Đại biểu Quốc hội băn khoăn việc hoàn thành chỉ tiêu GDP
Số DN phá sản tăng, một số ngành đóng góp lớn cho nền kinh tế nhưng năm nay tăng trưởng thấp, thậm chí giảm… sẽ ảnh hưởng tới GDP.
Hôm nay (21/10), kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là giải pháp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng những tháng cuối năm 2014 và năm 2015.
Nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm là vấn đề về việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế… Trong bối cảnh trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, các ĐBQH đánh giá cao công tác điều hành của Chính phủ, với những nỗ lực giải quyết khó khăn, đảm bảo ổn định kinh tế-xã hội.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cho biết, điều đáng mừng là chỉ số tăng trưởng kinh tế (mấy năm gần đây thường không đạt) nhưng năm nay có khả năng hoàn thành GDP 5,8% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Đây là chỉ tiêu quan trọng, bởi vì "chi tiêu cái gì thì cũng phải xác định tiền đâu?"
Theo báo cáo của Chính phủ, chỉ có 1 chỉ tiêu năm nay có thể chưa hoàn thành là lao động qua đào tạo. Bày tỏ suy nghĩ về các con số báo cáo, đại biểu Trần Ngọc Vinh nói: “Tôi phân vân, nếu số liệu này chuẩn, chính xác thì tốt đẹp. Nhưng theo đánh giá của Ủy ban Tài chính, thì tôi nghi ngờ con số này chưa thật chính xác vì chưa hết năm”.
Báo cáo của Chính phủ, trong 9 tháng năm 2014 có 53,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký tăng 13,9%, vốn bình quân 1 doanh nghiệp là 6 tỷ đồng, tăng 24,6%, tạo việc làm cho hơn 795 nghìn lao động và có gần 11,9 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2013. Con số DN phá sản là 51.244. Đại biểu Trần Ngọc Vinh tính toán: “Lấy số mới và giải thể trừ đi thì chỉ còn được 1281 DN mới thành lập. Con số này là không đáng kể. Ủy ban Kinh tế cũng đánh giá, một số ngành đóng góp lớn cho nền kinh tế nhưng năm nay tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ…”.
Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh, “Tình hình như vậy mà Chính phủ dự báo là vẫn hoàn thành chỉ tiêu GDP thì tôi thấy còn băn khoăn”.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh cũng đề nghị Chính phủ phải đánh giá chính xác sau 3 năm xây dưng nông thôn mới. Qua giám sát ở một số vùng nông thôn thì chủ yếu tập trung vào làm đường. Đại biểu Trần Ngọc Vinh cũng lo ngại việc quá thiên về xây dựng cơ bản sẽ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. “Không khéo, sau này tổng kết thì cán bộ của các xã ấy lại mắc khuyết điểm”.
Với kinh tế nông nghiệp, theo đại biểu Trần Ngọc Vinh, dù không chiếm vị trí quan trọng nhưng lại là lĩnh vực an sinh xã hội cực kỳ quan trọng. Mấy năm qua, chúng ta đầu tư phát triển cho nông thôn nhưng sản lượng lại kém so với các nước trong khu vực, chất lượng không đáp ứng được để xuất khẩu, không đồng bộ, ảnh hưởng tới người nông dân. Chúng ta có các chính sách trợ giá cho nông thôn nhưng làm không cụ thể nên lại rơi vào một số cá nhân, tổ chức, DN thu mua, đóng gói chứ bà con lại không được hưởng.
Qua giám sát, Đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng, các cơ sở dạy nghề của chúng ta với cơ sở vật chất như hiện tại thì không thể dạy được nghề cho xã hội cần, rất lãng phí. “Đề nghị Chính phủ sắp xếp lại trên cơ sở dạy nghề gắn với nhu cầu thị trường. Thực tế hiện nay, các cháu học xong không thể xin được việc. Mục tiêu chúng ta đặt ra đúng nhưng tổ chức thực hiện lại chưa được” – đại biểu Trần Ngọc Vinh nói.
Đại biểu Vũ Xuân Hồng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, đánh giá: Tình hình kinh tế bên ngoài có những khủng hoảng, ảnh hưởng lớn tới chúng ta. Trong nước còn nhiều khó khăn, nhưng đã có những nỗ lực lớn.
Ngoài ra, theo ông Vũ Xuân Hồng, giải pháp không chỉ trong ngắn hạn, mà còn trong trung và dài hạn, chính là việc tái cơ cấu nền kinh tế, mà yếu tố quyết định là phân bổ nguồn lực cho đầu tư. Cần tính toán nguyên tắc phân bổ nguồn lực cho đầu tư có trọng điểm và theo vùng.
Còn đại biểu Trương Văn Vở, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, phân tích, trong năm 2014 Chính phủ đã nỗ lực lớn và duy trì dược mức độ tăng trưởng. Bước sang 2015, tăng trưởng phải gắn với vấn đề giải quyết việc làm bền vững. Một trong các giải pháp cần quan tâm là tháo gỡ khó khăn đối với các DN nói chung. “Tôi cho rằng, giải pháp đột phá không chỉ ngắn hạn mà cả trung, dài hạn là phải tập trung thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Muốn vậy, phải phân bổ nguồn lực cho đầu tư cũng phải tính toán quy tắc, xác định trọng tâm, tạo động lực và sức lan tỏa, nên tập trung phát triển kinh tế theo vùng” – Đại biểu Trương Văn Vở nói.
Theo nhiều đại biểu, kinh tế đất nước tiếp tục tăng trưởng, tính chung 9 tháng đạt 5,62%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước và ước cả năm 2014 đạt khoảng 5,8%. Mục tiêu an sinh xã hội, nhất là chính sách, pháp luật ưu đãi người có công được hoàn thiện và triển khai kịp thời; các chính sách giảm nghèo được quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm. Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trên cơ sở những giải pháp cụ thể, về kinh tế - xã hội năm 2015, Chính phủ đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,2% và điều này theo nhiều đại biểu là có thể thực hiện được./.
Theo VOV