Nợ xấu đang có nguy cơ tăng trở lại

Thứ Năm, 09/10/2014, 15:58 [GMT+7]

Giải quyết nợ xấu không còn là vấn đề riêng của hệ thống ngân hàng, mà đã và đang là vấn đề đặt ra cần sớm được giải quyết của bài toán kinh tế vĩ mô.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại. Dự kiến trong tháng 10 này, Quốc hội sẽ báo cáo về kết quả giám sát tối cao quá trình tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng.

1
Giải quyết nợ xấu gắn với bài toán về kinh tế vĩ mô (Ảnh minh họa: KT)

 

Tính đến thời điểm này, tiến trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng đã đạt được một số kết quả khả quan nhưng nhịp độ đang có dấu hiệu chững lại. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, giải quyết nợ xấu không còn là vấn đề riêng của hệ thống ngân hàng, mà đã và đang là vấn đề đặt ra cần sớm được giải quyết của bài toán kinh tế vĩ mô.

 Rủi ro hệ thống giảm dần

Tính đến thời điểm hiện tại, thành công nổi bật nhất của quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước là việc đảm bảo được tính thanh khoản hệ thống, không để xảy ra đổ vỡ, tạo sự ổn định trong ngành. Từ đó, tạo điều kiện để ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, rủi ro hệ thống giảm dần, an toàn hệ thống và khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng được cải thiện. Tuy nhiên, theo nhận định của TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì nợ xấu đang có nguy cơ tăng trở lại, do có một số tổ chức, cá nhân vì một số lợi ích nên cố gắng níu lại và kìm hãm việc bán, giãn tiến độ bán nợ xấu và như vậy sẽ làm cho dòng tiền đi không như mong muốn.

“Một trong những vấn đề trọng tâm trong thời gian tới, tiếp tục xử lý vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong lĩnh vực ngân hàng. Dư luận xã hội và thực tế diễn biến của nền kinh tế đòi hỏi chúng ta cũng phải quyết liệt xử lý vấn đề này. Ngoài ra, cũng phải rà soát lại các văn bản pháp quy để hỗ trợ cho việc xử lý sở hữu chéo cho đồng bộ”- ông Kiên lưu ý.

Phân tích về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu, TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng: Khi kinh tế suy giảm thì các khoản doanh nghiệp vay ngân hàng cũng khó có khả năng trả nợ là điều tất yếu và nợ xấu gia tăng. Ngoài ra, một số nguyên nhân dẫn tới nợ xấu có thể kể tới như: tình trạng tăng trưởng tín dụng quá mức và tập trung vào một số ngành, đặc biệt là những ngành phi sản xuất; khả năng sinh lời và chất lượng thẩm định khoản vay kém; rủi ro đạo đức.

Vấn đề đặt ra hiện nay, theo ông Lịch, phải xử lí nợ xấu với tất cả các biện pháp, ví dụ như vấn đề trích lập dự phòng. Hiện nay trích lập dự phòng đang khiến nguy cơ các ngân hàng thương mại không còn lợi nhuận để trích lập xử lý. Bài toán đặt ra phải xử lý quyết liệt mạnh mẽ kể cả một dòng vốn cần thiết bơm vào hệ thống ngân hàng để xử lí nợ xấu trong thời gian ngắn nhất.

VAMC cần thêm nhiều quyền hạn đặc biệt hơn

Để thúc đẩy tiến trình xử lý nợ xấu có hiệu quả, theo nhiều chuyên gia kinh tế một trong những yếu tố quan trọng là cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh quá trình xử lý nợ xấu. Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Quốc hội cần trao cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thêm nhiều quyền hạn đặc biệt hơn thì mới có thể xử lý hiệu quả nợ xấu, đặc biệt, Việt Nam cần phát triển thị trường mua bán nợ và tài sản bảo đảm.

"Để xử lý nợ xấu, câu chuyện ở Việt Nam không chỉ xử lí nợ xấu có tài sản đảm bảo mà còn gắn với câu chuyện VAMC mà xử lý cả nợ xấu của các doanh nghiệp Nhà nước vì nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước rất nhiều khoản không có tài sản đảm bảo mà gắn với đặc thù tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, nợ xấu của Việt Nam tài sản đảm bảo cơ bản là bất động sản, ở nhiều nước cũng vậy, để xử lý vấn đề này thì thị trường bất động sản cũng cần sôi động và giao dịch trở lại”- ông Thành lý giải.

Ba nhóm mục tiêu quan trọng nhất của quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là mua bán, sáp nhập các tổ chức tín dụng, tăng vốn điều lệ và xử lý nợ xấu, cần phải có thời gian và những giải pháp để giải quyết triệt để, vì đây là một việc khó đối với bất kể quốc gia nào trong quá trình thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành chức năng để rà soát lại những vướng mắc tại Nghị định 53 về xử lý nợ xấu của Chính phủ, để sửa đổi, tháo gỡ khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu./.
 

 

Theo VOV

.