Cần giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người trồng cà phê Mường Ảng
Điện Biên TV - Hàng nghìn người dân Mường Ảng đã và đang sống nhờ cây cà phê, vì thế khi giá cà phê liên tiếp sụt giảm; doanh nghiệp liên kết với người dân trồng, bao tiêu sản phẩm phá sản, đầu ra gặp khó thì người trồng cà phê “lao đao” là dễ hiểu. Trong khi chính sách hỗ trợ, bảo hộ với loài cây “mũi nhọn” này ở Mường Ảng vẫn chỉ là trong… ý tưởng! Đây cũng là nguyên do khiến cây cà phê trở thành vấn đề “nóng” nghị trường tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XIII.
Chăm sóc khó, trồng mới lại càng khó
Đại biểu HĐND tỉnh thuộc tổ đại biểu huyện Mường Ảng Cà Văn Xanh phát biểu tại phiên thảo luận tổ |
Đó là khẳng định của ông Trương Quang Hải, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mường Ảng tại phiên thảo luận tổ xoay quanh những khó khăn trong vấn đề phát triển cà phê ở Mường Ảng – vùng trọng điểm cà phê của tỉnh. Gắn bó với sự thăng trầm của cây cà phê từng thời kỳ nên hàng loạt nguyên nhân được ông Hải giãi bày. Theo tính toán, suất đầu tư cho 1 héc ta cà phê (từ lúc bắt đầu trồng tới khi được thu hái) cần từ 80 - 85 triệu đồng. Với mức đầu tư này không phải người dân nào cũng có tiền để trồng, bởi Mường Ảng là huyện nghèo nên nếu quyết làm cà phê thì phần nhiều đều phải “cậy nhờ” ngân hàng. Hiện nay, giá cà phê trấu thu mua tại địa bàn chỉ từ 32.000 - 34.000 đồng/kg, như vậy người trồng cà phê chưa thể hòa vốn (giá cần đạt từ 38.000 - 40.000 đồng/kg) chứ nói gì có lãi để tái đầu tư, rồi trả lãi, trả gốc ngân hàng. Diện tích trồng cà phê trong toàn huyện đạt 3.349ha, thì có hơn 500ha người dân liên kết với Công ty Cổ phần Cà phê Thái Hòa Mường Ảng đến nay phần nhiều đã được thu hoạch, nhưng thay vì được chia cổ tức thì cuộc sống của bà con lại lâm vào cảnh khốn khó khi doanh nghiệp phá sản, sản phẩm không người thu mua. Hệ lụy kéo theo là người dân “mạnh ai nấy làm” cà phê bị thu hái xanh, tuốt cả chùm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; nhiều diện tích cà phê liên kết trồng với doanh nghiệp còi cọc do không được đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đứng trước nguy cơ bị phá bỏ. Diện tích cà phê đã trồng không có vốn tiếp tục đầu tư, lợi nhuận từ cây cà phê cũng chưa được hưởng, bà con biết trông vào đâu để sống?
Đại biểu Cà Văn Xanh cho rằng: Đất đai là tư liệu quan trọng hàng đầu để nông dân sản xuất. Góp đất với doanh nghiệp trồng cà phê không hiệu quả, doanh nghiệp phá sản thì chính quyền các cấp cần có giải pháp tháo gỡ cho người dân. Hơn 2 năm qua, trên diện tích trồng liên kết người dân không có nguồn thu, trong khi vẫn phải bón phân, chăm sóc nên người trồng cà phê càng khốn khó. Khó ngay từ việc chăm sóc, bảo vệ diện tích đã trồng, nói gì đến việc bà con mặn mà với việc mở rộng diện tích trồng mới.
Ông Trương Quang Hải nhận định: Dù được giao kế hoạch trồng mới 200ha, nhưng trong điều kiện khó trên mọi phương diện như hiện nay chỉ tiêu trên không thể hoàn thành. Đến thời điểm này, người dân mới đăng ký, đào hố trồng mới được 103ha cà phê. Điều này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu huyện Mường Ảng đặt ra trồng 4.000 – 4.500ha vào năm 2020.
Thiếu chính sách hỗ trợ giá
Trăn trở của người trồng cà phê Mường Ảng bấy lâu là cà phê được xác định là cây trồng chủ lực, nhưng đến nay vẫn chưa có chính sách riêng biệt rõ ràng như cây cao su. Thực hiện theo Quyết định số 02 của UBND tỉnh ngày 13/3/2014 ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn, đối với việc hỗ trợ phát triển cây cà phê trong vùng quy hoạch. Ngoài được hỗ trợ 1 lần với mức 4,5 triệu đồng/ha cho các hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm, đất nương sang trồng cà phê bằng vốn tự có hoặc tham gia góp vốn bằng giá trị quyền sử đất với doanh nghiệp để trồng cà phê, thì chỉ được hỗ trợ 50% giá cây giống khi trồng mới (bao gồm cả trồng dặm). Còn vấn đề bao tiêu, tìm đầu ra cho sản phẩm, trợ giá – khâu quan trọng nhất vẫn là để người trồng cà phê tự “bơi”. Cũng bởi cách làm ấy, mà thời gian qua sản phẩm cà phê rơi vào tình trạng ai trồng người đó tự bán, bị tư thương ép giá; đặc biệt là khi Công ty Cổ phần Cà phê Thái Hòa Mường Ảng phá sản, thì đầu ra cho sản phẩm vốn đã khó lại càng khó. Mặt khác, thủ tục vay vốn ngân hàng đối với người trồng cà phê càng bị khép chặt hơn sau khi Công ty Cổ phần Cà phê Thái Hòa Mường Ảng vay 50 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng không thể trả nợ. Mức đầu tư trồng cà phê rất lớn, là cây của “nhà giàu” nên nếu không được vay vốn thì người dân không thể tự xoay xở.
Thời gian vừa qua huyện Mường Ảng rất nỗ lực trong việc quảng bá sản phẩm, tìm doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho người dân, dù tín hiệu ban đầu có khả quan, song vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Ông Hải dẫn chứng: Chúng tôi đã vào tỉnh Đắk Lắk – thủ phủ trồng cà phê của cả nước với mong muốn tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho bà con; làm việc với Công ty Cổ phần Cà phê Mơ – doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực trong lĩnh vực thu mua, chế biến cà phê để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư liên kết phát triển cà phê, thu mua sản phẩm cho bà con, nhưng do chi phí vận chuyển lớn nên việc doanh nghiệp thu mua còn hạn chế.
Người trồng cà phê Mường Ảng đã và đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, nhất là khi giá cà phê vẫn tiếp tục sụt giảm. Nếu không có chính sách hỗ trợ thiết thực, kịp thời thì người trồng cà phê vẫn còn lao đao./.
Minh Thùy