Xung quanh vấn đề chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng ở Mường Nhé

Thứ Sáu, 20/03/2015, 16:29 [GMT+7]

Điện Biên TV - Nhắc đến Mường Nhé thì rất nhiều người đều hiểu đây là địa bàn xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên. Có người còn ví Mường Nhé như “Trường Sa cạn” của tỉnh. Chỉ bấy nhiêu thôi có thể thấy được nơi đây điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt như thế nào và những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp của Mường Nhé ra sao? Đó cũng là lý do mà Mường Nhé vẫn nằm trong tốp 62 huyện nghèo nhất cả nước. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Chính phủ, sự nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như các tổ chức, cá nhân đầu tư vào địa bàn, hiệu quả hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Mường Nhé đã không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Mường Nhé phát triển bền vững thì vẫn còn nhiều điều cần bàn.

s
Cây dong riềng lần đầu tiên xuất hiện tại Mường Nhé vào cuối năm 2013. Ngay trong năm đầu tiên, nhiều diện tích đã cho năng suất cao, lên đến 80 tấn/1ha.

 

Cây dong riềng lần đầu tiên xuất hiện tại Mường Nhé vào cuối năm 2013, lãnh đạo huyện Mường Nhé phấn khởi vì doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, đưa cây dong riềng vào địa bàn. Loại cây trồng này đã và đang được coi là cây xóa đói giảm nghèo ở khu vực xã Nà Tấu, Nà nhạn (huyện Điện Biên), Mường Đăng (huyện Mường Ảng) nhiều năm qua. Người dân, những người thuộc diện đương nhiên thụ hưởng thì không khỏi vui mừng khi bỗng dưng chỉ bỏ công ra trồng và chăm sóc đến khi thành phẩm đem bán lại cho doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp thì nơm nớp lo âu trước bài toán có phần mạo hiểm này. Hơn 4 tỷ đồng đã được đơn vị này đầu tư mua giống mang vào Mường Nhé để trồng khoảng 90ha, với hy vọng sẽ đặt những viên gạch đầu tiên trong việc giúp người dân tìm ra hướng thoát nghèo mới bằng cây trồng này.

Cây dong riềng là cây dễ trồng, dễ chăm sóc. Ngay trong năm đầu tiên, nhiều diện tích đã cho năng suất cao, lên đến 80 tấn/1ha. Thế nhưng, những tưởng chỉ cần đầu tư cây giống, phân bón vào cho người dân, hướng dẫn người dân cách chăm bón là ai cũng có thể làm được. Thế rồi năm ấy, cũng có không ít diện tích dong riềng cho năng suất thấp do thiếu sự chăm sóc của người dân. Đã thế, cây dong riềng ở thời điểm đó lại trượt giá khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn. Năm 2012, dong riềng tươi được thu mua với giá 2.000 đồng/1kg; đến năm 2013 chỉ được thu mua với giá 200 đồng/1kg nhưng doanh nghiệp vẫn thu mua với giá 600 đồng/1kg, do cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân ngay từ đầu vụ.

Người dân Mường Nhé bán tín bán nghi, năm 2014, toàn huyện chỉ trồng được khoảng 30ha. Thời điểm cuối năm 2014, đầu 2015, giá thu mua dong riềng cao trở lại và đạt mức 1.300 đồng/1kg; năng suất chỉ đạt khoảng 30 tấn/ha. Như vậy, mặc dù năng suất không cao nhưng người trồng dong riềng vẫn có thể thu về được khoảng 40 triệu đồng/1 ha.

Không thể phủ nhận được giá trị kinh tế mà cây dong riềng mang lại. Rõ ràng một điều là nếu giá bán ổn định khoảng 1.000 đồng/1kg củ tươi thì cây dong riềng là loại cây có giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với một số  loại cây lương thực khác mà người dân ở một số xã như: Leng Su Sìn và Chung Chải đang canh tác. Trong khi những năm qua, người dân vẫn chỉ biết canh tác các loại cây lương thực như: Ngô, lúa nương và sắn hiệu quả kinh tế mạng lại thấp. Anh Hoàng Phù Tự, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé chia sẻ: "Từ việc trồng cây dong riềng mà gia đình tôi đã có một khoản tiền để nuôi con ăn học và mua sắm các đồ vật trong nhà. Trong thời gian tới, gia đình sẽ trồng tăng thêm gấp 3 - 4 lần diện tích cây dong riềng để phát triển kinh tế."

Ông Sừng Sừng Khai, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé cho biết: "Ngoài cây dong riềng ra, từ trước tới nay chưa có loại cây nào mà bà con thu được khoản tiền như vậy. Xã kiến nghị trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục nhân rộng loại cây này trên địa bàn của xã. Ngoài ra, tôi cũng đề nghị Nhà nước có cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp về vấn đề chi phí đầu tư cây giống, chăm sóc bảo quản nhằm góp phần giúp người dân ở đây phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo."

c c
Hàng loạt giống cây trồng mới đã được đưa vào sản xuất và từng bước khẳng định được hiệu quả kinh tế như các giống lúa lai IR64, HT 1; giống ngô lai và đậu tương cao sản; các loại cây ăn quả.

