Xe khách giường nằm phải có qui chuẩn mới

Thứ Năm, 18/09/2014, 15:34 [GMT+7]

Cục Đăng kiểm sẽ nghiên cứu thông số tiêu chuẩn, nâng cao chỉ số an toàn từng loại xe phù hợp với từng cung đường cụ thể.

Tại cuộc họp triển khai thực hiện Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ (Nghị định 86) quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, Nghị định 86 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2014 với nhiều quy định mới, cụ thể hơn theo hướng tăng cường quản lý điều kiện an toàn giao thông, nâng cao chất lượng vận tải.

Xe giường nằm, chuyển đổi công năng phải có chuẩn mới

Sau vụ tai nạn xe khách giường nằm thảm khốc tại Lào Cai, trong một cuộc họp gần đây, Bộ trưởng Bộ GTVT - Đinh La Thăng đã chỉ đạo các đơn vị, trong đó có Cục Đăng kiểm Việt Nam khẩn trương nghiên cứu những điều kiện để cho phép xe giường nằm được phép hoạt động trên cơ sở đảm bảo tính pháp lý và cơ sở khoa học kỹ thuật. Cấm xe khách giường nằm hoạt động trên những đoạn tuyến không đảm bảo điều kiện theo kết luận của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện nay cả nước có hơn 4.500 xe khách giường nằm đã được kiểm định về điều kiện an toàn kỹ thuật. Đặc biệt sau vụ tai nạn xe khách ở Lào Cai, Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Đăng kiểm kiểm tra, thay đổi thông số tiêu chuẩn, nâng cao chỉ số an toàn, nghiên cứu sự phù hợp của từng loại xe đối với từng cung đường cụ thể.

“Cục Đăng kiểm đã có kế hoạch thử nghiệm và nghiên cứu sao cho phù hợp, sửa quy chuẩn xe khách, đặc biệt là xe khách giường nằm để nâng cao tính an toàn. Trong tháng 9 này sẽ hoàn thành việc đưa ra báo cáo về mức độ phù hợp của xe với những cung đường cụ thể”, ông Hình cho biết.

Thông tin thêm về quy định hạn chế xe khách giường nằm chạy tuyến miền núi, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, Nghị định lần này quy định phải có quy hoạch đối với xe giường nằm, trong vận tải hành khách tuyến cố định.

Theo đó, căn cứ vào nghiên cứu của Tổng cục Đường bộ và Cục đăng kiểm từ đó đưa ra quy định cụ thể: Tuyến vận tải có độ dốc bao nhiêu, bán kính cong bao nhiêu thì xe giường nằm không được hoạt động và từ đó đưa ra quy hoạch cụ thể cho từng tuyến.

Ông Hùng cũng cho biết, đối với xe hợp đồng, nếu quản lý chi tiết được hành trình, xe hợp đồng chạy vào những tuyến không đủ điều diện về độ dốc dọc và bán kính cong, trên cơ sở dữ liệu của Tổng cục Đường bộ, các Sở GTVT có thể quản lý rất chặt những nội dung này và thi hành biện pháp tước phù hiệu, thu hồi giấy phép kinh doanh theo các điều kiện đã quy định.

Giải pháp cho những xe đã chuyển đổi công năng để thực hiện vận tải theo điều kiện cũ, ông Khuất Việt Hùng thông tin, Bộ GTVT sẽ đưa ra những lộ trình để doanh nghiệp vận tải điều chuyển những phương tiện này sang các tuyến vận tải phù hợp với điều kiện.

“Nghị định lần này sẽ siết chặt tất cả các điều kiện kinh doanh vận tải để đảm bảo môi trường minh bạch và công bằng đối với các loại phương tiện, các doanh nghiệp và các đơn vị kinh doanh vận tải, bảo vệ lợi ích chính đáng của những doanh nghiệp vận tải chân chính, thực hiện nghiêm quy định”, ông Khuất Việt Hùng khẳng định.

