Dân chặn đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai: Nhà thầu qua cầu rút ván?
Tại Km 238 thuộc địa bàn xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai có một số người dân đã đem vật cản ra đường gây ắch tắc giao thông.
Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, tuyến đường cao tốc dài nhất, hiện đại nhất và tốn nhiều tiền xây dựng nhất Việt Nam mới khánh thành thông xe ngày 21/9 vừa qua. Tuy nhiên, đến ngày 7/10, tại Km 238 thuộc địa bàn xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai có một số người dân đã đem vật cản ra đường gây ắch tắc giao thông.
Ông Đinh Mạnh Hà – Phụ trách Ban điều hành nhà thầu Vinaconex thi công gói thầu A8 cao tốc Nội Bài – Lào Cai cho biết: Nhà thầu chính Vinaconex đã cho nhà thầu phụ là Công ty trách nhiệm hữu hạn Thành Đạt (trụ sở tại Hà Nội) thi công một số hạng mục như: làm rãnh thoát nước, đường gom dân sinh, trồng cỏ…
Dân chặn đường cao tốc |
Trị giá hợp đồng này là 2 tỷ 300 triệu đồng. Nhà thầu chính Vinaconex đã ứng cho thầu phụ 900 triệu đồng tiền mặt, Ngoài ra còn cung cấp một số vật liệu như: Xi măng, đá, cát, một số thiết bị thi công trị giá khoảng 500 triệu đồng. Việc để người dân chặn đường cao tốc là do nhà thầu phụ nợ tiền nhân công của người dân địa phương, không liên quan trực tiếp đến nhà thầu chính Vinaconex.
Đại diện nhà thầu chính thì nói vậy, nhưng trên thực tế, Vinaconex vẫn chưa thanh toán hết số tiền gần 1 tỷ đồng cho nhà thầu phụ là công ty trách nhiệm hữu hạn Thành Đạt. Mặc dù các hạng mục này đã được hoàn thành.
Về phía công ty TNHH Thành Đạt, ông Lê Văn Sỹ - Phó Giám đốc công ty cũng đã thừa nhận, việc còn nợ 400 triệu đồng là tiền nhân công của người dân địa phương. Cũng theo ông Sỹ, từ ngày 30/3/2014, công ty Thành Đạt hợp đồng với nhà thầu chính Vinaconex một số phần việc trị giá 2 tỷ 300 triệu đồng. Sau đó, ông Sỹ tiếp tục thuê lại 4 tổ nhân công, khoảng 70 người. Đây là những người dân bản địa ở các xã Gia Phú và xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.
Tuy nhiên, khi các hạng mục công trình đã làm xong thì ông Sỹ là người đại diện không thanh toán tiền nhân công như đã cam kết. Như vậy, đến thời điểm này, nhà thầu phụ của Vinaconex là công ty TNHH Thành Đạt còn nợ khoản tiền nhân công của người dân địa phương số tiền là 400 triệu đồng.
Lý giải về việc này, ông Lê Văn Sỹ - Phó Giám đốc công ty TNHH Thành Đạt biện minh rằng: “Trước thời điểm tháng 8, đã thanh toán hết, còn lại khối lượng của tháng 9 vừa làm xong phải làm hồ sơ thanh toán, nghiệm thu thanh toán xong thì có nguồn tiền để trả cho các tổ nhân công. Bản thân tôi, chính quyền địa phương và các tổ nhân công thống nhất phương án trả tiền là, tôi sẽ có trách nhiệm trả hết cho các tổ nhân công trong thời điểm từ giờ đến hết tháng 11”.
Câu chuyện tưởng chừng giản đơn như đại diện nhà thầu chính Vinaconex và thầu phụ cung cấp, nhưng khi gặp các tổ trưởng nhân công thì lại xuất hiện những thông tin trái chiều.
Chặn đường gây cản trở giao thông là hành vi trái pháp luật |
Ông Phạm Ngọc Thụ, ở thôn Phú Hùng 2, xã Gia Phú cho biết, Công ty Thành Đạt không thực hiện như cam kết với người lao động. Ông Thụ là người đã nhiều năm làm tổ trưởng phụ trách 12 nhân công làm thuê cho công ty trách nhiệm hữu hạn Thành Đạt. Hợp đồng giữa ông với ông Lê văn Sỹ là đổ bê tông rãnh thoát nước, bê tông đường gom dân sinh, hố ga với tổng giá trị hợp đồng là 67 triệu đồng. Theo ông Thụ, lần cuối ông Sỹ tạm ứng cho ông Thụ vào ngày 30/7 với số là 20 triệu đồng. Như vậy số tiền mà ông Lê Văn Sỹ còn nợ ông của tổ ông Phạm Ngọc Thụ là 47 triệu đồng, mặc dù khối lượng công việc đã được làm xong nhưng chưa được nghiệm thu thanh toán.
Ông Thụ nói: “Theo thỏa thuận với nhau, nửa tháng chốt khối lượng là anh Sỹ thanh toán một lần. Hiện tại đến bây giờ, các hạng mục đã hoàn thiện và đã được bên giám sát và bên kỹ thuật nhiệm thu , chốt khối lượng từ tháng 7 đến bây giờ mà anh Sỹ không thanh toán mà cũng không hứa ngày nào trả. Số nợ hiện tại bây giờ còn gần 50 triệu. Mong muốn về phía công ty Thành Đạt thời gian sớm nhất thanh toán cho chúng tôi”.
Tương tự như vậy, tổ nhân công của ông Nguyễn Cao Cường với số tiền chưa thanh toán là 284 triệu đồng và hai tổ nhân công khác cũng chỉ nhận được những lời hứa suông từ phía đại diện công ty trách nhiệm hữu hạn Thành Đạt.
Tìm hiểu của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, hầu hết các hợp đồng thi công giữa công ty Thành Đạt do ông Lê Văn Sỹ làm đại diện và đại diện 4 tổ nhân công làm thuê đều là hợp đồng miệng, không có văn bản. Đối với người dân làm thuê, nhất là những nông dân, khi đã hứa nhưng không thực hiện đã gây nên sự bất bình. Hậu quả là một số người đã tự ý lên đường cao tốc dùng vật cản gây ắch tắc giao thông.
Chặn đường, gây cản trở giao thông là việc làm trái pháp luật, và hơn nữa là làm xấu đi hình ảnh đẹp của con đường cao tốc dài nhất và hiện đại nhất Việt Nam. Trước sự việc này, nhà thầu phải nhanh chóng giải quyết dứt điểm để không còn xảy ra tình trạng cản đường và dư luận cho rằng:"Nhà thầu qua cầu rút ván"./.
Theo VOV