Điện Biên bắt đầu lộ trình xóa bỏ gạch đất sét nung

Thứ Tư, 15/10/2014, 16:29 [GMT+7]

Điện Biên TV - Theo Kế hoạch triển khai Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 và lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn tỉnh Điện Biên, tỉnh đặt mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng loại vật liệu xây không nung (VLXKN) thay thế gạch đất sét nung đạt gần 65% vào năm 2015, khoảng 81% vào năm 2020.

Ông Nguyễn Thành Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Điện Biên, cho biết: đơn vị đã phối hợp với Viện Vật liệu xây dựng tổ chức lập Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Điện Biên giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại QĐ số 231/QĐ-UBND ngày 7/4/2014. Theo đó, phấn đấu đến năm 2015, phát triển VLXKN trên địa bàn toàn tỉnh thay thế gạch đất sét nung đạt khoảng 65%, trên 80% vào năm 2020. Trong đó tập trung tại khu vực TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên có ít nhất 4 cơ sở sản xuất gạch không nung với tổng công suất khoảng 40 triệu viên/năm, đến 2020 phấn đấu đạt 100 triệu viên/năm; năm 2015, các huyện, thị còn lại có 16 cơ sở sản xuất gạch không nung với tổng công suất 80 triệu viên/năm, đến năm 2020 nâng công suất lên khoảng 160 triệu viên/năm.

v
Sản xuất VLXKN tại huyện Mường Ảng.


Cũng theo lộ trình, kế hoạch, từ đầu năm 2015, tất cả các công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn nhà nước bắt buộc phải sử dụng VLXKN (TP. Điện Biên Phủ phải sử dụng tối thiểu 65%; các huyện, thị còn lại phải sử dụng tối thiểu 30%, sau năm 2015 là 50%).

Bắt đầu từ tháng 10/2014 trở đi, tỉnh sẽ không cấp phép đầu tư các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò đứng liên tục và lò vòng. Phấn đấu đến cuối năm 2015, cơ bản thực hiện xong việc xóa bỏ các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục. Riêng các lò thủ công hiện có ở các xã, bản của các huyện: Mường Nhé, Điện Biên Đông, Nậm Pồ cho phép tồn tại đến hết năm 2015. Đến năm 2017, xóa bỏ toàn bộ lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than, dầu, khí...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 doanh nghiệp: Công ty TNHH Đại Thắng (xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo), Công ty CP Đầu tư Thương mại Hưng Long (xã Pom Lót, huyện Điện Biên) đã đầu tư xong cơ sở sản xuất gạch không nung và đã cho ra sản phẩm với công suất 10 triệu viên/năm; có 6 doanh nghiệp đã làm văn bản đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan chức năng chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng. Ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp đang có nguyện vọng đầu tư dây chuyền sản xuất loại vật liệ này tại huyện Mường Ảng, Mường Nhé...

Đánh giá từ các cơ quan chuyên môn, VLXKN có nhiều ưu điểm hơn hẳn gạch đất sét nung, trước hết là có thể sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, như: xi măng, đá mạt, cát. Suất đầu tư nhỏ, dây chuyền công nghệ 10 triệu viên/năm chỉ khoảng 1,5 tỷ đồng (trong khi gạch tuynel có suất đầu tư 1,5 tỷ đồng/1 triệu viên). Chất lượng của loại VLXKN lại cao hơn hẳn gạch đất sét nung, cường độ chịu lực từ 75 - 100kg/cm2 (cao gấp 2 lần gạch đất sét nung). Ngoài ra, việc sản xuất loại VLXKN ít gây ô nhiễm môi trường, không có chất thải, khói bụi và giá thành chỉ bằng 70 - 75% giá gạch đất sét nung.

Để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung, ngành Xây dựng kiến nghị UBND tỉnh và các ngành liên quan cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi có nguyện vọng đầu tư sản xuất; thực hiện chính sách hỗ trợ ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp theo quy định như miễn giảm tiền thuê, sử dụng đất, thuế thu nhập; hỗ trợ đầu tư các công trình ngoài hàng rào như đường giao thông, cấp thoát nước, cấp điện...; hỗ trợ đào tạo, chuyển giao công nghệ...
 

Dương Huyền

.