 

Mường Nhé là huyện vùng sâu, vùng xa biên giới với đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Mường Nhé có 11 xã, trong đó 6 xã biên giới và là địa bàn sinh sống của 10 dân tộc như: Mông, Thái, Hà Nhì, Si La, Kháng… Những năm trước đây, vì nhiều nguyên nhân như tập quán canh tác lạc hậu; thiếu vốn đầu tư; đất đai bạc màu… nên nhìn chung sản xuất nông nghiệp của Mường Nhé phát triển chậm, manh mún, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, mang nặng tính tự cung tự cấp. Mặt khác, do người dân chưa được tiếp cận với các giống cây trồng, vật nuôi mới, chưa biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế thu được chưa cao, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn.

Bám sát những đặc điểm cụ thể của địa phương, đồng thời đi sâu tìm hiểu những nguyên nhân hạn chế hiệu quả phát triển sản xuất nông nghiệp, cấp ủy Đảng và chính quyền Mường Nhé đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp với phương châm giải quyết vấn đề từ gốc. Theo đó, vai trò của công tác khuyến nông được chú trọng phát huy gắn với 2 vấn đề mang tính đột phá là cung cấp giống cây trồng mới và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: "Chúng tôi cũng đặc biệt chú ý tới việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất nương rẫy. Trong thời gian qua, Phòng đã thực hiện đối với diện tích cây ăn quả, diện tích đất trồng cây lâu năm và đã thử nghiệm cây cam. Cây cam Mường Nhé cũng rất ngon, đây cũng là cây đặc sản của huyện. Ngoài việc phát triển cây cam bản địa này, Phòng đã đưa thêm một số giống cam như: Cam Vinh, cam đường canh vào trồng thử nghiệm ở bản Mường Nhé, bản Phiêng Kham, xã Mường Nhé. Qua 2 năm trồng thử nghiệm, cây phát triển rất tốt, tỷ lệ sống trên 90%. Ngoài ra, trên đất nương, Phòng cũng đưa vào trồng khảo nghiệm cây dong riềng, trong 1 đến 2 năm đầu thì thấy rất phù hợp với đất đai ở Mường Nhé, năng suất đạt khoảng 60 tạ/ha, bước đầu đã mang thu nhập đáng kể cho bà con. Thời gian tới, huyện sẽ phát triển nhiều hơn diện tích cây dong riềng. Bên cạnh đó, huyện cũng đưa vào trồng cây cà phê, nay diện tích trồng cũng đạt 100ha, năm vừa rồi cũng có gần 10ha ở xã Leng Su Sìn đã cho quả và thu hoạch."

Trên cơ sở nghiên cứu kỹ những đặc điểm về thổ nhưỡng, khí hậu… của địa phương và phương thức canh tác của đồng bào, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã chủ động đề xuất và mạnh dạn đưa vào sản xuất nhiều loại giống cây trồng có hiệu quả kinh tế khá cao. Đội ngũ cán bộ chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cũng như trong thực hiện các mô hình sản xuất thí điểm. Thông qua hiệu quả mang lại từ những mô hình sản xuất thí điểm đã tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận với những giống cây trồng mới; học tập và áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Hàng loạt giống cây trồng mới đã được đưa vào sản xuất và từng bước khẳng định được hiệu quả kinh tế như các giống lúa lai IR64, HT 1; giống ngô lai và đậu tương cao sản; các loại cây ăn quả.

Thực hiện hỗ trợ theo Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ, vài năm trở lại đây, bình quân mỗi năm Mường Nhé đã hỗ trợ giống ngô lai LVN10 cho hàng nghìn hộ gia đình với tổng kinh phí hàng tỷ đồng. Việc đưa giống ngô lai vào sản xuất đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân các xã được hỗ trợ giống.

Nhìn chung, từ sự quan tâm và những chính sách đầu tư của Đảng và Nhà nước cho huyện nghèo Mường Nhé, đặc biệt là trong chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nếu như năm 2011, Mường Nhé có trên 66% hộ nghèo thì đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm xuống chỉ còn khoảng xấp xỉ 50%. Đây thực sự là những kết quả đáng mừng trong thực hiện xóa đói giảm nghèo của huyện biên giới Mường Nhé.  

Tuy nhiên, công bằng mà nói thì Mường Nhé là huyện biên giới, nghèo của tỉnh với tỷ lệ hộ nghèo cao. Việc lựa chọn cây trồng phù hợp trong chiến lược phát triển kinh tế cho người dân vươn lên xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững luôn là bài toán khó. Đây là một việc không hề đơn giản bởi ngoài những khó khăn về điều kiện tự nhiên như địa hình có độ dốc cao, đất bạc màu, khô hạn… thì còn trở ngại lớn khác chính là phương thức canh tác lạc hậu của phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số và sự thiếu mạnh dạn trong việc tìm hướng đi mới. Bài học trong việc trồng và chăm sóc cây dong riềng một cách thiếu mặn mà của người dân là một ví dụ điển hình để thấy rõ sự thiếu mạnh dạn và quyết đoán của người dân. Trong khi cỗ gần như đã được dọn sẵn - nói một cách dễ hiểu là toàn bộ giống được doanh nghiệp cung ứng miễn phí, sản phẩm làm ra thì được bao tiêu./.

 

Minh Thịnh – Duy Hưng
 

.