Phát triển chăn nuôi, hướng thoát nghèo ở Mường Nhé
Điện Biên TV - Là huyện biên giới, Mường Nhé có địa hình chia cắt, độ dốc lớn, trình độ thâm canh còn hạn chế nên trong nhiều năm trở lại đây, Mường Nhé xác định cùng với sản xuất nông nghiệp thì chăn nuôi là một trong những thế mạnh của huyện. Từ điều kiện đồng cỏ rộng lớn, huyện đã có những định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển chăn nuôi, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân mở rộng các mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Thực tế những năm gần đây cho thấy, phát triển chăn nuôi đang là hướng đi đúng đắn giúp người dân xóa đói giảm nghèo và là những bước tiến khả quan trên hành trình xoá đói ở cái huyện nghèo nhất cả nước này.
Thông qua sự ủy thác của các tổ chức, đoàn thể của huyện mà nhiều người dân đã được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. |
Mường Nhé là huyện biên giới đặc biệt khó khăn nằm ở phía tây bắc của tỉnh. Mặc dù có diện tích đất tự nhiên rộng, tuy nhiên Mường Nhé vẫn là địa phương kinh tế phát triển chậm, bởi đa số người dân sống bằng sản xuất nông nghiệp gắn với chăn nuôi gia súc với phương thức lạc hậu, kém hiệu quả. Trước đây, bà con chủ yếu nuôi đại gia súc như trâu, bò, ngựa để làm sức cày kéo; nuôi lợn, gà cũng chỉ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình chứ chưa có ý thức phát triển chăn nuôi để tạo nguồn thu nhập. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng của huyện thì việc phát triển chăn nuôi gia súc ở Mường Nhé vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa mới phát triển ở một số xã như: Sín Thầu, Mường Nhé, Nậm Kè, Mường Toong. Những xã còn lại thì việc phát triển chăn nuôi vẫn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân là do người dân chưa ý thức được vai trò và tầm quan trọng của phát triển chăn nuôi trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Thực tế đã cho thấy, hiện nay vẫn còn rất nhiều trường hợp người dân vẫn chưa thực sự chú trọng tới công tác phòng, trừ dịch bệnh cho đàn gia súc. Cùng với đó, do là huyện biên giới, vùng cao, giao thông đi lại khó khăn; mạng lưới thú y mặc dù đã hình thành nhưng còn yếu về mặt chuyên môn nghiệp vụ, chưa đáp ứng được nhu cầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, do trình độ dân trí không đồng đều, người dân còn giữ tập quán chăn thả gia súc tự do, thiếu kiểm soát; chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp. Chính những yếu tố trên đã tác động không nhỏ tới việc phát triển chăn nuôi gia súc ở Mường Nhé. Điều này lý giải vì sao mà mỗi năm Trạm Thú y Mường Nhé mới chỉ triển khai tiêm vắc xin phòng trừ dịch bệnh cho khoảng gần 70% số lượng gia súc trên địa bàn. Anh Phạm Đình Sử, Trạm Thú y huyện Mường Nhé cho biết: "Trong quá trình triển khai tiêm phòng, đơn vị đã gặp một số khó khăn nhất định như: Trình độ dân trí của người dân còn hạn chế, họ chưa hiểu hết được hiệu quả của các loại vắc xin, do đó trong quá trình triển khai tiêm thì người dân vẫn chưa đưa hết số trâu, bò ở trên nương về; lực lượng thú y còn tương đối mỏng, thú y thôn bản còn thiếu và yếu, vì vậy đã gây khó khăn cho việc triển khai đồng bộ vắc xin xuống các thôn bản."
