Doanh nghiệp dược phẩm trong nước đang tự đấu nhau?
Các nhà máy dược ở TP HCM chỉ vận hành công suất không quá 50%, nhiều sản phẩm làm ra trùng lắp nhau… nên nhiều đơn vị đã thua khi đấu thầu thuốc.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang có nhiều thuận lợi trong việc phát triển công nghiệp hóa dược, chủ động nguồn thuốc cung cấp cho các bệnh viện tại thành phố. Tuy nhiên, tại thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, thuốc do các công ty dược trong nước sản xuất chỉ đáp ứng 50% nhu cầu điều trị của người dân, còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài. Điều gì khiến cho thành phố Hồ Chí Minh dù có nhiều thuận lợi nhưng vẫn không thể phát triển được ngành công nghiệp hóa dược?
Công nghiệp hóa dược
So với các địa phương khác trong cả nước, thành phố Hồ Chí Minh có nhiều thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp hóa dược, cung cấp các nguyên liệu dược để bào chế thành thuốc. Tuy nhiên, đây là ngành công nghiệp kém phát triển hơn so với công nghiệp bào chế thuốc. Hiện nay, 25 nhà máy sản xuất dược đạt tiêu chuẩn GMP WHO tập trung ở TP HCM, chiếm tỷ lệ 20% so với cả nước. Những nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP WHO này được phép nhập trực tiếp nguyên liệu dược để bào chế thuốc.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi có những nhà máy được đầu tư từ vài triệu đến vài chục triệu USD. Nếu đứng về kỹ thuật thì có thể làm được từ những thuốc đơn giản nhất cho đến những thuốc công nghệ cao như công nghệ sinh học, tái tổ hợp gien. Và các nhà máy này được bố trí tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao TPHCM”.
Ngành công nghiệp hóa dược được xác định là một trong 4 ngành công nghiệp mũi nhọn theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần 9 của thành phố. Nhưng cho đến nay ngành công nghiệp này chưa phát triển. Vậy nguyên nhân do đâu? Theo dược sĩ Trịnh Đào Cung, Tổng Giám đốc công ty xuất nhập khẩu y tế (Yteco) thì bản chất vấn đề nằm ở chỗ đầu vào và đầu ra của sản phẩm dược hiện nay. Để có thể cạnh tranh với nhau, các doanh nghiệp dược chủ yếu nhập nguyên liệu với giá rẻ từ Ấn Độ và Trung Quốc, thay vì tự nghiên cứu sản xuất nguyên liệu dược: “Công nghiệp hóa dược hiện nay rất nghèo nàn hay gọi đúng hơn là không có. Nếu như nhà máy đầu tư nghiên cứu về hóa dược thì chi phí sẽ cao hơn so với việc nhập nguyên liệu về. Nhà máy này nhập chênh lệch với nhà máy kia 1 USD trên/kg thì đã không cạnh tranh nổi rồi, cộng thêm với chi phí nghiên cứu về hóa dược thì dám chắc không thể cạnh tranh được”.
Việc đầu tư sản xuất nguyên liệu hóa dược không được các doanh nghiệp mặn mà ngoài lí do sức ép giá cả còn do ngành công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp hóa dược chưa được chú ý phát triển. Để có được nguyên liệu dược, các nhà máy phải nhập về không chỉ các trang thiết bị máy móc đắt tiền mà còn cả những chai nước tinh khiết, dụng cụ làm sạch nguyên liệu, những chai nước axit đủ chuẩn để dùng trong hóa dược… Chính vì vậy, hiện nay hơn 90% nguyên liệu cho sản xuất thuốc và phần lớn các hóa chất cơ bản, hóa chất trung gian các doanh nghiệp trong nước phải nhập khẩu và bị lệ thuộc hoàn toàn vào sự chi phối giá cả của các tập đoàn dược phẩm trên thế giới. Cả nước chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp là công ty hóa dược phẩm Mekophar tại thành phố Hồ Chí Minh sản xuất được nguyên liệu làm thuốc kháng sinh là hoạt chất Amoxillin và Ampicillin và 6 doanh nghiệp khác đăng kí sản xuất hóa dược. Tuy nhiên, hiện nay Mekophar cũng không còn mặn mà với việc sản xuất nguyên liệu kháng sinh khi quyết định ngưng đầu tư sản xuất nguyên liệu kháng sinh Cephalexin nằm trong Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược quốc gia vì không nhận được hỗ trợ về chính sách.
Bà Huỳnh Thị Lan, Tổng Giám đốc công ty Hóa dược phẩm Mekophar cho biết: “Vào cuộc họp thì ai cũng nói là sẽ hỗ trợ. Nhưng khi về, 1 tháng sau thì mọi chuyện vẫn như cũ. Một nhà máy kháng sinh ami – amoc mười mấy năm rồi còn chưa có chính sách huống chi nhà máy mới cephalexin này. Làm không lời tôi vẫn làm vì tôi nghĩ là ủng hộ cho ngành dược. Dù rất say sưa nhưng chúng tôi vẫn phải xin ngưng toàn bộ nhà máy cephalexin”.
Gà cùng một mẹ nhưng lại “đá” nhau?
Dù công nghiệp hóa dược được đưa vào Nghị quyết của Đảng bộ thành phố, nhưng vẫn chưa có chính sách cụ thể để hỗ trợ từ nhân lực đến vốn, cơ sở vật chất và cả những khảo sát cụ thể về ngành công nghiệp này. Chính vì vậy, các doanh nghiệp dược hiện chỉ tập trung chủ yếu vào việc sản xuất các loại thuốc thông thường như kháng sinh, hạ nhiệt, giảm đau… ít sản xuất được các thuốc chuyên khoa đặc trị, như: ung thư, tim mạch, huyết áp, thần kinh… Và các nhà máy dược cũng chỉ vận hành công suất không quá 50%, nhiều sản phẩm làm ra trùng lắp với nhau. Thiếu một định hướng phát triển cụ thể nên các doanh nghiệp dược hiện nay cạnh tranh khốc liệt thay vì cùng gắn kết để phát triển. Đây là một trong những lí do khiến trong đợt đấu thầu thuốc tập trung vừa qua, nhiều doanh nghiệp dược có nhà máy lớn trong nước nhưng vẫn bị rớt thầu.
Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Các doanh nghiệp cùng cạnh tranh một mặt hàng thì sao đấu thầu nổi với các doanh nghiệp nước ngoài. Tại sao 3 công ty không cùng sản xuất một mặt hàng? Định hướng tầm cỡ quốc gia chưa có nên các công ty phải liên kết với nhau để sản xuất những mặt hàng có tính cạnh tranh”.
Rõ ràng trong một thị trường đầy tính cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp dược thành phố cần phải chủ động thay đổi để tồn tại, tức là phải liên kết với nhau để cùng hợp tác, phát triển. Song song đó, cấp thiết cần có những chính sách thật sự cụ thể và lâu dài ở cấp quốc gia và của thành phố để phát triển công nghiệp hóa dược. Có như thế doanh nghiệp dược trong nước mới chủ động được nguồn dược liệu để bào chế thuốc điều trị bệnh cho người dân./.
Theo VOV