiệp...
Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư xây dựng đã được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện thoái vốn nhà nước tại Quyết định số 1002/QĐ-UBND tỉnh ngày 10/12/2013 về thoái vốn. Theo đó, DN có gần 252 nghìn cổ phần nhà nước thực hiện bán đấu giá, với giá khởi điểm được phê duyệt là 11 nghìn đồng/1 cổ phần và ký kết hợp đồng với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp) để bán đấu giá cổ phần nhà nước còn lại, nhưng không có nhà đầu tư nào đăng ký mua. Sau đó, được UBND tỉnh cho phép tổ chức bán đấu giá lần 2, nhưng cũng chỉ có 2 nhà đầu tư mua với số lượng ít ỏi 2.000 cổ phần, tương ứng với 22 triệu đồng (chiếm 0,79% số cổ phần nhà nước còn lại của DN). Vì vậy, hiện nay UBND tỉnh giao cho Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các ngành nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh việc bán cổ phần nhà nước tại Công ty này trên nguyên tắc bảo toàn phần vốn nhà nước.
Tương tự, Công ty Cổ phần Xây dựng số 3 Điện Biên, mặc dù đã được UBND tỉnh và các ngành chức năng ban hành nhiều văn bản đôn đốc DN khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu DN, phấn đấu hoàn tất việc thoái vốn theo kế hoạch sắp xếp đã xây dựng. Đồng thời, yêu cầu DN nộp báo cáo tài chính để kiểm tra, thẩm định xác định giá trị phần vốn Nhà nước còn lại. Đến nay, xác định giá khởi điểm bán cổ phần xong nhưng DN vẫn chây ỳ không thực hiện, dẫn đến tiến độ thực hiện thoái vốn nhà nước tại DN rất chậm, không đạt kế hoạch đề ra. Chính vì vậy, Công ty đã gửi báo cáo về tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh, do gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động, kinh doanh thua lỗ kéo dài mất vốn nhà nước nên không còn điều kiện để tiếp tục hoạt động. Công ty đã đề nghị UBND tỉnh cho phép làm thủ tục giải thể hoặc phá sản và đã đăng ký tạm ngừng hoạt động từ đầu năm 2013.
Cổ phần hoá các DNNN là chủ trương lớn của Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của các DNNN. Tuy nhiên, để hoàn thành đúng tiến độ sắp xếp, đổi mới DNNN theo đúng phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cùng với việc đôn đốc, đơn vị cũng tích cực hỗ trợ việc thực hiện chính sách đối với các doanh nghiệp. Trao đổi với ông Lò Văn Biên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phó ban Chỉ đạo sắp xếp, đổi mới DNNN tỉnh cho biết: "Cần cho phép áp dụng phương án giải thể, phá sản đối với những doanh nghiệp không có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh hoặc kinh doanh không hiệu quả làm thất thu vốn nhà nước. Ví dụ, Công ty Cổ phần Xây dựng số 3 Điện Biên, đã hoạt động kém hiệu quả và đã xin ngừng các hoạt động kinh doanh thì nên cho giải thể, phá sản. Bởi nếu không cho giải thể, phá sản sẽ ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước."
Văn Tâm