Từ lâu, chăn nuôi đã được huyện Mường Nhé xác định là một mũi nhọn trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa. Mục tiêu của huyện Mường Nhé đặt ra là mỗi năm tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt khoảng 5 đến 6%. Để đạt được mục tiêu này, huyện Mường Nhé đã có nhiều chính sách ưu đãi giúp nhân dân phát triển đàn gia súc. Thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đầu tư vào địa bàn, người dân đã được hỗ trợ về mọi mặt, từ con giống, thức ăn đến hỗ trợ kinh phí xây dựng chuồng trại, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ thuốc, vắc xin tiêm phòng, bảo vệ đàn gia súc. Ngoài ra, huyện Mường Nhé luôn chú trọng vận động, hỗ trợ nhân dân tập trung đầu tư phát triển chăn nuôi. Thời gian qua, huyện Mường Nhé đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển. Huyện tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về hiệu quả kinh tế trong phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Đồng thời, huyện cũng tuyên truyền nhân rộng các mô hình, gia đình tiêu biểu trong phát triển chăn nuôi và khuyến khích phát triển chăn nuôi đại gia súc theo mô hình trang trại.
Hiện nay, tổng đàn gia súc của huyện Mường Nhé có khoảng 24.000 con |
Từ năm 2009 đến năm 2013, từ nguồn vốn Nghị quyết 30a của Chính phủ, huyện Mường Nhé đã tiến hành hỗ trợ 630 con trâu, bò giống cho các hộ nghèo trên địa bàn với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng. Đến nay, số trâu, bò giống được hỗ trợ đều phát triển tốt, trong đó có nhiều con đã sinh sản cho con giống mới. Về cơ bản công tác hỗ trợ từ chương trình 30a đã phần nào đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đặc biệt, từ dự án hỗ trợ gia súc cùng với những dự án khác đã góp phần giúp nhiều hộ nghèo ở huyện vùng cao, biên giới nghèo Mường Nhé dần ổn định kinh tế, xoá đói giảm nghèo hiệu quả.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên nông dân và bà con nông dân trong việc tiếp cận với nguồn vốn vay, những năm qua, các tổ chức đoàn thể xã hội của huyện đã chủ động phối hợp với các ngân hàng ký ủy thác, hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi để người dân đẩy mạnh đầu tư phát triển chăn nuôi. Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Nhé, hiện nay, tổng dư nợ của ngân hàng đã lên tới 175 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo cả 2 huyện Nậm Pồ và Mường Nhé là 97 tỷ đồng. Phần lớn số vốn vay được người dân đầu tư cho phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Theo đánh giá của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Nhé, về cơ bản nguồn vốn vay được người dân sử dụng đúng mục đích và đã phát huy tốt hiệu quả của nguồn vốn vay ưu đãi này. Thống kê cho thấy, hiện nay, tổng đàn gia súc của huyện Mường Nhé có khoảng 24.000 con, trong đó có gần 7.000 con trâu, hơn 3.500 con bò và 11.700 con lợn. Nhìn chung, có thể khẳng định được rằng, lĩnh vực chăn nuôi của Mường Nhé đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của nền kinh tế huyện. Đàn gia súc tăng cả số lượng và chất lượng. Sản phẩm chăn nuôi đã từng bước trở thành hàng hoá, góp phần nâng cao nguồn thu nhập của bà con.
Từ những kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền huyện Mường Nhé đã có những giải pháp cụ thể, nhằm xây dựng một nền móng vững chắc cho phát triển chăn nuôi. Song song với việc hỗ trợ về vốn, giống từ các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước thì Mường Nhé sẽ tích cực phối hợp, liên kết với các ngành, đơn vị chuyên môn mở lớp đào tạo, tập huấn kiến thức cho nông dân về phòng, chữa bệnh cho đàn gia súc; tiếp tục chú trọng tới việc trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi cho người dân. Đây là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả trong phát triển chăn nuôi. Bởi chỉ có thay đổi tư duy và phương thức chăn nuôi lạc hậu, manh mún bằng việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật và mở rộng quy mô chăn nuôi mới có thể giúp người dân dần hướng tới một nền chăn nuôi theo hướng hàng hóa./.
Minh Thịnh – Anh Tuấn