Quản lý chặt phương tiện, luồng tuyến

Đánh giá quy đinh của Nghị định 86 đối với loại hình xe vận tải hành khách hợp đồng, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện nay phương tiện xe khách hợp đồng tham gia kinh doanh vận tải có số lượng rất lớn, lên đến hàng chục ngàn xe nên việc quản lý hết sức phức tạp và khó khăn.

“Quy định trong văn bản pháp luật trước đây vẫn còn có sự lỏng lẻo, ví dụ như vận tải hành khách tuyến cố định không cho phép đón trả khách ngoài bến, nhưng lại không cấm xe vận tải hành khách hợp đồng nên loại hình xe này tha hồ bắt khách ngoài đường. Chính vì thế, Nghị định lần này sẽ phải thắt chặt hơn đối với loại hình xe vận tải hành khách theo hợp đồng”,  ông Quyền chỉ rõ.

Ông Quyền cũng đưa ra những giải pháp quản lý xe vận tải hành khách hợp đồng, nhằm chấm dứt tình trạng đón trả khách dọc đường bằng việc yêu cầu các đơn vị trước khi ký hợp đồng vận tải phải báo cáo với các Sở GTVT về số xe, số khách, thời gian thực hiện hợp đồng, đón khách ở đâu... để Sở GTVT làm căn cứ theo dõi qua dữ liệu giám sát hành trình. “Hình thức báo cáo gọn nhẹ qua đường truyền Internet sẽ không phát sinh chi phí và thời gian”, ông Quyền nói.

Nghi ngại về tính hiệu quả của thiết bị giám sát hành trình đối với xe vận tải hành khách chạy vượt tuyến cũng như trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cũng chỉ rõ, những thông tin từ thiết bị giám sát hành trình phải được chuyển về đơn vị vận tải qua máy chủ của doanh nghiệp, hoặc doanh nghiệp phải thuê thiết bị để quan sát, phát hiện và xử lý kịp thời xe chạy sai hành trình.

Theo Tổng cục Đường bộ, với chủ trương tái cơ cấu toàn ngành GTVT, để nâng cao hiệu quả của công tác vận tải trước yêu cầu thực tế, cần phải tái cơ cấu từ lực lượng, năng lực sản xuất với quy mô nhất định, không thể trông chờ vào những doanh nghiệp có quy mô manh mún, nhỏ lẻ… do vậy, quy định đặt ra yêu cầu tôi thiểu về số lượng phương tiện cho các doanh nghiệp tham gia kinh doanh vận tải là quy trình phát triển tất yếu.

Đối với việc quản lý luồng tuyến, đại diện Tổng cục Đường bộ cho rằng, hiện đang có tình trạng bất cập với những tuyến nhỏ lẻ, phân tán có khi tuyến vận tải có cự ly rất dài trên 1.000 km, tần suất 3-7 ngày mới có 1 chuyến xe dẫn đến tình trạng đơn vị vận tải đua nhau chạy trên đường, tranh giành khách dẫn đến phân tán gây mất trật tự ATGT. Do đó, phải quản lý quy hoạch tuyến vận tải hành khách tuyến cố định, trong đó siết lại quy định về điều kiện, tiêu chí mở luồng tuyến, đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ./.

Ngày 15/9, Hiệp hội vận tải Hà Nội có ý kiến đề nghị Bộ GTVT ban hành bộ Quy chuẩn thiết kế xe khách giường nằm theo Tiêu chuẩn cấp Nhà nước. Đồng thời kiến nghị tạm đình chỉ việc sản xuất xe giường nằm 2 tầng cho đến khi bộ Quy chuẩn được ban hành.

Hiệp hội cũng đề xuất Bộ GTVT việc ưu tiên cho phép các doanh nghiệp vận tải cải tạo lại xe giường nằm 2 tầng thành xe giường nằm 1 tầng hoặc xe ghế ngồi bằng ghế ngả được chạy trên đường đèo núi. Đối với những tuyến tuyệt đối cấm xe giường nằm sẽ tiến hành cấm từng phân khúc sau khi ban hành lộ trình để cá doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh./.

 

Theo VOV

.