Thu ngân sách đạt 106,2% dự toán
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao.
Ngày 24/12, tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (TC-NSNN) năm 2014, triển khai nhiệm vụ TC-NSNN năm 2015, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết: Trong năm 2014, công tác thu, chi NSNN đã được điều hành quyết liệt; phấn đấu tăng thu; quản lý chi chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính. Cụ thể, thu NSNN tính đến ngày 22/12/2014 là 831,19 nghìn tỷ đồng, đạt 106,2% dự toán, bằng 98,2% số ước thu cả năm đã báo cáo Quốc hội; trong đó: thu nội địa đạt 105% dự toán, bằng 98,6% mức đánh giá cả năm đã báo cáo Quốc hội; thu dầu thô đạt 118,4% dự toán, bằng 94,3% mức đánh giá cả năm đã báo cáo Quốc hội; thu cân đối từ hoạt động XNK đạt 104,5% dự toán, bằng 100,1% mức đánh giá cả năm đã báo cáo Quốc hội. Ước tính cả năm thu NSNN đảm bảo mức đánh giá đã báo cáo Quốc hội là 846,4 nghìn tỷ đồng. Hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao.
Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương; tăng cường quản lý thu, chống thất thu; tăng cường kiểm tra, thanh tra thuế; tập trung xử lý nợ đọng thuế; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế GTGT, hoạt động kinh doanh tạm nhập-tái xuất, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, khởi tố đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về thuế.
Triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, ngay từ đầu năm Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành và địa phương tăng cường quản lý, sử dụng kinh phí và tài sản được giao chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; chi trong phạm vi dự toán được giao, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi quy định; chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng.
Về chi NSNN, theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, đảm bảo theo dự toán được giao. Trong điều hành, đã đảm bảo nguồn theo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ theo dự toán được giao; đồng thời thực hiện các nhiệm vụ quan trọng như: khắc phục hậu quả thiệt hại do bão lũ, thiên tai, dịch bệnh gây ra; bổ sung kinh phí thực hiện nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh. Công tác huy động vốn được triển khai quyết liệt, nhờ đó đảm bảo nguồn bù đắp bội chi NSNN, đáp ứng nhu cầu cho đầu tư phát triển và các nhu cầu khác của NSNN. Khối lượng TPCP phát hành tăng 39%, kỳ hạn dài hơn.
Bên cạnh nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN Bộ Tài chính tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia, đảm bảo khả năng trả nợ. Cụ thể, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ: Tình hình thực hiện vay, trả nợ năm 2013 và kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ năm 2014; hạn mức vay thương mại nước ngoài của Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh năm 2014; Phê duyệt phương án tái cơ cấu nợ gốc trái phiếu quốc tế. Trên cơ sở đó đã tổ chức phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế kỳ hạn 10 năm, với lãi suất 4,8%/năm, thấp hơn khoảng 2%/năm so với mức lãi suất của các trái phiếu cũ. Trong điều hành, đảm bảo chi trả nợ đầy đủ, đúng hạn (cả gốc và lãi) trong phạm vi dự toán; thường xuyên theo dõi, đánh giá về an toàn nợ công; đảm bảo các chỉ tiêu nợ nằm trong giới hạn cho phép. Tăng cường quản lý chặt chẽ nợ của chính quyền địa phương. Hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc địa phương phát hành trái phiếu để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH. Đồng thời, Bộ Tài chính đã báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, nâng mức trần dư nợ huy động vốn cho một số địa phương trọng điểm thu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng: Năm 2015 có vị trí rất quan trọng, là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011-2015, là năm thứ năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội và chiến lược tài chính 10 năm 2011-2020 và là năm bản lề để tạo tiền đề thực hiện kế hoạch 2016-2020. Đồng thời, cũng là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn cấp quốc gia.
Bộ trưởng cũng nhận định: Tình hình hiện nay cho thấy, sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2015 còn rất khó khăn, nguy cơ suy giảm tăng trưởng tại các nền kinh tế phát triển là rất lớn do ảnh hưởng của các xung đột vũ trang và bất ổn chính trị. Giá cả hàng hoá thị trường thế giới biến động mạnh, đặc biệt là dầu thô và các mặt hàng năng lượng khác. Ở trong nước, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh là quản lý chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm. Dự toán chi NSNN năm 2015 được Quốc hội quyết định là 1.147,1 nghìn tỷđồng, tăng 140,1 nghìn tỷ đồng (13,9%) so dự toán năm 2014 (song chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu tăng chi tối thiểu). Do vậy, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt nguyên tắc triệt để, tiết kiệm, gắn với hiệu quả công việc, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính; đặc biệt phải kiểm soát chặt chẽ chi cho các hoạt động tổ chức đại hội, hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài, chi cho hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, động thổ, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác; bố trí kinh phí tổ chức đại hội Đảng các cấp, tổ chức các ngày lễ lớn năm 2015 theo tinh thần triệt để tiết kiệm; yêu cầu các cơ quan, đơn vị có phương án tiết kiệm để thực hiện ngay từ khâu phân bổ dự toán và cả trong quá trình thực hiện; không mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo quy định); chi tiêu trong phạm vi dự toán được giao, hạn chế tối đa bổ sung ngoài dự toán, đề xuất ứng trước dự toán năm sau. Kiểm soát chặt chẽ để giảm mạnh chi chuyển nguồn. Thực hiện công khai việc bố trí và sử dụng kinh phí ngân sách đi công tác nước ngoài của các cơ quan, đơn vị để tăng cường quản lý, giám sát. Thực hiện nghiêm chủ trương không tăng biên chế công chức, viên chức năm 2015, kể cả thành lập thêm tổ chức mới hoặc giao bổ sung nhiệm vụ mới.
Bộ trưởng cho biết thêm, điều hành bội chi NSNN không quá 5%GDP. Trường hợp có tăng thu NSTW, xem xét ưu tiên để trả nợ và giảm bội chi NSNN; tiếp tục xử lý các khoản nợ của ngân sách, như nợ Quỹ hoàn thuế GTGT, nợ cấp bù chênh lệch lãi suất 2 Ngân hàng chính sách, nợ ứng chi đầu tư XDCB...; các địa phương có tăng thu NSĐP thì phải ưu tiên bố trí xử lý nợ đọng XDCB, trả nợ các khoản huy động của địa phương. Quyết liệt công tác huy động vốn. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, đảm bảo trong giới hạn cho phép; bố trí thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn./.
Theo VOV