Hoạt động Xúc tiến thương mại tỉnh Điện Biên cần đánh giá đúng tiềm năng để có chính sách quan tâm phát triển
Điện Biên TV - Để tìm kiếm thị trường, quảng bá hình ảnh và nâng cao hiệu qủa hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Điện Biên nhất là trong bối cảnh sức cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt thì công tác xúc tiến thương mại đang trở thành đòn bẩy hữu hiệu nhất để tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh tìm đầu ra cho sản phẩm hàng hóa và mở rộng thị trường tiêu thụ. Song để thực hiện được hoạt động đó thì cần phải đánh giá và có những chính sách quan tâm để phát triển.
Xuất phát từ lợi thế, thế mạnh sẵn có của địa phương, đa phần doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh của tỉnh Điện Biên đã đánh thức và khai thác tiềm năng từ những sản phẩm nông sản của địa phương trở nên có giá trị với thương hiệu lớn, được thị trường đón nhận và đánh giá khá cao như Gạo đặc sản Điện Biên, Chè Tủa Chùa, Cà phê Mường Ảng, Miến rong Điện Biên, các mặt hàng dệt thổ cẩm, thủ công mỹ nghệ và nhiều sản phẩm ở nhiều lĩnh vực khác nhau đang dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Từ đa dạng mẫu mã sản phẩm, chú trọng tới chất lượng; đây chính là đòn bẩy giúp cho những sản phẩm của Điện Biên vươn xa và có mặt trên thị trường ở các tỉnh lớn trong và ngoài nước, trong đó thu hút khá lớn lượng tiêu thụ là khách du lịch
Nhiều mặt hàng Nông sản của địa phương được thị trường đón nhận và đánh giá khá cao như Gạo đặc sản Điện Biên, Chè Tủa Chùa, Cà phê Mường Ảng ... |
Song với bất cập đa số doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh tại tỉnh Điện Biên hiện nay năng lực tài chính và quản lý kinh doanh vẫn còn hạn chế; việc giới thiệu, quảng bá, tiếp cận với thị trường tiêu thụ còn ít; chủng loại các sản phẩm chưa thực sự đa dạng, phong phú; việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm vẫn chưa được doanh nghiệp quan tâm do đó tính cạnh tranh chưa cao, giá trị sản phẩm thấp, nhiều sản phẩm còn thiếu nguyên liệu, làm theo thời vụ, chưa có sức hút đối với khách hàng.
Để đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, quảng bá thương hiệu sản phẩm của địa phương, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp tỉnh Điện Biên tiếp cận tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ. Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh Điện Biên đã tham mưu tổ chức các hội chợ thương mại trên địa bàn tỉnh Điện Biên, điển hình trong thời gian qua như hội chợ thương mại quốc tế vùng Tây Bắc Điện Biên 2014, tổ chức đoàn đi khảo sát thị trường tại tỉnh Nan Thái Lan, chú trọng việc đưa hàng Việt về miền núi, biên giới tại các huyện trong tỉnh. Đồng thời trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa đặc trưng của tỉnh tại các hoạt động xúc tiến thương mại ở nhiều tỉnh, thành phố lớn. Đây thực sự là cơ hội nhằm kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại. Song những hoạt động đó lại chưa nhận được những chính sách quan tâm hỗ trợ, đánh giá đúng giá trị để khai thác những tiền năng, lợi thế của địa phương. Bà Nguyễn Thị Minh, Giám đốc Trung tâm XTTM tỉnh cho biết: Tỉnh Điện Biên đặc thù là một tỉnh kinh tế khó khăn từ đó mà nguồn lực cho hoạt động xúc tiến thương mại rất là hạn hẹp, đối với các hoạt động XTTM trong tỉnh nhu cầu doanh nghiệp rất lớn, để tuyên truyền quảng bá sâu rộng các mặt hàng thế mạnh của tỉnh đặc biệt là mặt hàng nông sản thì các doanh nghiệp phải tham gia các hội chợ lớn trên toàn quốc và điều đầu tiên các doanh nghiệp cần hỗ trợ đó là chi phí thêu gian hàng, đối với tỉnh Điện Biên chi phí thêu gian hàng thấp nhưng chi phí thêu gian hàng các tỉnh miền xuôi rất cao, vì thế để quảng bà các sản phẩm đặc sản của vùng miền thì các doanh nghiệp rất cần hỗ trợ chi phí vận chuyển cũng như thêu gian hàng...
Trên thực tế việc đem các sản phẩm là thế mạnh của tỉnh đặc biệt là các mặt hàng nông sản tham gia hội chợ trên toàn quốc để quảng bá sản phẩm là điều cần thiết nhưng chí phí cho gian hàng, vận chuyển lại khá cao gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động XTTM |
Có thể khẳng định các hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã trở thành cầu nối quan trọng trong việc thúc đẩy và tạo cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà phân phối với người tiêu dùng song những hoạt động đó chủ yếu vẫn là do doanh nghiệp tự vận động, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường, để sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh tỉnh Điện Biên đang rất cần có những chính sách quan tâm, hỗ trợ đúng mức để đánh thức những tiềm năng và giá trị vốn có hiện nay./.
Như Quỳnh- Minh Hòa