Những phụ nữ biết cách làm giàu
Điện Biên TV - Những người phụ nữ bình dị, chăm chỉ, hết lòng lo cho gia đình, con cái nhưng cũng chính những người phụ nữ này lại mạnh mẽ, quyết đoán, năng động sáng tạo, vươn lên làm giàu chính đáng bằng chính hai bàn tay và khối óc. Trong những ngày cả thế giới tôn vinh họ, chúng ta hãy cùng gặp những phụ nữ biết làm giàu từ những công việc bình dị ở huyện Điện Biên.
Từ việc phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại kết hợp với xay xát mà mỗi năm gia đình chị Lê Thị Nhíp ở đội 2 Yên Cang, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên cho thu nhập hàng trăm triệu đồng |
Với xuất phát điểm thấp, kinh tế gia đình eo hẹp, năm 1994, vợ chồng chị Lê Thị Nhíp ở đội 2 Yên Cang, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển để lấy vốn làm kinh tế. Với số vốn 20 triệu đồng gia đình chị đầu tư mua 2 máy xay xát để phục vụ nhu cầu của nhân dân. Nhận thấy mặt hàng nông sản trên địa bàn khá dồi dào, chị đã mở rộng đầu tư sản xuất theo dây chuyền liên hoàn để tăng năng suất, hiệu quả công việc. Từ các phụ phẩm trong xay xát gia chị còn đầu tư chăn nuôi lợn. Chị Lê Thị Nhíp chia sẻ: Ban đầu với số vốn ít ỏi, kinh nghiệm chăn nuôi không nhiều nên chị chỉ chăn nuôi theo quy mô nhỏ. Dần dần qua các năm, chị mở rộng quy mô trang trại theo hướng hàng hóa. Trong điều kiện giá thành thức ăn chăn nuôi luôn tăng cao, lại hay dịch bệnh đã khiến gia đình chị nhiều phen thua lỗ. Song không vì thế mà chị nản lòng, để phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi chị đã chủ động học hỏi thêm kinh nghiệm để áp dụng vào quá trình chăn nuôi, chính vì thế đã đem lại hiệu quả, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Đang khẩn trương thu hoạch đỗ và rau xanh, chị Phạm Thị Oanh ở đội 18 xã Noong Luống cho biết: Gia đình chị đã hơn 10 năm trồng rau, nhưng cũng chỉ theo phương thức truyền thống, canh tác đại trà, chăm sóc theo kinh nghiệm, từ khi được tham gia trồng rau theo mô hình sản xuất rau an toàn, được tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn, rau bảo đảm chất lượng hơn. So với cách trồng rau truyền thống trước đây thì trồng rau an toàn tuy có nhiều quy định nhưng lại giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, vì vậy hiệu quả kinh tế cao hơn, trung bình 1ha trồng rau thu được vài chục triệu đồng/năm.
Nhờ chăn nuôi lợn theo hướng VietGAP mà lợi nhuận của gia đình chị Nguyễn Thị Kim Thắng, đội 11, xã Thanh Hưng tăng bình quân 15% so với cách làm cũ |
Cũng như nhiều gia đình khác trong xã, gia đình chị Nguyễn Thị Kim Thắng, đội 11, xã Thanh Hưng thực hiện việc nuôi lợn theo hướng VietGAP được 4 năm, kết quả theo chị nhận định là mang lại hiệu quả cao. Trước đây, thực hành các công việc liên quan chăn nuôi lợn, vợ chồng chị chỉ ang áng mức chi, ngày thực hiện, không chi tiết, cụ thể một nội dung nào. Nay thì làm việc gì cũng lên kế hoạch chi tiết trước, khi thực hiện thì ghi chép tỉ mỉ, đầy đủ các thông tin để thuận lợi cho việc so sánh, đối chiếu, hạch toán kinh tế. Nhờ vậy, lợi nhuận từ chăn nuôi của gia đình chị tăng bình quân 15% so với cách làm cũ, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Kim Thắng chia sẻ: Chăn nuôi theo hướng VietGAP giúp cho người dân tiện lợi được nhiều mặt như: Đầu tư vốn rất ít, vì không hao tốn nhân công; lợn cũng lớn nhanh hơn so với nuôi bình thường.
Đó là những phụ nữ không cam chịu đói nghèo, biết phát huy sức mạnh của đôi tay, khối óc, vươn lên làm giàu chính đáng trong số hàng nghìn người phụ nữ biết cách làm giàu của huyện Điện Biên. Họ không chỉ năng động trong phát triển kinh tế gia đình mà còn tận tình giúp đỡ những người nghèo cùng vươn lên khá giả. Biết phát huy hiệu quả đồng vốn vay, những người phụ nữ đã vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần quan trọng trong công tác xoá đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong quá trình hội nhập và phát triển./.
Tuấn Trung