Nuôi ong lấy mật - Nhiều hội viên phụ nữ ở Núa Ngam thoát nghèo
Điện Biên TV - Mấy năm gần đây, để xóa đói giảm nghèo bền vững, nhiều hội viên phụ nữ xã Núa Ngam, huyện Điện Biên đã mạnh dạn đầu tư nuôi ong lấy mật. Từ mô hình nuôi ong lấy mật này đã giúp nhiều hộ gia đình hội viên phụ nữ trong xã thoát khỏi đói nghèo bền vững, nhiều hộ còn vươn lên làm giàu.
Cách đây 4 năm trở về trước, gia đình bà Nguyễn Thị Nhuyền, bản Pá Ngám 2 chỉ biết sản xuất nông nghiệp, quanh năm vất vả nhưng cũng chỉ đủ ăn. Đến năm 2010, bà thấy nhiều người trong xã nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đã đến học hỏi kinh nghiệm rồi đầu tư gần 10 đàn về nuôi và sau đó dần tách đàn. Đến nay, bà đã có hơn 110 đàn ong. Từ bán mật ong và sản phẩm của ong, mỗi năm, gia đình bà có thu nhập từ 100 – 150 triệu đồng. Để duy trì được đàn ong, ngày nào bà Nhuyền cũng phải kiểm tra từng tổ để kịp thời phát hiện những biểu hiện bệnh lý của ong. Theo bà Nhuyền, nuôi ong lấy mật không vất vả, nhưng đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật. Sau hơn 4 năm gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật, nay gia đình bà đã thoát khỏi đói nghèo.
Từ bán mật ong và sản phẩm của ong, mỗi năm gia đình bà Nguyễn Thị Nhuyền, bản Pá Ngám 2, xã Núa Ngam có thu nhập từ 100 – 150 triệu đồng |
Cũng như gia đình chị Nguyễn Thị Nhuyền, hiện chị Vi Thị Hặc, ở bản Ten Núa cũng đã phát triển được trên 100 tổ ong mật, do nuôi đúng quy trình kỹ thuật, mỗi năm chị thu được trên 150 triệu đồng. Nhờ có nguồn thu ổn định từ nuôi ong, đến nay, gia đình chị đã xây dựng được một cơ ngơi khang trang. Chị Hặc cho biết: Để đàn ong phát triển tốt, cho mật nhiều, ngoài việc bổ sung thêm nguồn thức ăn cho ong, thì phải thường xuyên kiểm tra để ong không tách đàn, bỏ đàn bay đi, cùng với đó mỗi năm 4 lần định kỳ là phải phun thuốc để diệt ký sinh trùng gây hại đến đàn ong.
Theo nhiều người nuôi ong ở đây, nuôi ong lấy mật không chỉ lợi ích về kinh tế từ bán sản phẩm của ong mà còn giúp cho vườn cây ăn quả phát triển tốt nhờ được thụ phấn đều đặn. Do đó, nhiều gia đình ở xã Núa Ngam đã kết hợp nuôi ong với trồng cây ăn quả theo quy mô rộng, tạo ra nguồn thu nhập đa dạng. Hiện nay, trên địa bàn xã Núa Ngam có gần 100 hộ nuôi ong với trên 2 nghìn đàn, trong đó hơn 20 mô hình là do phụ nữ làm chủ. Thấy nhiều người làm giàu từ nuôi ong, hiện nay nhiều phụ nữ ở xã Núa Ngam đang học hỏi kinh nghiệm để đầu tư nuôi ong lấy mật.
Nuôi ong không phải là nghề mới, nhưng hiện đang trở thành hướng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững cho hội viên phụ nữ ở Núa Ngam./.
Duy Sinh - Tiến Dũng