Vấn đề quy hoạch, phát triển Cây cao su tại huyện Mường Chà tỉnh Điện Biên
Điện Biên TV - Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và kế hoạch của tỉnh, từ năm 2009, Cây cao su đã được đưa vào trồng tại huyện Mường Chà. Theo quy hoạch, huyện Mường Chà đã bố trí trên 15 nghìn ha đất nông, lâm nghiệp để trồng Cây cao su. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai quy hoạch đã phát sinh những tồn tại vướng mắc cần được điều chỉnh kịp thời. Mới đây, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt dự án điều chỉnh quy hoạch phát triển Cây cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến năm 2020. Theo đó, căn cứ trên tình hình thực tế huyện Mường Chà sẽ chỉ quy hoạch trên 5000 ha để trồng Cây cao su.
Xuất phát từ tình hình thực tế UBND tỉnh đã phê duyệt dự án điều chỉnh Quy hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh theo hướng giảm diện tích cho phù hợp với tình hình hiện tại |
Theo Quyết định số 1305/QĐ-UBND, ngày 30 tháng 7 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên về việc quy hoạch phát triển cây cao su đến năm 2020, tổng diện tích được quy hoạch trồng cao su là 72.900 ha trên địa bàn 35 xã, phường, thị trấn thuộc 7 huyện, thành phố. Tuy nhiên, xuất phát từ tình hình thực tế phát sinh những khó khăn, vướng mắc cũng như những thay đổi, điều chỉnh của các bộ ngành trung ương. Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án điều chỉnh Quy hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh theo hướng giảm diện tích cho phù hợp với tình hình thực tế. Theo đó, tổng diện tích quy hoạch phát triển cây cao su đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh ta là trên 38.800 ha, giảm trên 34 nghìn ha tương đương trên 46% so với quy hoạch năm 2009. Đối với huyện Mường Chà, một trong những địa phương tiến hành đưa cây cao su vào trồng đầu tiên, tổng diện tích quy hoạch mới còn 5.095 ha giảm 67% tương đương trên 10 nghìn ha so với quy hoạch ban đầu. Ông Đinh Xuân Tiến – Phó chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết: Việc điều chỉnh giảm diện tích quy hoạch cây cao su là hoàn toàn phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế tại địa phương. Bởi đến thời điểm hiện tại tổng diện tích trồng cây cao su trên địa bàn huyện mới đạt gần 1.300 ha và các diện tích cao su đã trồng hầu hết ở độ cao dưới 600 m. Theo quy hoạch mới diện tích quy hoạch trồng cao su dưới 600 m cũng chiếm phần lớn với 3.500 ha, từ 600 – 700 m chỉ gần 1.600 ha. Các diện tích đất chuyển đổi theo quy hoạch mới vẫn đảm bảo tiêu chí là đất lâm nghiệp chưa có rừng và đất có rừng nghèo thuộc quy hoạch phát triển rừng sản xuất, diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên đất dốc kém hiệu quả. Vì thế, việc quy hoạch đất trồng cây cao su không ảnh hưởng đến quỹ đất phát triển nông, lâm nghiệp của huyện.
Cũng giống như những địa bàn khác trong giai đoạn đầu, xã Na Sang gặp không ít những khó khăn trong việc tuyên truyền vận động nhân dân tham gia góp đất, ủng hộ việc trồng cây cao su. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp cấp ủy, chính quyền địa phương đã cho người dân thấy rõ những lợi ích của cây cao su mang lại và ủng hộ chủ trương của đảng, nhà nước. Đến nay, tổng diện tích cao su thực trồng trên địa bàn xã là 518 ha, lớn nhất trong số các xã, thị trấn của huyện Mường Chà đã trồng cây cao su. Ông Lường Văn Kiêm chủ tịch UBND xã Na Sang cho biết: Xã có diện tích tự nhiên trên 11.400 ha trong đó đất rừng dành cho sản xuất là trên 7000 ha. Trong diện tích đất lâm nghiệp bố trí dành cho rừng sản xuất diện tích đất chưa có rừng trạng thái Ib, Ic có tới 2.600 ha phù hợp để quy hoạch phát triển cây cao su. Tuy nhiên, đa số diện tích có độ dốc lớn, chia cắt hoặc nằm trên độ cao trên 700 m không phù hợp để cây cao su sinh trưởng phát triển thuận lợi cũng như gây khó khăn cho quá trình chăm sóc, thu hoạch sau này. Vì vậy, những diện tích thuận lợi và phù hợp đã được triển khai trồng cây cao su theo đúng quy hoạch. Đối với các diện tích đất lâm nghiệp không thích hợp để trồng cây cao su, xã tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân bảo vệ, phát triển rừng đảm bảo duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 37%; Đối với các diện tích đất nông nghiệp duy trì trên 500 ha để đảm bảo sản lượng lương thực, đồng thời vận động nhân dân tích cực chuyển đổi trồng các loại cây nông nghiệp cho giá trị kinh tế cao như dứa, sắn, ngô.
