Bộ trưởng Cao Đức Phát: Sản phẩm nông nghiệp phải thích ứng thị trường

Thứ Năm, 11/06/2015, 14:33 [GMT+7]

Thị trường nông sản luôn có sự thay đổi nên sản phẩm nông nghiệp cần bám sát và phản ứng nhanh để sản xuất và tiêu thụ đạt hiệu quả cao.

Tổ chức sản xuất nông nghiệp, đảm bảo đầu ra trong tiêu thụ sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường là vấn đề cử tri và các đại biểu quan tâm nhất trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát tại phiên chất vấn sáng nay.

Đề cập vấn đề này, Đại biểu Trương Minh Hoàng, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đặt câu hỏi với Bộ trưởng Cao Đức Phát về giải pháp tìm kiếm và mở rộng đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp trong điều kiện Việt Nam đã và đang kí kết nhiều Hiệp định thương mại song phương và đa phương.

Trong phần giải trình của mình, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, Việt Nam đang trong quá trình thực hiện cơ chế thị trường, vì thế việc tổ chức sản xuất nông nghiệp cũng phải phù hợp với cơ chế thị trường. Hơn nữa, nền nông nghiệp nước ta đang hội nhập sâu sắc vào nền kinh tế thế giới, vì thế cần phải định hướng sản xuất phù hợp với thị trường thế giới.

1
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội.

 

Tuy nhiên, bản chất của thị trường thế giới cũng như thị trường nông sản nói chung luôn có sự thay đổi, vì thế nên để đạt được sự ổn định tương đối, làm cho sản phẩm nông nghiệp của nước ta bám sát và phản ứng nhanh nhạy với những diễn biến của thị trường trong nước và thế giới, để luôn đạt được hiệu quả cao nhất. “Chúng ta không thể kì vọng có một thị trường luôn luôn có mức giá ổn định ở mức cao có lợi cho nông dân mà phải tìm cách thích ứng với thị trường”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Giải pháp chung được Bộ trưởng Cao Đức Phát đưa ra là để thích ứng với thị trường, với kinh nghiệm 20 năm vừa qua cho thấy, cách tốt nhất là phải lựa chọn và phát huy những lợi thế sẵn có, hỗ trợ bà con nông dân làm ra sản phẩm với chất lượng cao hơn, với giá thành hạ hơn để trong mọi tình huống của thị trường nông sản của Việt Nam vẫn có khả năng cạnh tranh cao, bán được nhiều hơn có lợi cho bà con nông dân.

Trong bối cảnh tiếp tục hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế thông qua việc kí kết các hiệp định thương mại, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, về cơ bản Việt Nam vẫn nên tiếp tục cách tiếp cận thị trường theo hướng chủ động như đã từng làm. Tuy nhiên, ở trong nước chúng ta vẫn phải hỗ trợ nông dân để nâng cao sức cạnh tranh của nông sản, nhất là những lúc thị trường có biến động bất lợi.

Cụ thể trong việc thực hiện đó là một mặt, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để giúp đỡ cho các doanh nghiệp tiêu thu nông sản một cách thuận lợi và có hiệu quả, mặt khác hỗ trợ người nông dân duy trì được giá bán không giảm quá sâu dẫn đến thua lỗ, thực hiện giải pháp có thể giảm thiểu những tổn thất, ví dụ như hỗ trợ cho nông dân vay vốn để vượt qua những thời điểm khó khăn.

Đặc biệt, mặc dù chúng ta đã giúp được người nông dân sản xuất ra sản phẩm rất tốt nhưng trong khâu chế biến và bảo quản sản phẩm còn nhiều hạn chế. Vì thế trong giai đoạn tới, ngoài việc giúp bà con nông dân nâng cao khả năng cạnh tranh, nâng cao chất lượng và hạ giá thành còn cần phải tập trung khâu bảo quản và chế biến…đây là những giải pháp giúp làm ổn định thị trường trong điều kiện biến đổi.

Trong phần giải đáp về quá trình nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật và công nghệ vào sản xuất chế biến nông sản thực phẩm, trở thành khâu đột phá để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp cũng như kinh tế nông thôn phát triển, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, đây là một chủ trương lớn trong phát triển nông nghiệp của nước ta, Bộ NN&PTNT đã xây dựng đề án trình Chính phủ phê kế hoạch tổng thể cũng như đề án cho từng chuyên ngành và đang được Bộ nỗ lực thực hiện.

Theo đó, ngoài việc đầu tư cho các cơ quan nghiên cứu khoa học để chuyển giao kĩ thuật cho nông dân, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp để có ngày càng nhiều các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo quản và chế biến nông sản, chế biến ra các sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường và đặc biệt phải có các mối quan hệ với thị trường để có thể tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững. Vấn đề này không ai có thể làm tốt hơn chính là các doanh nghiệp./.

 

Theo VOV
 

.