Diện tích Cây cao su trồng qua các năm ở huyện Mường Chà hiện tại đều sinh trưởng và phát triển tốt |
Có thể nói, việc đưa cây cao su vào trồng đã làm thay đổi hẳn diện mạo của núi rừng Mường Chà. Những diện tích đồi trọc, những vạt rừng lúp xúp cỏ bụi trước đây giờ đã được phủ màu xanh của cao su. Những diện tích cao su trồng từ năm 2009 đã đạt độ cao 6 – 8 m với đường kính thân đối với những cây lớn có thể đạt từ 10 – 15 cm, đạt tiêu chuẩn khai thác mủ. Và qua thực tế khảo sát nhiều diện tích cao su đã có mủ. Hiện nay, tổng số diện tích cao su đã trồng và thuộc diện quản lý của nông trường cao su Mường Chà là gần 1300 ha. Trong đó, diện tích trồng lần lượt trong các năm, năm 2009 trồng 365 ha, năm 2010 - 251 ha, năm 2011 - 141 ha, 2013 trồng 274 ha và trong năm 2014 này là 155 ha. Ông Hồ Phi Đảng – Giám đốc nông trường cao su huyện Mường Chà cho biết: Hiện nay, tất cả các diện tích cao su trồng qua các năm đều sinh trưởng và phát triển tốt, đạt các tiêu chuẩn của công ty đặt ra. Tuy nhiên xuất phát từ tình hình thực tế và kế hoạch của công ty cũng như tập đoàn cao su Việt Nam, trong năm 2015 này, nông trường chủ yếu tập trung vào chăm sóc các diện tích cao su đã trồng, còn diện tích trồng mới hầu như không có, cây giống ươm chủ yếu phục vụ việc trồng dặm các diện tích cao su đã trồng trong năm 2013,2014.
Cây cao su là loại cây đa mục đích được đánh giá phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của huyện Mường Chà. Từ khi được đưa vào trồng đã tạo công ăn việc làm tăng thu nhập đáng kể cho người dân địa phương khi đăng ký trở thành công nhân của nông trường và làm lao động thời vụ tạo băng, đào hố, chăm sóc cao su. Đến khi cây cao su cho khai thác mủ, người dân góp đất sẽ được hưởng lợi từ 8 – 10 triệu đồng/ha từ việc chia phần trăm từ sản phẩm mủ cao su. Xác định rõ những hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường của việc trồng cây cao su mang lại, huyện Mường Chà đã đề ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác quy hoạch và thực hiện phát triển cây cao su trên địa bàn theo định hướng chung của tỉnh. Theo đó, huyện chỉ đạo các phòng chức năng khẩn trương rà soát, xây dựng bổ sung việc quy hoạch đất nông lâm nghiệp chuyển đổi sang trồng cây cao su trên đạ bàn huyện. Ngoài các diện tích đất quy hoạch tại xã Na Sang, Mường Mươn, Sa Lông, thị trấn huyện Mường Chà sẽ bố trí quỹ đất nông, lâm nghiệp phù hợp tại xã Pa Ham. Diện tích quy hoạch tại đây là khoảng 100 ha. Từ đó, đảm bảo diện tích cao su thực trồng dự kiến đến năm 2020 trên địa bàn huyện đạt khoảng 3000 ha trong đó diện tích cao su đại điền là 2500 ha, diện tích cao su tiểu điền là 500 ha. Bên cạnh giải pháp về đất đai, huyện cũng xác định thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su theo quyết định số 16 ngày 30/5/2011 và chính sách hỗ trợ trồng cây cao su tiểu điền theo quyết định số 02 ngày 13/3/2014 của UBND tỉnh. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với nông trường cao su Mường Chà thuộc công ty cổ phần cao su Điện Biên tăng cường công tác tuyên truyền vận động các hộ gia đình có diện tích đất phù hợp tiếp tục góp đất trồng cao su, đảm bảo đạt các mục tiêu mà kế hoạch phát triển diện tích cây cao su đề ra.
Từ khi Cây cao su được đưa vào trồng đã tạo công ăn việc làm tăng thu nhập đáng kể cho người dân địa phương |
Hi vọng với chủ trương đúng đắn của tỉnh và các giải pháp kịp thời trong việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch diện tích trồng cây cao su, huyện Mường Chà sẽ bố trí được quỹ đất phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho cây cao su phát triển. Để cây cao su thực sự mang lại hiệu quả góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của đồng bào nhân dân các thôn, bản trên địa bàn. Đồng thời vẫn đảm bảo được quỹ đất phát triển nông, lâm nghiệp của huyện đảm bảo cơ cấu kinh tế và các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội huyện đã đề ra.
Chu Linh – Ngọc Bích